15 phút và một đầu sách
Chưa ở ngày hội đọc sách nào, ở sảnh chờ, người đọc xếp hàng để đăng ký trật tự đến như vậy. Mọi người ngồi chờ trong im lặng để đến lượt được gọi vào phòng đọc sách.
Trong 15 phút ngắn ngủi, "sách sống" và nhóm người đọc (ít nhất là 1, nhiều nhất là 5 người) sẽ cùng chia sẻ về một chủ đề đã đăng ký từ trước. “Sách sống” có nhiều cách để bắt đầu buổi đọc, cách kể câu chuyện thật của bản thân hoặc nhiều "đầu sách" muốn tiết kiệm thời gian sẽ đi ngay vào giải đáp thắc mắc của người đọc như một vị chuyên gia tâm lý. Hết 15 phút, người đọc trở ra, nếu thích đọc một "đầu sách" khác họ sẽ tiếp tục đăng ký, còn "đầu sách" thì ngồi chờ lượt bạn đọc tiếp theo.
|
Đông đảo bạn đọc đến tham dự |
Theo lời giới thiệu từ ban tổ chức, “sách sống” - họ là người thật, đại diện cho những nhóm người phải chịu nhiều định kiến, dèm pha và những suy nghĩ bảo thủ trong xã hội. Đó là những "đầu sách" nói về: Nữ thợ xăm, Đam mê hay bệnh tâm thần?, Thợ xăm chuyển giới nam; Gay, it doesn't matter, BDSM… hoặc những đầu sách mang “nội dung” nổi cộm ở thời điểm hiện tại: Bệnh trầm cảm, Transman - Xâm hại tình dục, Phụ huynh trẻ tự kỷ, Quấy rối tình dục, Vấn đề tâm lý…
|
Một "đầu sách" kể về câu chuyện bản thân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ "người thứ 3" xen vào mối quan hệ của ba mẹ |
Trong số những bạn đọc tìm đến với hội sách, đa phần họ rất trẻ. Những bạn sinh viên mang trong mình sự tự ti trước đám đông, có những dấu hiệu chớm trầm cảm hoặc đam mê bạo lực trong tình dục, phân vân không biết đó là “bệnh” hay tâm – sinh – lý bình thường… và họ tìm đến ngày hội đọc sách để nhận được sự chia sẻ. Lẫn trong đám đông, có những phụ huynh dẫn con của mình đến đọc sách, thậm chí cả gia đình tham gia cùng con để nghe “đầu sách” chia sẻ.
|
Những câu chuyện được kể và nhận lại sự chia sẻ. Những "đầu sách" này không tiết lộ danh tính, chỉ yên lặng chia sẻ - lắng nghe - chia sẻ. |
Họ trở ra từ căn phòng đọc sách, nhiều người hài lòng với những gì mình vừa "đọc" được. Họ vui vẻ, trao đổi thêm về câu chuyện và ngưỡng mộ cách “đầu sách” vượt qua được những tổn thương, giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Hay chỉ đơn giản, họ cảm nhận được năng lượng từ những đầu sách “nhẹ ký” hơn như: Người ăn chay, Trở về nông thôn, Hành trình chữa lành…
Nhưng trong đó, có nhiều bạn đọc trở ra đầy vẻ đăm chiêu, họ vẫn đang nghĩ về câu chuyện của mình. Không dễ để cởi bỏ tâm lý của một người đang mắc kẹt trong nhiều vấn đề phức tạp, 15 phút ngắn ngủi, "đầu sách" cũng chỉ có thể chia sẻ, đưa ra những lời khuyên để bạn đọc có hướng giải quyết chứ không thể thay bạn đọc xử lý được.
4 lần tổ chức và những khó khăn tưởng chừng bỏ cuộc
Ngày đọc sách đặc biệt này lấy ý tưởng từ dự án The Human Library ra đời vào mùa xuân năm 2000 tại Copenhagen, Đan Mạch. Cho đến nay, dự án đã có mặt tại hơn 70 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đài Loan, Singapore, Anh, Pháp...
|
Lê Anh Thư, du học sinh tại Mỹ là người khởi xướng Human Library tại Việt Nam. Anh Thư đi du học vào năm lớp 11 và từng trải qua trầm cảm vì cuộc sống khác biệt ở nước ngoài. |
Tại Việt Nam, Human Library Vietnam - Thư viện Sách sống đầu tiên được tổ chức vào năm 2016 dưới sự khởi xướng của Lê Anh Thư (du học sinh ĐH Oberlin, Hoa Kỳ). Từ khi thành lập đến nay, dự án đã trải qua 3 mùa đọc sách tại Hà Nội và TP.HCM với quy mô ngày càng mở rộng, thu hút hơn 2700 lượt đọc sách. Và mùa thứ 4 đang được tổ chức từ 27 – 28/1 tại ĐH Mở, TP.HCM.
Trải qua 4 mùa nhưng trong những câu chuyện hồi tưởng lại ngày đầu tổ chức, Lê Anh Thư vẫn nhớ: “Trong thời gian đầu, việc tìm địa điểm gặp nhiều khó khăn. Human Library khi đó là một dự án hoàn toàn mới, nhà trường hồ nghi về tính khả thi và mức độ lan toả nên không sẵn lòng tài trợ địa điểm. Nhưng khi dự án được biết đến nhiều hơn, thì khó khăn lại chuyển sang những câu chuyện được kể trong ngày đọc sách”.
|
Những "đầu sách" rất trẻ nhưng có nhiều câu chuyện sâu sắc |
“Nhóm muốn nói những vấn đề chưa ai nói, vấn đề đang bị kỳ thị hoặc né tránh nên mời những “đầu sách” rất khó khăn và câu chuyện họ kể cũng gặp nhiều chỉ trích. Năm nay, “đầu sách” BDSM dịch nôm na là lệch lạc về mặt tình dục, là một đầu sách mới. Cộng đồng BDSM đang tồn tại ở Việt Nam nhưng thuyết phục họ dám xuất hiện, dám kể câu chuyện của mình, gặp nhiều trở ngại. Họ phải thật sự dũng cảm và chịu chia sẻ về quá trình nhiều đau đớn của họ, nên tìm được “đầu sách”, chúng tôi rất trân trọng”, Anh Thư chia sẻ.
Trong nhiều “đầu sách” khó mời, Anh Thư nhớ lại mùa đầu tiên, để thuyết phục "đầu sách" hành nghề mại dâm và buôn bán người qua biên giới, ban tổ chức phải “đu bám” dai dẳng. “Tôi tiếp cận nhân vật trong 2 – 3 tháng liền, săn đón ở bất cứ hoạt động nào. Ví dụ, với nhân vật nữ mại dâm, mỗi lần gặp, cô chỉ nói rất ít, cô ngại không muốn chia sẻ và bản thân cô cũng nói không lưu loát một câu chuyện dài. Bên cạnh đó, vì chính cô cũng đang giấu gia đình để làm công việc này nên không dễ để cô đồng ý. Nhưng chúng tôi đã làm được. Tôi tin nếu bản thân thật tâm thì nhân vật sẽ thấu hiểu”, Anh Thư tâm sự.
|
Nhóm bạn trẻ thảo luận "đầu sách" trước khi đăng ký |
Human Library Vietnam nhận được nhiều sự đồng thuận cũng như ý kiến trái chiều từ những người tham gia, nhưng theo Anh Thư, ý kiến duy nhất mà bạn đọc không hài lòng là thời gian đọc sách quá ngắn: “Thời gian là vấn đề mà ban tổ chức trăn trở, trong tuần tới, chúng tôi dự định tổ chức buổi ăn tối cùng các "đầu sách" để tăng sự hữu hiệu của mô hình. Bên cạnh đó, tôi không muốn biến ngày đọc sách thành buổi diễn thuyết, một người nói và hàng trăm người nghe. Tôi muốn có sự riêng tư nhưng lại vừa muốn nhiều bạn đọc được tham dự. Vấn đề này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều”.
|
Có nhiều đầu sách cho phép chụp ảnh, nhiều đầu sách không đồng ý việc quay phim, ghi âm, chụp ảnh, hỏi tên. |
Trước câu hỏi, bạn đọc đến đây chỉ đơn giản vì sự tò mò, cô du học sinh khẳng định: “Nhiều bạn đọc đến đây vì sự tò mò. Đây cũng là điều dễ hiểu vì trước một chủ đề gây sốc thì tò mò là phản ứng đầu tiên nhưng sau đó họ được tiếp nhận một câu chuyện mới và sẽ hiểu được phần nào về “đầu sách”. Chúng tôi muốn mang đến những câu chuyện về người yếu thế, từng hoặc đang bị kỳ thị trong xã hội. Nếu bạn đọc đến vì sự tò mò thì sau khi bước ra khỏi chương trình, tôi mong đó là sự cảm thông”.
Sau mùa 4 Thư viện Sách sống, Lê Anh Thư và những người bạn của mình mong muốn mùa hè 2018 sẽ tổ chức ở Đà Nẵng, để dự án đến được 1 tỉnh miền Trung vì “nhiều bạn ở đây đang cần”. Còn riêng Lê Anh Thư, cô bạn sẽ sang Mỹ để tiếp tục việc học và sẽ lại về để đồng hành cùng Thư viện Sách sống những mùa sau.
Minh Tú