Tìm sự bình yên trong làn khói trắng
Những ngày tháng ngồi trên ghế nhà trường, Trần Văn Hải (học sinh lớp 11, trường K.) luôn là niềm tự hào của gia đình. Là con trai nhưng Hải chưa một lần gây gổ, đánh nhau hay nhậu nhẹt. Từ nhỏ, Hải được ba mẹ định hướng mọi việc: học ở trường nào, chơi những trò chơi gì; kể cả bạn bè của em, ba mẹ cũng chọn lọc.
Tuy vậy, ba mẹ của Hải không bó buộc em vào khuôn khổ. Mọi nhu cầu, chỉ cần Hải lên tiếng, ba mẹ đều đáp ứng. Đổi lại, em học tập chăm chỉ, biết chơi nhiều môn thể thao, năng động. Những người quen biết gia đình cũng lấy Hải làm gương cho con mình.
Nhưng, âm ỉ trong vỏ bọc hoàn hảo, Hải thấy mình bất hạnh, cô đơn và không có bạn bè thân thiết. Khi đang học lớp 8, Hải nghe nhóm bạn nói hút cần sa sẽ thấy sung sướng, thoải mái, không lo sợ, áp lực mỗi khi thi cử, em tò mò tìm hiểu, được bạn bè cho hút thử và thích thú đến mức xem nó là cứu cánh cho đời mình.
|
Ban đầu trẻ tìm đến cần sa để có cảm giác thoải mái, vui vẻ nhưng dần dần phải "tăng đô" bằng thuốc lắc, ma túy. |
Hải kể rằng, em luôn cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẻ, không bị stress, không lo sợ khi nghĩ đến thứ hạng trong lớp và chỉ hút cần sa trước đợt kiểm tra hoặc đi thi. Ba mẹ Hải thấy con luôn đạt kết quả xuất sắc trong học tập nên rất yên tâm, không kiểm tra, giám sát con mà cho em tự do hơn.
Cuối năm lớp 10, Hải chấp nhận thi vào trường ba mẹ mong muốn, nhưng yêu cầu phải cho em có không gian… ôn bài. Hai năm làm bạn với cần sa, Hải tin tưởng chỉ có chất kích thích này mới giúp em là chính mình, học giỏi và thành công.
Được tự do theo thỏa thuận với ba mẹ, Hải tìm đến những người bạn “hiện đại” hơn, cùng bay, cùng lắc. Dần dà em nghiện ma túy lúc nào không hay. Đôi lúc còn chút tỉnh táo, Hải biết bản thân đang lún sâu vào các cơn nghiện, em muốn dứt ra nhưng sợ ba mẹ phát hiện. Hải ân hận nhưng nỗi sợ hãi lớn hơn ý chí, em lại im lặng, dằn vặt.
Loay hoay tìm cách thoát ra nhưng Hải vô tình trở thành “tay sai” của ma túy, đối mặt với án phạt treo lơ lửng. Mấy tháng trước, sau khi dùng thuốc, Hải đến tiệm giày. Trong lúc thử giày, Hải cho rằng giày không vừa chân, muốn tháo ra nhưng càng gỡ, chiếc giày như càng dính chặt vào chân. Lúc này, nhân viên cửa hàng đến đưa đôi giày kích cỡ lớn hơn cho em thì bất ngờ bị Hải hành hung. Người này càng chạy, Hải càng đuổi theo đòi truy sát.
|
Giới trẻ xem cần sa như thuốc lá nhưng "đẳng cấp" cao hơn. |
Dù điên cuồng truy sát nhân viên tiệm giày, Hải vẫn không hay biết gì, cho đến khi làm việc với cơ quan chức năng và được ba mẹ bảo lãnh về nhà. Sau nhiều ngày nói chuyện với mẹ, em xin đi điều trị tâm lý. Hải được mẹ dẫn đến khoa Tâm lý của Bệnh viện Quận 2, TP.HCM.
Tiến sĩ, chuyên gia tâm lý Lê Minh Thuận – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Quận 2 - cho biết sau vài phiên tư vấn, Hải bắt đầu khóc, nói nhiều về tâm sự của mình. Trong câu chuyện của Hải, tiến sĩ Thuận cảm nhận em bị stress trong khoảng thời gian rất dài, dẫn đến lo âu, mệt mỏi, chán ăn, không tự chủ được suy nghĩ của mình.
“Bệnh nhân này nhạy cảm ở chỗ em ấy đang rất sợ hãi vì bị đưa đến cơ quan chức năng. Ngoài sử dụng chất kích thích, đánh người trọng thương, em có biểu hiện loạn thần, ảo giác, hoảng sợ tột độ vì đang tự đấu tranh với ảo ảnh của chính mình.
Nguy hiểm hơn, hành vi của em dần trở nên bạo lực, dễ kích động, xung đột, có thể làm người khác và cả bản thân bị thương. Trong thời gian tới, em phải tạm thời nghỉ học, sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị”, tiến sĩ Thuận nói thêm.
Vì sao trẻ tìm đến chất kích thích?
|
Theo tiến sĩ Lê Minh Thuận, áp lực học tập, thi cử, kỳ vọng quá lớn từ gia đình, bản lĩnh xã hội là 3 nguyên nhân chính khiến trẻ tìm đến chất kích thích. |
Tiến sĩ Lê Minh Thuận cảnh báo, hiện nay thanh thiếu niên rất dễ dàng tiếp cận các chất kích thích. Ngoài việc bị dẫn dụ bởi các đối tượng xấu, học sinh cấp 2, 3 có thể chuyền tay nhau cần sa, thuốc lắc, thậm chí là các chất ma túy mới có mặt trên thị trường. Để chứng tỏ mình “anh hùng”, hoặc sợ bạn bè trêu chọc "hai lúa", "rửa phèn"... các em sẵn sàng rủ nhau hút.
“Ban đầu trẻ sẽ không chú ý nhiều đến cảm giác mà cần sa mang lại. Nhưng khi gặp chuyện buồn trong gia đình, áp lực học hành, thi cử, cám dỗ xã hội… trẻ sẽ thấy bế tắc. Nhờ cảm giác cần sa mang lại, trẻ sẽ chủ động tìm đến, hút để không bị căng thẳng, thấy vui hơn. Chơi chất kích thích một mình không vui, trẻ thách đố nhau, hoặc đồng hóa nhau trở thành nhóm nhỏ.
Không chỉ trẻ em nam, gần đây các em nữ ở tuổi dậy thì cũng tìm đến chất kích thích. Hầu hết các em đều nghĩ cần sa không gây nghiện, chỉ hút khi quá mệt mỏi, áp lực. Nhưng đa số trường hợp, cần sa dường như là “đầu mối” khiến trẻ nghiện, khi lên “đô” sẽ lún sâu vào thuốc lắc, ma túy lúc nào không hay”, tiến sĩ Thuận phân tích.
Để được tự do, thanh thiếu niên sẽ đồng ý bất kỳ yêu cầu nào của người lớn đưa ra về điểm số, thứ hạng trong lớp. Nhưng tự do ở mức độ nào, theo khuôn khổ nào sẽ rất khó định nghĩa. Ở nhà, trẻ lễ phép, ngoan hiền, đều đặn mang giấy khen về, nhưng chính vì áp lực không được sống đúng nghĩa mà tồn tại theo ước mơ, kỳ vọng của người lớn sẽ khiến trẻ mắc sai lầm và không còn cơ hội sửa chữa.
|
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng. |
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cảnh tỉnh: “Cần sa, thuốc lắc rất thịnh hành trong giới trẻ, nhất là ở độ tuổi dậy thì, tuổi nổi loạn. Họ thường sử dụng theo nhóm, khích bác nhau để tìm thú vui. Các em chỉ nghĩ đơn giản, cần sa là bậc hạng cao hơn của thuốc lá nhưng giúp các em giảm stress nhiều hơn. Đôi khi đồng cảm về một áp lực nào đó, những em này tâm sự, chia nhau cần sa như mời điếu thuốc.
Tuy nhiên, thuốc lắc, “hàng đá” là những chất kích thích rất mạnh, càng sử dụng nhiều càng dễ gây tai biến, huyết áp không ổn định, nhịp tim bị rối loạn dễ gây trụy tim, ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao. Cần sa cũng là chất ma túy nhưng thường được giới trẻ sử dụng vì mang đến cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng, thư thái và vui vẻ. Tuy nhiên, người hút cần sa lâu năm trí năng sẽ sa sút, loạn thần mãn tính tăng dần.
Đa số người bị loạn thần thường có ảo giác ai đó sẽ đầu độc, giết hại mình, từ đó trở nên hung hãn, bạo lực, gây thương tích cho người xung quanh, thậm chí họ phạm tội lúc nào không hay”.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Phạm An