Khi nhà ở trở thành lực cản hôn nhân

23/10/2022 - 06:24

PNO - Hàng triệu người trẻ tại Trung Quốc gặp khó trong việc bắt đầu cuộc sống hôn nhân vì bài toán nhà ở. Ở nhiều nước khác, lạm phát cao cùng tình trạng công việc bấp bênh buộc con cái phải quay về nhà cha mẹ, vợ chồng ly hôn vẫn phải ở chung nhà.

Hôn nhân đổ vỡ vì chưa có nhà

Năm 2021, anh Li ký hợp đồng mua một căn hộ để ổn định cuộc sống cùng người bạn gái đang mang thai và cả hai đã lên kế hoạch đám cưới. Nhưng giờ thì người đàn ông 34 tuổi này không vợ, không con và cũng không nhà. Trong tay anh chỉ có một khoản nợ thế chấp dài 20 năm.

Tất cả chỉ vì việc xây dựng căn hộ mà anh mua ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, bị tạm dừng khiến cha mẹ cô gái hủy hôn.

Sự bất ổn của kinh tế - xã hội khiến vấn đề nhà ở trở thành gánh nặng đe dọa hôn nhân - ẢNH: UNSPLASH
Sự bất ổn của kinh tế - xã hội khiến vấn đề nhà ở trở thành gánh nặng đe dọa hôn nhân - Ảnh: Unplash 

Li kể: “Họ nói rằng một căn hộ chưa hoàn thiện không phải là nhà, vì vậy cô ấy đã phá thai và chia tay với tôi. Cả thế giới của tôi sụp đổ… Tôi tuyệt vọng tột cùng, nhưng không thể làm gì khác được”. 

Theo khảo sát về quyền sở hữu nhà trước hôn nhân do cơ sở dữ liệu Hunji thực hiện vào năm 2019, hơn 70% người độc thân sinh sau năm 1995 nói rằng họ muốn mua nhà trước khi kết hôn. Hơn 80% phụ nữ được hỏi cho rằng việc sở hữu một bất động sản là điều kiện tiên quyết để có thể kết hôn. “Quy chuẩn xã hội” này bắt nguồn từ nhiều thế hệ.

Theo truyền thống vẫn còn được nhiều gia đình theo đuổi, để đảm bảo một hôn nhân tốt đẹp, chú rể sẽ phải có sính lễ là đất, vàng, hoặc thậm chí là ngựa để thể hiện vị thế cao của mình. Nhưng việc có thể đạt được điều kiện như vậy hiện nay là rất khó khăn. Cùng với nguy cơ mất việc làm, thu nhập giảm do COVID-19, tình trạng ngày càng có nhiều căn hộ chậm hoàn thiện, bàn giao và giá nhà tăng cao đã khiến không ít người trẻ Trung Quốc phải hoãn việc kết hôn.

Tại châu Âu, giá năng lượng tăng, lạm phát cao đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhà ở cho giới trẻ, buộc nhiều người phải quay về sống với cha mẹ. Ở Bỉ, những người trẻ tuổi ở với cha mẹ hoặc quay trở lại nhà cha mẹ sau khi rời đi được gọi là “trẻ em boomerang”. Tại Hà Lan, tình trạng thiếu nhà ở cho sinh viên đã lên đến mức báo động.

Gonzalo Paz-Pardo - nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Trung ương châu Âu - chia sẻ: “Những trở ngại đối với người trẻ về nhà ở có thể làm sai lệch quyết định kết hôn và sinh con của họ, từ đó tác động trực tiếp đến cộng đồng địa phương, kết cấu xã hội”.

Để khắc phục tình trạng này, tháng 6/2022, Chính phủ Pháp đã thông báo khống chế mức trần tăng tiền thuê nhà là 3,5% trong cả năm. Nước này cũng có kế hoạch xây dựng 60.000 đơn vị nhà ở mới cho sinh viên. 

Mắc kẹt trong ngôi nhà sau ly hôn

Theo công ty dữ liệu Mortar Research, 1/3 cặp vợ chồng sở hữu nhà ở Anh vẫn phải sống cùng nhau sau khi chia tay. Khoảng 95% cặp đôi sau khi ly hôn vẫn tiếp tục ở chung nhà ít nhất một tháng. Trung bình thời gian tiếp tục sống chung nhà với vợ, chồng cũ là 1,3 năm. Gần một nửa trong số họ không đủ khả năng chuyển sang chỗ ở mới.

Có 37% số người được hỏi cho biết họ không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào. Tình trạng này được cho là sẽ tồi tệ hơn bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra. Nghiên cứu cũng cho thấy, cứ mười người thì có bốn người lập quỹ tiết kiệm bí mật, giấu người bạn đời của họ nhằm chuẩn bị cho một cuộc chia tay nếu có. 

Đối với những người không thể rời khỏi mái nhà chung sau đổ vỡ hôn nhân, thiệt hại về tình cảm là điều chắc chắn. Khoảng 40% số người được hỏi cho biết bầu không khí trong nhà “luôn luôn tồi tệ”, 30% thừa nhận các cuộc cãi nhau diễn ra thường xuyên. Hơn 10% nhận thấy mình đang vướng vào mối quan hệ bất hòa với người bạn đời cũ, căng thẳng với câu hỏi ai sẽ là người nhượng bộ và rời đi. Một tỷ lệ tương tự cho biết họ phải chia sẻ phòng ngủ sau khi chia tay. 

Ở những người quyết định chuyển ra ngoài, để người bạn đời cũ tiếp tục sống trong ngôi nhà mà cả hai đồng sở hữu, có 2/3 tiếp tục phải trả khoản nợ mua nhà trong trung bình một năm.

Daniel Copley - chuyên gia tiêu dùng tại trang web bất động sản Zoopla - cho biết: “Không thể chối bỏ thực tế rằng việc chia tay là rất tốn kém, từ việc phải chuẩn bị một nơi ở mới, cho đến các khoản phí phạt khi thanh toán khoản vay thế chấp sớm hơn”. Do đó, nhiều người đành bấm bụng chọn tiếp tục ở chung nhà dù hôn nhân đã đổ vỡ. 

Tấn Vĩ (theo Guardian, Euractiv, CNA, Dao Insights)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI