Khi người trẻ tìm đến các liệu pháp chữa lành

27/01/2024 - 19:42

PNO - Trầm cảm và mất ngủ là những căn bệnh phổ biến liên quan đến căng thẳng đối với những người sống ở các thành phố lớn, đặc biệt là giới trẻ. Các phương pháp chữa lành “truyền thống” giúp giảm căng thẳng hiện đang khá thu hút giới trẻ tại Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới.

Xu hướng ngày càng tăng 

Cách chữa bệnh bằng âm thanh có thể giúp người dân ở các thành phố lớn - vốn luôn bị căng thẳng - có thể thư giãn, cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm huyết áp. Mỗi người sẽ có trải nghiệm chữa bệnh bằng âm thanh khác nhau.

Một buổi trị liệu chữa lành ở Trung Quốc - Nguồn ảnh: SIXTHTONE
Một buổi trị liệu chữa lành ở Trung Quốc - Nguồn ảnh: SIXTHTONE

Lawrence Tai - hướng dẫn viên chăm sóc sức khỏe bằng yoga ở Hồng Kông (Trung Quốc) - cho biết bà từng có 1 học viên bị khó ngủ sau khi chồng qua đời. Sau khi tham gia 1 buổi trị liệu bằng âm thanh, người vợ đã chìm vào trạng thái thư giãn sâu. Điều đó giúp cô giải quyết vấn đề về giấc ngủ.

“Những buổi trị liệu bằng âm thanh đã giúp cô và mọi người xây dựng khả năng tự nhận thức mạnh mẽ hơn về tinh thần và thể chất. Trong các buổi học, chúng tôi cố gắng làm cho mọi người có thể xây dựng mối liên hệ tốt hơn với cơ thể của chính họ bằng cách cảm nhận nó” - Tai nói.

Nhằm tìm kiếm sự an lành về tinh thần trong một xã hội cạnh tranh, nhiều bạn trẻ Trung Quốc đang chuyển sang thiền định và sử dụng bài tarot (một loại bài 21 lá dùng để xem bói, giải mã…). Sự phát triển nhanh chóng của những loại hình chữa lành này cũng đang làm dấy lên những lo ngại về nội dung và trình độ của các nhà cung cấp dịch vụ. Shu Meng đã trả 281 USD cho lớp học vào mùa hè năm ngoái. “Không khí trong phòng rất mạnh mẽ, tôi hoàn toàn bị cuốn vào khoảnh khắc đó” - cô mô tả.

Trải nghiệm của Shu phản ánh một hiện tượng văn hóa đang lớn dần ở đại lục. Nhằm cân bằng nhu cầu giữa nhịp sống công nghiệp vội vã với sức khỏe tinh thần, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc hướng tới những phương pháp như vậy, mà chủ yếu bắt nguồn từ niềm tin cá nhân hơn là cơ sở khoa học.

Trên khắp đất nước, vô số các hoạt động tương tự được gọi chung là “shenxinling”, có nghĩa là cơ thể, tâm trí và tinh thần (ở nước ta thường gọi tắt là thân - tâm - trí). Các lớp học bao gồm khiêu vũ ngẫu hứng, chuông xoay Tây Tạng, thiền và xem bài tarot. Một số người còn mua những món đồ như pha lê, vòng tay bồ đề… vì tin rằng chúng giúp tăng cường hạnh phúc.

50% gen Z dùng ứng dụng tự chăm sóc 

Thị trường các sản phẩm và dịch vụ tâm linh đang thu hút nhiều đối tượng và đang mở rộng nhanh chóng. Theo công ty tư vấn Frost & Sullivan, thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn cầu của Trung Quốc - bao gồm các hoạt động tâm linh - sẽ đạt hơn 1,4 tỉ USD vào năm 2025.

Sự tăng trưởng của ngành này nhờ các yếu tố như số lượng lớn người dân Trung Quốc bị trầm cảm, sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng công cộng hướng tới các sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên với các lo ngại về chất lượng, quản lý và đã có các trường hợp cá nhân chìm trong nợ nần vì các hoạt động tâm linh buộc cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc phải tăng cường giám sát hoạt động này.

Cơ quan tiếp thị kỹ thuật số Auburn Digital Solutions (ADS, Ấn Độ) đã tìm hiểu sâu về xu hướng chăm sóc bản thân ngày càng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội. Theo đó, thế hệ Y (millennials, sinh từ khoảng năm 1980 đến 1994) và Z (sinh từ khoảng năm 1997 đến 2012) nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần. Độ tuổi này dành nhiều thời gian cho các ứng dụng và trang web chăm sóc bản thân hơn các nhóm tuổi khác.

Khoảng 50% người dùng và lượt xem trên các ứng dụng, trang web chăm sóc bản thân nằm trong độ tuổi từ 18-24 và 28% người tập trung vào các ứng dụng sức khỏe tâm thần ở độ tuổi 25-34. Tháng 3/2023, ADS ghi nhận hơn 4,1 triệu người đã sử dụng các ứng dụng và trang web về sức khỏe tâm thần. Việc sử dụng các trang web và ứng dụng thiền để theo dõi các thông số như nhịp thở và mức độ căng thẳng đã gia tăng mạnh mẽ.

Thú vị hơn, theo nghiên cứu của ADS, tuổi tác tỉ lệ nghịch với thời gian dành cho các ứng dụng chăm sóc bản thân. Khi người ta già đi, lượng thời gian họ dành cho các ứng dụng tự chăm sóc bản thân đã giảm đi đáng kể.

Nghiên cứu các hoạt động lối sống và thực hành tâm linh của thế hệ Z, Jamiah Manap - Trung tâm Nghiên cứu tâm lý và sức khỏe con người, Đại học Quốc gia Malaysia - kết luận: gen Z rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh cá nhân và một số thực hành tâm linh được họ nghiêm túc tuân theo là ăn chay và bày tỏ lòng biết ơn. Nhóm nghiên cứu cho biết, có mối quan hệ đáng kể giữa các hoạt động trong lối sống và thực hành tâm linh ở thế hệ này. Cụ thể, việc thực hành tâm linh có tác động tích cực đến lối sống và hạnh phúc của gen Z.

Nam Anh (theo SCMP, ABC News, Mediabrief)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI