Khi những chú chim không thể bay khỏi tổ

01/08/2023 - 06:00

PNO - Ở thời đại của những bất ổn kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường việc làm, xã hội không còn xa lạ với hình ảnh con cái dù đã trưởng thành nhưng vẫn phải tiếp tục nhờ sự bảo bọc của cha mẹ.

Làm con, ăn lương từ cha mẹ

“Làm con toàn thời gian” là một thuật ngữ mới nổi ở Trung Quốc, dùng để chỉ những người con ở lại nhà cha mẹ và chăm lo việc gia đình, tương tự như những bà nội trợ toàn thời gian. Họ làm những công việc vặt như nấu ăn, dọn dẹp, lái xe, lên kế hoạch du lịch và chăm sóc người thân lớn tuổi… để nhận lại khoản thù lao tương xứng.

Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thanh niên thất nghiệp đáng báo động. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16-24 tuổi ở khu vực thành thị vào tháng 6/2023 lên tới 21,3%. Litsky Li (21 tuổi) từ TP Lạc Dương hiện dành cả ngày để đi mua hàng tạp hóa cho gia đình và chăm sóc người bà mất trí nhớ. Cha mẹ trả cho cô mức lương 6.000 nhân dân tệ (835 USD) mỗi tháng. Mức lương này được xem là ổn định tại khu vực gia đình cô sinh sống. Li chia sẻ: “Tôi ở nhà vì không chịu được áp lực đi học, đi làm. Tôi không muốn cạnh tranh gay gắt với các đồng nghiệp. Vì vậy, tôi chọn nằm thẳng hoàn toàn”. “Nằm thẳng” là cụm từ phổ biến của giới trẻ, ám chỉ việc tránh xa những giờ làm việc mệt mỏi và các giá trị xã hội truyền thống để theo đuổi một cuộc sống đơn giản hơn. 

Nhiều cha mẹ chọn hỗ trợ tài chính cho con cái trưởng thành vì lòng thương yêu và cả cảm giác có lỗi  khi không trang bị cho con cách để có thể độc lập về tài chính - Ảnh minh họa: Getty Images
Nhiều cha mẹ chọn hỗ trợ tài chính cho con cái trưởng thành vì lòng thương yêu và cả cảm giác có lỗi khi không trang bị cho con cách để có thể độc lập về tài chính - Ảnh minh họa: Getty Images

Trên mạng xã hội Douban, khoảng 4.000 thành viên của một nhóm gọi là “trung tâm giao tiếp công việc dành cho những người con toàn thời gian” thảo luận về các chủ đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày của họ. Trên Xiaohongshu - nền tảng chia sẻ phong cách sống phổ biến nhất của giới trẻ Trung Quốc - hiện có hơn 40.000 bài đăng với từ khóa “con trai và con gái toàn thời gian”. Tuy nhiên, để có thể trở thành một đứa con toàn thời gian, trước tiên, cá nhân phải có cha mẹ vững vàng về tài chính. Theo những trường hợp được minh họa, nhóm “con cái toàn thời gian” nhận được trung bình từ 4.000 đến 5.500 nhân dân tệ (550-760 USD) mỗi tháng. Đó có thể không phải là khoản tiền lớn, nhưng họ sống với cha mẹ, được ăn ở miễn phí và cũng không phải trải qua môi trường làm việc khắc nghiệt.

Cần giúp con độc lập về tài chính

Nhóm người trẻ chọn lối sống “làm con toàn thời gian” chủ động làm việc và thực hiện những gì trong khả năng để đóng góp cho gia đình. Nhìn chung, lối sống này tích cực hơn so với xu hướng “chuột túi”, “thế hệ boomerang” hay “ken lao zu - ăn bám người già” - một hiện tượng phổ biến ở thế hệ sinh ra vào những năm 1980 - khi những người trưởng thành quay lại sống nhờ vào tiền tiết kiệm hưu trí của cha mẹ.

Trao đổi với 1.000 người Mỹ có con trưởng thành, trang Savings.com nhận thấy 45% cha mẹ chọn chu cấp tài chính cho ít nhất 1 người con đã lớn. Cuộc khảo sát năm 2023 cho thấy mức hỗ trợ tài chính trung bình từ cha mẹ vượt quá 1.400 USD mỗi tháng. Nhiều bậc cha mẹ Mỹ trì hoãn kế hoạch nghỉ hưu để hỗ trợ con cái, trong tình hình lạm phát và lãi suất ở mức cao. Số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington D.C cho thấy, vào năm 2020, 52% người trưởng thành từ 18-29 tuổi đã chuyển về sống tại nhà cha mẹ.

Shelmeshia Hill-Brown - Giám đốc điều hành dịch vụ tư vấn tinh thần và tài chính Wholistic Resolutions ở bang Virginia (Mỹ) - cho biết, có nhiều lý do để cha mẹ chọn hỗ trợ con cái trưởng thành. Trong đó, vấn đề sức khỏe của con và mong muốn giúp con cái đạt được những cột mốc quan trọng trong cuộc đời là 2 động lực chính. Shelmeshia thường gặp những phụ huynh giúp con trả tiền học, mua nhà, thực hiện các phương pháp điều trị vô sinh.

Cô giải thích: “Đôi khi, cha mẹ cảm thấy có nghĩa vụ hỗ trợ con cái do cảm giác có lỗi vì đã không chuẩn bị cho chúng sự độc lập về tài chính từ sớm”. Các chuyên gia khuyên rằng, cha mẹ nên đặt kỳ vọng tài chính rõ ràng khi con cái trưởng thành, đồng thời xây dựng sự tự tin và hiểu biết về tài chính cho con từ nhỏ. Tổ chức Hội đồng các nhà giáo dục tài chính quốc gia (bang Nevada, Mỹ) cho biết, khả năng tự túc tài chính của trẻ em được rèn giũa qua 5 khía cạnh: hoàn cảnh sống, hành vi, tình cảm, giáo dục và kinh nghiệm quản lý tiền bạc.

Hiện số lượng tài nguyên để phụ huynh giúp con học cách tự lập về tài chính là vô cùng phong phú trong thời đại kỹ thuật số, bao gồm sách về cách tiết kiệm, video trên YouTube từ các chuyên gia tài chính, khóa học trực tuyến hoặc ứng dụng đầu tư dễ sử dụng. 

Linh La (theo CNN, AFP, Yahoo News, The National)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI