Chẳng biết từ khi nào, cán cân về những biểu hiện và tư duy sinh động nhất của đời sống văn hóa bị lệch hẳn về nhóm người (có vẻ) đông đảo hơn, có “quyền lực” và có tiếng nói hơn. Trong khi đó, những tiếng nói bị xem là thiểu số, yếu thế, cất lên từ cộng đồng các dân tộc ít người, những người nông dân chân lấm tay bùn, những em nhỏ, người già… dường như bị lép vế, bỏ quên trong một thời đại mà thời gian “nhanh” hơn một tiếng thở dài.
|
Phụ nữ trong sự kiện Tôi tin tôi có thể - tôn vinh tính đa dạng văn hoá - Ảnh: LÊ BÍCH |
Còn nhớ, trong buổi khai mạc chương trình Tôi tin tôi có thể 2019 - chuỗi sự kiện được tổ chức hằng năm, nhằm tôn vinh văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS), diễn ra tại Hà Nội, PGS-TS Phạm Quỳnh Phương - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - phát biểu: “Ta lấy ta làm trung tâm, ta cho ta là chuẩn mực. Hiện nay, chúng ta vẫn coi phương Tây là cái đích để phấn đấu và nghĩ các DTTS cần tiến kịp mình, vì thế mới có “miền núi tiến kịp miền xuôi”. Một ví dụ khác: nơi các cộng đồng DTTS sinh sống thường bị gọi là “vùng sâu, vùng xa”. Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Giang, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cách gọi như vậy là do người Kinh tự đặt mình ở vị trí trung tâm.
Một bạn người Chăm của tôi từng chảy nước mắt khi bước vào trung tâm tháp Po Inư Nagar (Nha Trang) và thấy ban quản lý di tích nâng tượng thần lên ngang đầu người, theo thói quen của người Kinh, mà quên mất người Chăm, khi lạy tượng thần, thường nằm rạp xuống, mở mắt ra là có thể thấy thần linh ngay trước mặt mình. Bạn tôi hỏi, ta lấy tộc nào làm trung tâm để trùng tu di sản, trong khi chủ nhân của kiến trúc tôn giáo đó là dân tộc họ.
Liên hệ rộng ra, dễ thấy, hiện nay, quá trình “Kinh hóa” đang diễn ra ở nhiều nơi trên đất nước ta. Đi cùng với đó là sự tan rã dần của hệ thống ngôn ngữ, tập tục, truyền thống văn hóa của các cộng đồng dân tộc ít người. Nhiều nơi, việc nhập tết của đồng bào vào tết của người Kinh đang trở thành phong trào và lạ là không ít người, trong đó không thiếu lãnh đạo địa phương, xem đó là biểu hiện của văn minh, tiến bộ.
|
Cô dâu 8 tuổi là bộ phim yêu thích của các bà, các mẹ ở nông thôn |
Chúng ta luôn nói “trẻ em là tương lai của đất nước”, nhưng ta lại phó mặc các em cho những sân chơi nghèo nàn, ẩn tàng bạo lực, vô bổ, độc hại từ những chiếc smartphone vô hồn, những trò chơi bạo lực. |
Một câu chuyện khác cũng gợi nhắc về những tiếng nói không có khả năng cất lời. Tôi để ý, hai cái tết về thăm nhà, thấy hầu hết các bà, các mẹ… dán mắt vào xem bộ phim ngàn tập Cô dâu 8 tuổi của Ấn Độ mà không hề chán. Tôi càm ràm, không thể nào hiểu được vì sao mẹ mình có thể kiên nhẫn xem một bộ phim lê thê, dài dòng đến hai năm vẫn chưa hết như thế. Nhưng tôi giật mình ngay sau đó khi nhận ra, nếu không có bộ phim Ấn Độ đó, không có những bộ phim Hàn Quốc đó, mẹ tôi hay những người mẹ, người bà ở quê biết lấy gì để xem, để giải trí?
Hai nhóm đối tượng khác, tưởng chừng ở trong, nhưng thực ra cũng đang ở ngoài luồng kiến trúc thượng tầng về văn hóa - giải trí hiện nay là các em nhỏ và người già. Họ cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng và đủ; đặc biệt là các em thiếu nhi. Trong cuộc trò chuyện bàn tròn về sân khấu thiếu nhi mới đây, ngồi với nhau, các nghệ sĩ, người làm giáo dục cũng như đại diện lãnh đạo thành phố mới giật mình: vì sao một đô thị được gọi là phát triển như TP.HCM lại không có lấy một sân khấu định kỳ cho thiếu nhi. Câu trả lời, xin để mỗi người “tự thú” với chính mình. Trong khi đó, giới trẻ (nhóm người từ 15 tuổi trở lên), bằng một cách nào đó, trở thành “khách hàng” chính của nền văn hóa đó. Các chương trình văn hóa - giải trí đều tập trung xoay quanh nhóm này. Các thiết chế văn hóa cũng xoay quanh nhóm này. Có phải vì đây là những “thượng đế” dễ sinh lợi?
|
Ngày xửa ngày xưa của sân khấu IDECAF là tác phẩm sân khấu hiếm hoi đồng hành cùng các em nhỏ trong những năm qua |
“Tiểu văn hóa” là cụm từ dùng để chỉ một nhóm người, trong một nền văn hóa có sự phân biệt tự thân với văn hóa mẹ mà nó thuộc về. Độ tuổi, dân tộc, giai cấp xã hội, cách sống… đều là những yếu tố dẫn tới sự hình thành các tiểu văn hóa trong xã hội. Cộng đồng DTTS, nông dân, những em nhỏ, người già… trong bài viết này chính là các “tiểu văn hóa”. Cực còn lại chính là người Kinh (đặt trong tương quan với người DTTS), thị dân (trong tương quan với người sống ở nông thôn), người trẻ (trong tương quan với thiếu nhi, người già). Chúng ta thiếu hẳn sự phát triển hài hòa giữa các bên.
Các tiểu văn hóa có tiếng nói riêng của mình.Mặc dù là những bộ phận khác nhau nhưng lại cùng nằm trong hệ thống văn hoá, giữa chúng có mối tương quan bao quát và bình đẳng nhau. Sự thay đổi về văn hóa có thể kéo theo sự thay đổi của các bộ phận khác trong hệ thống; từ đó ảnh hưởng lên cách chúng ta vận hành, quản lý văn hóa. Các nhà xã hội học từng mô tả nền văn hóa của chúng ta như một “tấm mền chắp vá”. Muốn hiểu (để quản lý và lập kế hoạch phát triển) một nền văn hóa, không thể chỉ tập trung vào các mẫu văn hóa thống trị mà còn phải tính đến yếu tố đa dạng văn hóa. Hạn chế bất cứ tiếng nói nào, đều đi lùi quy luật phát triển.
Đậu Dung