Khi những con số lên tiếng

16/07/2013 - 05:17

PNO - PN - Phía sau sự hào nhoáng là một thực tế khắc nghiệt, đó là điều người ta nhận ra khi bảng lương của nhóm nhạc nam 365 (gồm năm thành viên) được tiết lộ sau khi Tronie rời nhóm. Dù khá đắt sô so với mô hình nhóm nhạc, thu nhập...

Theo hợp đồng giữa Công ty VAA với các thành viên nhóm nhạc nam 365 do thành viên Tronie (tên thật là Ngô Trọng Thành) tiết lộ, trong ba năm đầu tiên, mỗi thành viên sẽ nhận được mức lương cố định hàng tháng là 3.000.000đ cùng với 2% (10% cho năm ca sĩ) của thu nhập mà nhóm mang về từ biểu diễn, thu âm, quảng cáo, phát hành băng đĩa… Mức lương và tỷ lệ này được thay đổi ở ba năm tiếp theo là 4.000.000đ và 4%. Tuy bà bầu Ngô Thanh Vân cho biết, thu nhập hiện tại của mỗi thành viên của 365 hàng tháng nhiều gấp vài lần số lương được công bố, nhưng theo giới quản lý và đào tạo ca sĩ, đây là con số quá thấp so với mặt bằng thu nhập của giới ca sĩ hiện nay.

Cũng mô hình đầu tư 100% này, tỷ lệ ăn chia ở những năm đầu tiên giữa Công ty Nhạc Xanh và nhóm nhạc là 60 - 40 đối với lĩnh vực biểu diễn và phát hành băng đĩa, còn ở lĩnh vực quảng cáo là 50 - 50. Tỷ lệ này có thể được điều chỉnh cao lên về phía nhóm nhạc nếu thành công của nhóm đến sớm hơn dự kiến. Ngoài ra, nhóm nhạc còn được thưởng thêm nếu doanh thu trong tháng vượt mức đề ra. “Tôi công nhận Ngô Thanh Vân đầu tư cho 365 rất tốt, rất bài bản, tuy nhiên, mức lương và tỷ lệ 90 - 10 là quá thấp”, ông Nguyễn Duy Khánh - Giám đốc Công ty Nhạc Xanh nhận định. Điều đó cũng tương đồng với nhận định của quản lý một nhóm nhạc khác có mô hình tương tự 365: “Chỉ riêng mức lương cơ bản, nhóm nhạc của tôi đã cao hơn mức của 365 rất nhiều lần. Tỷ lệ chia thu nhập dĩ nhiên cao hơn, tỷ lệ ở lĩnh vực quảng cáo cũng tính khác”. Ngoài ra, theo một số “bầu sô”, ràng buộc cố định trong ba năm là khoảng thời gian quá dài, bởi để nhận biết nhóm nhạc thành công hay thất bại, chỉ cần mất một hoặc hai năm.

Khi nhung con so len tieng

Tronie và bà bầu Ngô Thanh Vân - ảnh: VAA

Việc ngụ ý rằng chỉ cần dựng bài cho các ca sĩ khác là đã có thu nhập cao hơn bây giờ của Tronie (anh là rapper kiêm biên đạo múa của nhóm), mang hàm ý thu nhập hiện tại không tương xứng với công sức. Đó là điều tất yếu dẫn đến kết thúc của bất kỳ sự hợp tác nào. Nhưng, ở phía ngược lại, bản thân các nhóm nhạc cũng có nhiều điều phải bàn. Cách kết thúc của Tronie rõ ràng là vi phạm hợp đồng, thiếu nhận thức pháp lý. Thực tế, showbiz Việt không thiếu những trường hợp dứt áo ra đi coi thường những khoản ký kết. Khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, việc chấm dứt ấy phải dựa trên các điều khoản quy định trong hợp đồng đã có. Đáng nói là không phải ca sĩ nào cũng nhận thức đầy đủ về những con số khi đặt bút ký, cũng như những vấn đề pháp lý mình có thể đối mặt. Họ chỉ mong nổi tiếng bằng mọi giá mà không xem xét kỹ càng những gì sẽ “bút sa gà chết”. Và dĩ nhiên, bầu sô luôn lợi dụng điều đó. Hậu quả, khi xảy ra “lùm xùm”, cả hai phía đều gánh chịu những tổn thất nặng nề. Và cũng chính vì vậy, chuyện kiện cáo khi ca sĩ vi phạm hợp đồng đã trở nên quá bình thường, từ thời của nhóm 1088, GMC… đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Rất ít ca sĩ nhận thức đúng về mặt pháp luật của những điều đã ký kết, khiến thị trường âm nhạc Việt vẫn vận hành một cách thiếu chuyên nghiệp, bát nháo, là nhận định của ông Duy Khánh. Chính vì thế, việc đầu tư cho mô hình nhóm nhạc là mô hình rủi ro nhất, vì chứa đựng nhiều cái đầu thiếu chuyên nghiệp hơn các mô hình khác.

Một khi giới bầu show cố tình “bóc lột” một cách... hợp pháp và ca sĩ thiếu nhận thức pháp luật thì sự chuyên nghiệp của showbiz Việt vẫn còn xa lắm!

 Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI