Mùa vui
Từ sớm, nhiều người trong nghề đã nhận định, mùa diễn tết này sẽ rất “cạnh tranh” khi sân khấu nở nồi - tăng gấp đôi điểm diễn và số tác phẩm so với năm trước. Dù vừa bán vé vừa lo nhưng các nơi đều mạnh dạn lên lịch 2-3 suất diễn/ngày. Như nhiều người vẫn nói vui - “liều, ăn nhiều”, nhất là khi quả ngọt có được từ áp lực cạnh tranh.
|
Các suất diễn vở Vàng ơi là vàng của nhà hát kịch IDECAF đều hết vé trong dịp tết |
Sau nhiều biến động và gần như phải thay máu lực lượng tại nhà hát kịch IDECAF, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn khá thận trọng, nhưng “kết quả đáng mừng đến bất ngờ” - ông cho biết. “Vé bán rất tốt và ổn định. 2 vở chủ lực tại nhà hát kịch IDECAF là Tấm Cám đại chiến và Vàng ơi là vàng cùng vở kịch thiếu nhi Cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê diễn tại nhà hát Thanh Niên đều kín ghế” - ông Tuấn nói. Bên cạnh đó, nhà hát Thanh Niên của ông cũng liên tục “cháy vé”, mỗi suất diễn duy trì từ 400 đến gần 700 ghế, tăng gấp đôi so với năm trước.
Sân khấu Trương Hùng Minh của thầy trò Minh Nhí - Việt Hương cũng “vượt lên chính mình” khi kín ghế suốt 17 suất diễn. Với sức hút từ 2 nghệ sĩ đầu tàu là Thành Lộc và Hữu Châu, sân khấu Thiên Đăng đã hết vé từ sớm.
Dù đã diễn 3 suất/ngày, trong các ngày cao điểm, sân khấu Thế Giới Trẻ vẫn “quá tải”. “Rất nhiều nhóm đặt 5-10 vé cùng lúc mà đành từ chối vì hết ghế. Nhẩm tính, nếu có thêm 300 chỗ nữa thì cũng bán hết được” - bà An Thi - quản lý sân khấu Thế Giới Trẻ - cho biết.
Ra mắt trong mùa diễn tết với vở kịch thiếu nhi Rago - Hành trình đầu tiên, sân khấu Ban Mai khởi đầu khá chật vật khi bán vé khá chậm nhưng về sau đông khách dần nhờ hiệu ứng truyền miệng trong khán giả. “Đến mùng Năm thì bắt đầu kín ghế, duy trì được mức hơn 300 ghế/suất. Đây thực sự đã vượt kỳ vọng của chúng tôi” - đạo diễn Bảo Chu - Giám đốc sân khấu Ban Mai - chia sẻ.
Khán giả đến với sân khấu 5B và sân khấu Hoàng Thái Thanh thì vừa phải, không đông như các năm trước, dù phản hồi đối với các vở diễn rất tích cực.
Bất ngờ nhất chính là “bom tấn” Tình sử Thăng Long với sự hợp lực của 2 ông bà bầu nổi tiếng mát tay là Nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long và Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân lại không được như kỳ vọng. Cả 2 suất diễn tại nhà hát Bến Thành khán giả chỉ kín khoảng nửa rạp trong khi chi phí đầu tư khá lớn. Các vở diễn với quy mô thường thấy của sân khấu kịch Hồng Vân tại Nhà văn hóa Sinh viên TPHCM thì lại có lượng khán giả ổn định.
Nỗi lo đường đài
Nhìn lại, tuy niềm vui không thật đồng đều nhưng sân khấu TPHCM đã có một mùa diễn tết thành công hiếm thấy, tạo động lực rất lớn cho người làm nghề. Tuy nhiên, như giới chuyên môn vẫn nhận định, không thể nhìn vào thành quả mùa diễn tết mà đánh giá một nền sân khấu. Gần như năm nào, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn cũng lặp lại nhận định: “Tết luôn rất dễ bán vé. Để có cái nhìn bao quát hơn cần phải đợi qua rằm tháng Giêng”.
|
Vở Bóng đàn ông được khán giả rất yêu thích trong các vở diễn tết tại sân khấu Thế giới Trẻ. |
Các năm trước, thường cũng chỉ sân khấu Thế Giới Trẻ và nhà hát kịch IDECAF duy trì được lịch diễn tết kéo dài. Năm nay, sân khấu Thế Giới Trẻ vẫn giữ được phong độ còn nhà hát kịch IDECAF - sau đợt cải tổ toàn diện từ cuối tháng 9/2023 - vẫn cần thêm thời gian để phục hồi nội lực. Nhà hát Thanh Niên - với sự đóng góp của đạo diễn Hồng Ngọc trong vai trò quản lý nghệ thuật - thì đã thực sự khởi sắc và vươn lên là một sân khấu ăn khách hàng đầu trong nửa năm qua.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, nhìn vào các đơn vị hút khách bậc nhất mùa tết này như: nhà hát Thanh Niên, sân khấu Thế Giới Trẻ, sân khấu Trương Hùng Minh…, có thể thấy được thị hiếu số đông khán giả hiện nay. “Họ chuộng hài kịch với nội dung không đánh đố mà thật nhiều tiếng cười nhưng đồng thời phải đầu tư chỉn chu về nhiều mặt, nhất là phần hình thức với tạo hình đẹp, quần áo lộng lẫy, y trang bắt mắt. Đó cũng là xu thế của giải trí thế giới - với quá nhiều lo toan trong cuộc sống, khán giả càng khát tiếng cười hơn” - ông Tuấn nhận định.
Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát có cái nhìn khá thận trọng: “Sân khấu TPHCM khởi sắc, nhưng mặt bằng chung chất lượng vẫn chưa như kỳ vọng. Lâu rồi chưa có được tác phẩm thật sự chất lượng, trở thành “hiện tượng” làm người xem trầm trồ, người làm nghề phấn khích. Sân khấu “nở nồi” đó, nhưng thiếu chiều sâu nội lực, không khéo lại đi vào “vết xe đổ” - chạy theo số lượng, buông lỏng chất lượng - làm sân khấu khủng hoảng trở lại”.
Hơn ai hết, người làm nghề đều ý thức rằng, nội lực một nền sân khấu không nằm ở một mùa diễn tết mà là sự ổn định lâu dài. Thế nên, cuộc cạnh tranh thực sự giữa các đơn vị, cũng như kiểm định thực lực và bước phát triển của một sân khấu chỉ bắt đầu sau mùa diễn tết, khi nghệ sĩ trở lại guồng quay quen thuộc, tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo mới. Đặc biệt là các “tân binh” với thách thức sẽ trụ được hay lặng lẽ biến mất và chỉ trở lại vào mùa tết hoặc dịp liên hoan, hội diễn nào đó.
Ninh Lộc