Khi những tế bào bị... đột biến

28/06/2019 - 10:50

PNO - Cô bé mới lên 2, Angie Valeria Martinez ướt sũng, chết trong chiếc áo của cha, tay vẫn còn vòng quanh ôm lấy cổ cha. Em đang bám víu tình thân hay đang níu lấy sự sống?

Hôm nay, 28/6, ngày Gia đình Việt Nam, vẫn có nhiều hoạt động tôn vinh hạnh phúc gia đình, những thông điệp ngợi ca giá trị tình thân, dù giữa bộn bề, chao đảo của làn sóng xã hội, có vẻ như những ngày lễ lạt đã làm tròn chức năng kỷ niệm, nhắc nhớ hơn là từ đó, tạo nên những xung lực cho thực tế đang hồi… nghiêng ngả. 

Vẫn trên nền tảng ngời ngời chân lý kia, gia đình là tế bào của xã hội. Nhưng quẩn quanh, bức bối nhìn lại, đã có không ít tế bào bị… đột biến, một phần do tự cơ chế gen, còn lại chủ yếu là bởi môi trường sinh dưỡng, khiến cho những hạt ADN và đường đi của chúng biến đổi, co cụm, có khi gục ngã, đầu hàng.

Khi phiên tòa ly hôn bạc tỷ còn chưa khép lại thì cuộc hôn nhân bị vết chém giang hồ làm gãy đứt lại hé lộ những xung đột mà kết cuộc, vẫn chỉ là sự giằng co, phép trả đũa, trò hủy hoại lẫn nhau ở ngay điểm nút - tình và tiền.

Chẳng biết, trước khi ngồi xuống chiếc ghế nhẵn bóng kia, hai con người trong cuộc ấy đã đủ thành thật cởi bỏ những rạn nứt, toan tính để chí ít chịu ngồi lại với nhau, để không phải lôi xoành xoạch ra chốn tụng đình. Và đám đông, trong cơn thỏa thích, tò mò, đàm phiếm câu chuyện của hai người lớn xa lạ đã không phải vờ giật mình đi tìm, thương xót cho những ánh mắt trẻ thơ đâu đó.

Rời cánh cổng gia đình, kẻ biến thái mang gương mặt ông hàng xóm tốt bụng, vỗ về cho kẹo; hay nhà tư pháp vẻ sáng láng nơi thang máy chung cư. Hay có khi, đằng sau cánh cửa tưởng như an toàn ấy, muôn vàn người thân kẻ thích bỗng chốc tự lột truồng, hiện nguyên hình ma quỷ. Cánh cửa kia không còn che chắn nổi. Mối quan hệ họ hàng, huyết thống đến lúc phải cài đặt GPRS, mà vẫn không thể định vị cái nhân cách đã bị thú tính hóa trong giây lát, bị che đậy bởi thứ bản năng khốn cùng tội lỗi.

Những đứa trẻ, có khi cúi gầm mặt cả đời từ đấy. Ám ảnh, đớn đau, sợ hãi.

Và cũng có những đứa trẻ khác, người thân khác của “phía bên kia”, nào dám ngẩng đầu mà bước. Xấu hổ, tủi nhục, mặc cảm.

Không một gia đình nào còn lành lặn. Tả tơi. Khốn khổ.

**

Giữa những ngày gia đình, năm nay, bất giác tôi nhìn về phía bên kia đại dương, nơi con sông Rio Grande vẫn chảy, ngăn đôi bờ biên giới Mexico và nước Mỹ. Cô bé mới lên 2, Angie Valeria Martinez ướt sũng, chết trong chiếc áo của cha, tay vẫn còn vòng quanh ôm lấy cổ cha. Em đang bám víu tình thân hay đang níu lấy sự sống? Giới chức Mexico tìm thấy thi thể hai cha con hôm thứ Hai, ngày 24/6.

Khi nhung te bao bi... dot bien
Angie Valeria gục chết ngay trước cửa “thiên đường”

Trước khi úp mặt vào sóng biển, cậu bé Alan Kurdi đã hỏi, nhà mình đi đâu thế bố? Đi đâu cũng được, miễn không phải sống dưới đạn bom nơi miền bắc Syria.

Chiến tranh, đói nghèo, bất công, con người chạy trốn sự hủy diệt, mơ màng một thế giới tốt đẹp hơn cho bản thân, cho gia đình. Không còn chọn lựa nào khác. Gia tài họ mang theo là “nhà mình”. Và phút chốc, trắng tay, mất mát

May mắn hơn, còn tìm lại được nhau thì cũng đã đầu bạc răng long, ngày đoàn tụ chỉ ôm nhau trong chốc lát, hay mới đây, chính phủ hai miền Triều Tiên đồng ý tổ chức cuộc đoàn tụ gia đình ly tán trong chiến tranh 1950-1953 qua… cầu truyền hình.

Những tế bào không còn quyền trú ẩn an toàn trong một môi trường sinh dưỡng bất toàn. Nhưng tế bào gia đình vẫn là sự sống khởi đầu, cũng chính là nơi trú ẩn cuối cùng cho mỗi con người. Con người chết vì đạn bom, chết vì đói, chẳng ai chết vì không có hay thiếu vắng… gia đình. Nhưng đấy là một sự sống dưới đáy mồ. Vì vậy, ngay trong sự bất toàn, bất ổn ấy, tự bản thân, vì người thân, rồi cũng buộc phải chằng chống lại, chống chỏi thêm để mỗi gia đình giữ chặt được riềng mối, giữ vững rường cột mà đón gió đỡ bão tứ bề. Hoặc có khi, biết đâu bão lửa từ trong chính bếp nhà. Nhưng, ít nhất, còn có một tình thân, bảo bọc. 

>Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI