Khi những tâm hồn cô đơn tìm nhau

17/02/2023 - 09:01

PNO - Đâu chỉ độc mình tôi đơn độc như một cuốn nhật ký tự trào về hành trình đời người: từ một bé trai trở thành đàn ông, cuối cùng là một ông già đầy nỗi niềm.

Jean - Louis Fournier là cái tên không còn xa lạ với những bậc làm cha mẹ Việt Nam nhờ Ba ơi, mình đi đâu? - cuốn sách kể về công cuộc làm cha của chính tác giả với cặp song sinh khuyết tật; một cuốn sách lạc quan, dung dị, đầy tình yêu thương con trẻ khi cuộc đời trót trao những món quà không trọn vẹn.

 

Ở lần tái ngộ này, với Đâu chỉ độc mình tôi đơn độc (Nhà xuất bản Hội Nhà văn cùng Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành), ông tiếp tục mở ra cái phần lẻ loi, thấm mệt, buồn bã của mình. Đây là góc khuất tâm hồn ông phần nào che giấu để hoàn thành nhiệm vụ làm cha.

Nhưng rồi cũng đến lúc nỗi buồn đó cần được mở toang, để ông được tiếp sức. Là độc giả của Ba ơi, mình đi đâu?, hẳn bạn sẽ bất ngờ vì nỗi niềm này nhưng rồi cũng thở phào vì nhiều thứ được soi rọi thấu suốt hơn.

Nỗi cô đơn đã thấp thoáng nơi đứa trẻ trong gia đình rồi bị đẩy đến trường học, đưa ra ngoài xã hội. Khác với vẻ ngoài dí dỏm, hoạt bát, nỗi cô đơn như tồn tại song song trong ông. Đôi lúc, sự một mình khơi dậy một cuộc chiến giữa chính ông và tha nhân: 

“Tôi là một con sói già đơn độc.
Chẳng ai nghĩ đến tôi.
Để trả thù, tôi cũng chẳng nghĩ đến ai
và Chủ nhật nào,
tôi cũng ác tâm ngốn ngấu một cái đùi cừu”.

Nỗi cô đơn hiện ra tựa một bài thơ rồi kết lại có khi rất trần tục, khiến ta cười đau điếng hoặc có khi bâng quơ như vừa có một làn gió lay nhẹ mái tóc bạc.

Nếu chỉ thế thì không phải là Jean - Louis Fournier. Hãy thăm dò cái bể buồn bã thăm thẳm đó. Dường như có tiếng vọng lên tha thiết rằng “tôi sợ nhưng tôi cần mọi người”. Thật vậy, khi trót mang tâm tưởng kẻ cô đơn, thứ họ cần ở người khác càng to lớn, sâu lắng hơn.

Ông trông ngóng cô gái thiện nguyện làm bầu bạn với người già dù họ vẫn là 2 chiếc bóng cô đơn bên nhau. Ông nhìn khung cửa vô tri của nhà hàng xóm mà tưởng tượng những câu chuyện hờn mát, gắt gỏng rồi khát khao.

“Tôi không phải người vị tha, tôi chỉ nghĩ đến tôi nhưng tôi cần người khác
Tôi yêu những người vị tha, họ mang lại hạnh phúc cho người khác, đặc biệt là tôi”

(trích Đâu chỉ độc mình tôi đơn độc)

Ta đọc Đâu chỉ độc mình tôi đơn độc để thấy những tiếng nói cô đơn bị che giấu trong lòng mình được phép cất lời, để thấy có nhiều người như chính ta đấy thôi. Đồng cảm với nỗi cô đơn không phải để chìm xuống mà để nắm tay nhau đi tiếp.

Cô đơn giúp ta nhận thức rõ và khám phá những khả năng gắn bó của bản thân. Tác phẩm như bằng chứng cho thấy sự cô đơn - gắn bó luôn tồn tại mật thiết.

Phạm Đoàn Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI