Khi người trẻ phải vật vã tìm giấc ngủ

13/08/2024 - 06:03

PNO - Taozi là một “người kiến tạo giấc ngủ” bán thời gian tại Trung Quốc. Nhiệm vụ của cô là giúp đưa khách hàng vào giấc ngủ bằng những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng và hỗ trợ về mặt cảm xúc ban đêm.

Giới trẻ tìm sự giúp đỡ để ngủ ngon

Trước đây, Taozi có công việc khác với mức lương ổn định, nhưng cô làm thêm nghề “kiến tạo giấc ngủ” sau khi tự mình trải nghiệm các dịch vụ tương tự. Cô giải thích: “Thảo luận về những vấn đề cá nhân với một người lạ có thể là cách tốt nhất để dọn sạch những cảm xúc tiêu cực và giúp mọi người ngủ ngon hơn”.

Taozi tham gia một nhóm trò chuyện, nơi cô có thể nhận đơn hàng trong thời gian rảnh rỗi. Cô tiết lộ: “Người kiến tạo giấc ngủ được phân loại thành các cấp độ. Ở cấp độ cao sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Người làm bán thời gian có thể kiếm được 260 nhân dân tệ mỗi giờ (900.000 đồng), trong khi một người làm toàn thời gian có thể kiếm tới 30.000 nhân dân tệ (100 triệu đồng) mỗi tháng, cộng với tiền boa của khách”.

Việc sử dụng thiết bị điện tử và công nghệ ban đêm sẽ ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ của người trẻ - Nguồn ảnh minh họa: Getty Images
Việc sử dụng thiết bị điện tử và công nghệ ban đêm sẽ ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ của người trẻ - Nguồn ảnh minh họa: Getty Images

Hầu hết khách hàng của Taozi là những người trẻ tuổi, đang phải vật lộn với công việc, căng thẳng trong hôn nhân và những áp lực khác trong cuộc sống. Họ cần có người lắng nghe, hỗ trợ về tinh thần để vượt qua những thách thức. Dịch vụ của cô kết thúc khi khách hàng ngủ thiếp đi. Dù vậy, chính cô cũng bị thiếu ngủ do đặc thù giờ làm việc.

Người làm công việc kiến tạo giấc ngủ có thể hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến. Một tài khoản có tên Sevenseven7 với hơn 2,6 triệu người theo dõi trên nền tảng Douyin được biết đến với những câu chuyện kể trước giờ đi ngủ hấp dẫn. Một trong những video phổ biến nhất của cô có tựa đề Chú heo nhỏ nấu thuốc đã thu hút 480.000 lượt thích. Một bình luận bên dưới chia sẻ: “Nghe những câu chuyện ngọt ngào trước khi ngủ giúp tôi có được những giấc mơ đẹp”.

Theo báo cáo từ Hội Nghiên cứu giấc ngủ Trung Quốc, hơn 50% số người tham gia khảo sát đi ngủ sau nửa đêm và 13% đi ngủ sau 2g sáng. Những người sinh sau năm 2000 trung bình đi ngủ lúc 0g30 sáng, trễ hơn nhiều so với 23g ở những người sinh vào những năm 1970.

Báo cáo cũng chỉ ra: 55% sinh viên đại học sử dụng điện thoại hơn 8 giờ mỗi ngày và 52% trong số họ ngủ sau nửa đêm. Lu Lin - nhà tâm lý học tại Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc - cho biết, chứng mất ngủ, các vấn đề về hô hấp khi ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác ảnh hưởng đến khoảng 36% người cao tuổi và 26% thanh thiếu niên ở Trung Quốc.

Đừng lạm dụng thuốc ngủ

Tại Mỹ, ước tính 6/10 học sinh THCS và THPT ngủ ít hơn mức khuyến nghị là 8-11 giờ mỗi đêm. 1/5 thanh thiếu niên phải đối mặt chứng mất ngủ như khó ngủ sâu, khó duy trì giấc ngủ hoặc không có giấc ngủ chất lượng.

Tiến sĩ Judith Owens - Giám đốc Trung tâm Rối loạn giấc ngủ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) - giải thích: “Sự thay đổi trong nhịp sinh học tự nhiên khiến thời gian đi vào giấc ngủ và thời gian thức dậy của thanh thiếu niên muộn hơn một vài giờ so với thông thường. Mặt khác, động lực ngủ của họ cũng giảm”.

Kết quả, thanh thiếu niên không chỉ muốn thức khuya hơn mà cơ thể của họ thực sự có khả năng thức khuya hơn.

Theo một cuộc khảo sát trực tuyến của trang YouGov trên 933 phụ huynh tại Mỹ có con dưới 18 tuổi, gần một nửa cho biết con họ đang đối mặt với các vấn đề về giấc ngủ và họ đã cho con dùng thuốc hỗ trợ để ngủ ngon hơn.

Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy, gần 1/5 người trưởng thành ở nước này dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Thuốc này có tác động đến hệ thống dẫn truyền thần kinh, tăng cường các chất thúc đẩy giấc ngủ trong não hoặc giảm kích hoạt tình trạng thức giấc.

Trong khi thuốc hỗ trợ giấc ngủ dành cho người lớn khá phổ biến, tiến sĩ Judith Owens cho biết: “Không có đơn thuốc nào được chấp thuận rộng rãi cho chứng mất ngủ ở trẻ em”.

Ngược lại, những loại thuốc an thần cho người lớn có thể làm suy yếu nhận thức ở trẻ em và gây ra tình trạng uể oải vào ban ngày, dễ dẫn đến té ngã, thương tích. Do đó, các nhà khoa học về giấc ngủ đặc biệt cảnh báo không nên sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ cho trẻ em trong thời gian dài và việc sử dụng thuốc cần tuân theo lời dặn của bác sĩ nhi khoa.

Linh La (theo SCMP, China Daily, Fox News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI