Khi người trẻ ươm mầm nghệ thuật truyền thống

12/04/2018 - 07:45

PNO - Họ, những người còn rất trẻ, những người trong số họ cũng nghe nhạc trẻ, cũng nghe nhạc Tây nhạc Hàn như bất cứ người trẻ nào khác, nhưng có một niềm đau đáu với nghệ thuật truyền thống. Và, họ không nói suông, họ bắt tay...

Từ triển lãm về hát bội, tổ chức hát bội giữa sân khấu ngoài trời, thi hát ru hay mời nhà nghiên cứu nói chuyện về nghệ thuật dân gian… những hoạt động dù chưa đủ sức hồi sinh nhưng cho thấy, bộ phận giới trẻ có quan tâm, đam mê nghệ thuật truyền thống.

Gieo mầm tình yêu nghệ thuật

Không gói trong hình thức khô cứng và đơn điệu, khán giả khi đến với dự án Diễn xướng Nam Bộ - kỳ 1: Khảy nhịp tang tình vừa qua đã thích thú khi ngay tại trung tâm Sài Gòn, họ chèo ghe, mặc áo dài, đi chợ quê... Không chỉ thế, sau buổi nói chuyện trực tiếp, giữa diễn giả - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và hơn 200 khán giả tham dự đã có sự tương tác để hiểu thêm về các loại hình diễn xướng của vùng đất Nam Bộ xưa và nay. 

Khi nguoi tre uom mam nghe thuat truyen thong

Những khán giả trẻ tuổi quan tâm đến Diễn xướng Nam Bộ

Đó là dự án do các bạn trẻ trong nhóm tổ chức Đối thoại Văn hoá Cộng đồng (Cultural Community Discourse – CCD) thực hiện, và họ gọi những buổi nói chuyện như thế này là gieo hạt mầm để tình yêu nghệ thuật truyền thống trong công chúng được lớn lên.

Theo kế hoạch, Diễn xướng Nam Bộ sẽ gồm 10 kỳ đi từ thông tin chung về lịch sử xuất hiện các loại hình diễn xướng cho đến chương tình chi tiết gồm: hò, hát lý, hát ru, hát bội, đờn ca tài tử, hát sắc bùa, diễn xướng nghi lễ…

Thực hiện dự án này, các bạn trẻ trong nhóm CCD đã xác định đối tượng khán giả sẽ hạn hẹp nhưng điều quan trọng là thông điệp chuyển đến đúng người. “Bản thân dự án mong muốn đến được với nhiều người hơn nhưng trước khi lan toả nhiều người thì phải đến đúng người. Nếu đến được đúng người, dự án mới được lan toả mạnh mẽ hơn. Đó là mục đích của CCD, chúng tôi sẽ bày ra những sự gợi ý, những lựa chọn cho công chúng và phần còn lại là họ quyết định”- Lục Phạm Quỳnh Nhi, phụ trách nội dung chính của CCD cho biết.

Khi nguoi tre uom mam nghe thuat truyen thong

Diễn giả Huỳnh Ngọc Trảng và Quỳnh Nhi trên sân khấu

NSƯT Hữu Danh: Rât cảm động khi người trẻ tấm lòng cho hát bội

Tôi cảm động trước những tình cảm của các em dành cho hát bội. Nhờ các em mà người Việt Nam khắp trong và ngoài nước biết đến sự tồn tại của loại hình hát bội tại Sài Gòn. Việc làm của các em mang một ý nghĩa nhân văn và có giá trị hết sức to lớn trong việc gìn giữ, bảo vệ nghệ thuật hát bội. Hát bội đang cần những hoạt động trưng bày như thế này để tồn tại và hy vọng sẽ tồn tại mãi mãi. 

Nhắc lại Vẽ về Hát bội, đây là một trong những hoạt động về nghệ thuật hát bội thu hút được sự chú ý của đông đảo của người trẻ, khách du lịch lẫn những nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Đinh Bằng Phi, NSƯT Hữu Danh, NSƯT Thành Lộc, diễn viên Hồng Ánh, nhà thiết kế Sĩ Hoàng…

Hoạt động triển lãm về hát bội ra đời một phần nhờ buổi nói chuyện Xây chầu Hát bội của CCD trước đó. Đây là biểu hiện của tính tiếp nối, hiệu quả của dự án khi lòng yêu nghệ thuật truyền thống đã được lan toả, bắt những người còn rất trẻ.

Ra đời từ năm 2017, cho đến nay CCD đã tổ chức 10 sự kiện, kết nối các vị khách mời là những nhà nghiên cứu đa ngành trong và ngoài nước về lịch sử, văn hoá, và nghệ thuật của Việt Nam và Đông Nam Á với cộng đồng những người quan tâm tìm hiểu về văn hoá.

Các sự kiện có thể kể đến như: Sự phát triển song sinh của Sài Gòn – Chợ Lớn, Táo Quân -  Nhất gia chi chủ, Xây chầu Hát bội, Tấu khúc Tỳ bà, Cung xưa nếp cũ, Đàn bà nước Nam...

Khi nguoi tre uom mam nghe thuat truyen thong

Trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hoá cáo được diễn trực tiếp tại triển lãm Vẽ về Hát bội

Điểm chung của 2 nhóm thực hiện dự án Vẽ về Hát bội Diễn xướng Nam Bộ là tuổi đời của họ còn rất trẻ từ 16 – 35 tuổi, có thể trẻ hơn chỉ cần người đó có đam mê và muốn đóng góp cho bất kỳ hoạt động nào của nhóm, họ sẽ được tham gia.

Tuy nhiên, nếu CCD hoạt động thành chuỗi chương trình, có kế hoạch dài hơi hơn thì nhóm thực hiện Vẽ về Hát bội chỉ họp lại 1 lần duy nhất khi thực hiện chương trình và chưa có định hướng tiếp theo, mặc dù nhận được sự ủng hộ lớn.

Công việc gieo hạt mầm tình yêu nghệ thuật truyền thống vì thế trở nên khó khăn, ngay khi người trẻ sẵn sàng thì vẫn còn điều phải trăn trở.

Khi nguoi tre uom mam nghe thuat truyen thong

Nhiều bạn trẻ tham dự triển lãm Vẽ về Hát bội

Băn khoăn đường dài

Mỗi tháng, CCD duy trì tổ chức một chương trình theo chủ đề được đưa ra từ trước, nhưng cũng có thể hoạt động cầm chừng tháng trước xong mới nghĩ đến tháng sau. Sau kỳ 1 Khảy nhịp tang tình, mặc dù nội dung 10 kỳ đã nêu cụ thể nhưng CCD chưa có ngày tổ chức kỳ tiếp theo.

Lục Phạm Quỳnh Nhi cho biết lý do: “Các kỳ diễn của Diễn xướng Nam Bộ sẽ như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: đi theo tiến trình lịch sử xuất hiện của các loại hình diễn xướng, tuỳ theo lịch của các diễn giả, các bên liên quan khác như đơn vị tổ chức, địa điểm… nên chúng tôi không thể quyết định được”, .

Ngoài khó khăn về diễn giả, địa điểm tổ chức, với CCD cũng như nhóm Vẽ về Hát bội là nhân lực tham gia. Đa số các thành viên đều có công việc ổn định bên ngoài nên trừ khi gặp nhau sau giờ làm hay dịp cuối tuần, ai cũng phải lo cho cuộc sống riêng của mình.

Khi nguoi tre uom mam nghe thuat truyen thong

Nguyễn Nhựt (phải), trưởng nhóm dự án Vẽ về Hát bội, chỉ mới sinh năm 1986

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng:  

Không phải chúng ta tôn sùng văn hoá xưa nhưng chúng ta cần giới thiệu những nét văn hoá mà ông bà ta đã từng yêu thích và giải thích một cách dễ hiểu nhất nét đặc trưng của những trào lưu văn hoá này để từ đó các bạn trẻ biết được văn hoá Việt có gì, có như thế nào, nét chấm phá ra sao. Chúng ta chỉ là bày thêm nhiều món ăn văn hoá có hương vị khác nhau và để quyền lựa chọn lại cho các bạn đương thời.

“Để hoàn thành dự án, về phần tôi, tôi ngủ ít đi một chút, làm nhiều hơn một chút. Các thành viên còn lại cũng ráng thức đêm để vẽ hoặc hoàn thành phần việc của mình. Hôm dựng được gần như hầu hết các khu vực triển lãm cũng khuya nhưng cả nhóm chưa ai ăn gì trong ngày hôm đó vì ngoài dự án, ai cũng có nhiều việc”, Nguyễn Nhựt, người khởi xướng dự án chia sẻ trong buổi khai mạc triển lãm Vẽ về Hát bội.

Hoạt động gần như phi lợi nhuận, chỉ dựa trên lòng đam mê với nghệ thuật truyền thống, những người trẻ đang thừa sức trẻ nhưng họ hoạt động theo hình thức tự phát và phải phụ thuộc vào nhiều đơn vị để thực hiện. Đôi lúc, mạch kết nối giữa các bên không đủ mạnh và thiếu đơn vị để cùng chung tay hiện thực hoá kế hoạch.

Clip không gian trước và trong buổi nói chuyện Kỳ 1 dự án Diễn xướng Nam Bộ:

 

Diễn xướng Nam Bộ được khởi xướng bởi nhóm CCD và Soul Live Project. Trong đó, CCD sẽ phụ trách về mặt nội dung, làm việc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và Soul Live Project đảm nhận công tác tổ chức – truyền thông nhưng không phải khi nào sân khấu tại đây cũng trống để các hoạt động thuộc dự án được tổ chức cố định thời gian. Hiện kỳ 2 của dự án tổ chức khi nào, cả CCD lần Soul Live Project vẫn chưa thể quyết.

Trong buổi nói chuyện Khảy nhịp tang tình có NSND Đinh Bằng Phi, người dành cả một đời để gắn bó với hát bội, ông hào hứng: “Tôi thích cuộc trò chuyện này vì dù có trở thành người am hiểu nhất một loại hình nghệ thuật (ở đây là hát bội – PV) thì đến đây, tôi được hiểu thêm về các hình thức diễn xướng. Mình cảm thấy vui trong lòng vì hôm nay, ngoài những vị khách lớn tuổi có nhiều người trẻ. Họ chăm chú nghe những câu chuyện của diễn giả Huỳnh Ngọc Trảng giống tôi và dành cho chương trình tràng pháo tay thì đó là một tín hiệu đáng mừng”.

Khi nguoi tre uom mam nghe thuat truyen thong
NSND Đinh Bằng Phi (đeo kính) tham dự Diễn xướng Nam Bộ

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI