Lo lắng về mọi thứ
Luôn nghĩ rằng bản thân lẽ ra phải đạt được gấp đôi mục tiêu đặt ra trước đó, Nguyễn Minh Thùy (ở quận Gò Vấp, TPHCM) chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được, dù những người xung quanh luôn ngưỡng mộ với thành công chị đang có. Mới 28 tuổi, Thùy đã quản lý gần 20 cửa hàng bán quần áo, giày dép, tự mua nhà cho mình và cha mẹ. Nhưng tuyệt nhiên, Thùy chưa bao giờ dành thời gian cho bản thân. Chị sợ các cửa tiệm sẽ phải đóng cửa, sợ bản thân lơ là sẽ phá sản. Kể cả ngày lễ, tết hay sum họp gia đình, Thùy cũng không dám nghỉ việc. Từ sau dịch COVID-19, chị càng lao vào quản lý cửa hàng chặt chẽ hơn.
|
Chia sẻ của người dùng trong một hội nhóm về overthinking với nhiều triệu chứng điển hình |
“Cứ nghĩ đến ngày mai tự cho bản thân 1 ngày không làm việc là tôi thấy lo lắng. Tôi sợ nhân viên không chỉn chu, sợ các lô hàng về bị vướng giấy tờ… Ai cũng muốn vui vẻ bên gia đình nhưng lỡ trong lúc tôi vui chơi, có cửa hàng bị cháy nổ, nhân viên bệnh đột xuất…, vì vậy, tôi cứ tự mình làm” - chị Thùy nói. Mỗi lần chị định dẫn mẹ du lịch là chị mất ngủ cả tuần vì lo việc ở cửa hàng, lo trên đường đi mẹ lên huyết áp, xe hư giữa đường… Chị thở dài: “Tôi mất nhiều ngày để suy nghĩ, nhưng càng nghĩ càng đau đầu. Đến nỗi tôi không ngủ được và phải nhờ em trai đưa mẹ đi chơi”.
Trịnh Thị Hoài Thanh (21 tuổi, ở quận 5, TPHCM) cũng trong tình trạng tương tự và đã nhiều lần nói với mẹ đưa mình đến bệnh viện khám. Tuy nhiên, mẹ của cô không tin. Dần dà, Thanh không còn niềm vui, cả ngày chỉ nằm trên giường thở dài. Cô cho biết vì mình đã không cố gắng học nên không vào được trường đại học mong muốn. Vì vậy mà đã liên tục gặp thất bại, không kiếm được nhiều tiền như bạn bè. Đôi lúc, cô thấy đau đầu, chóng mặt, có khi bị ói, khó thở, người nhà đưa đi khám nhưng không phát hiện được bệnh.
Thanh chia sẻ: “Tôi biết mình suy nghĩ nhiều nhưng không dứt ra được. Có khi tôi nghĩ hoài, rồi mệt quá ngủ quên luôn. Thức dậy, tôi lại tiếp tục nghĩ, dằn vặt nhiều nhất là do tôi không ráng học giỏi khi ở cấp III, nên bây giờ làm gì cũng không tốt. Rồi tôi chán mọi thứ, chán chính mình. Tôi ước gì mình quay lại cấp III, tôi sẽ siêng năng hơn”.
Chỉ những vết rạch trên tay con gái, mẹ của Thanh lo lắng: “Con tôi sụt hơn 5kg, mỗi lần kêu ra ngoài chơi thì cứ khóc nói bận suy nghĩ về cuộc đời. Ban đầu, tôi nghĩ con không khỏe trong người, chứ không nghĩ con đã tự dằn vặt mình nhiều đến vậy”. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết Thanh bị hội chứng lo lắng quá mức gây rối loạn lo âu, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
Hậu quả có thể nghiêm trọng
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, “overthinking” được hiểu là sự suy nghĩ quá mức, quá nhiều, thời gian suy nghĩ quá lâu nhưng hiệu quả giải quyết vấn đề kém. Điều này làm cho người bệnh liên tục rơi vào trạng thái khó chịu vì không thoát ra được.
Bất kỳ ai cũng có thể bị suy nghĩ quá đà. Họ bị bản thân đánh lừa rằng mình là người hay lo xa, cầu toàn…, nhất là người trẻ. Áp lực của giới trẻ hiện nay là phải thành công về kinh tế, có thể lo cho gia đình... Khi không được như mong muốn, các bạn tập trung nghiền ngẫm, tiếc nuối quá khứ. Kiếm tiền khó khăn, chi tiêu tốn kém, người trẻ dễ bị trôi theo cảm xúc tiêu cực, rồi bị “nhốt” trong vòng suy nghĩ luẩn quẩn: làm gì để có nhiều tiền, vì sao mình chăm chỉ nhưng chưa giàu, trách bản thân không cố gắng… Lâu dần, họ không thoát ra được.
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn nói thêm: “Người trẻ càng loay hoay muốn thích nghi, càng bị xoay vòng trước công việc, cuộc sống. Bởi các bạn chưa hình thành kỹ năng suy nghĩ đầy đủ, đúng mức, giải quyết vấn đề triệt để. Nếu mãi để suy nghĩ, cảm xúc bản thân chi phối, họ sẽ mất cân bằng trong cuộc sống, gặp một số rối loạn về tâm lý, trầm cảm, càng nghĩ càng stress. Điều này làm cho sức khỏe thể chất, tinh thần đều không ổn, mất ngủ kéo dài, ăn uống không ngon, tinh thần suy sụp, tức ngực, khó thở như bị bệnh tim”. Dần dần, người bệnh cáu gắt, không có cảm giác vui tươi, hay nghĩ đến tình huống tiêu cực, sợ hãi các mối quan hệ bạn bè, khó khăn khi ở cùng người thân, dẫn đến rối loạn tâm lý như lo âu lan tỏa, ám ảnh cưỡng chế hoặc những rối loạn về lo âu xã hội, trầm cảm… thậm chí tự tử. Ví dụ, khi sắp đi máy bay lại lo máy bay rơi, chưa bước vào thang máy thì sợ tụt thang… Dù than thở không có thời gian, nhưng người bệnh có thể dành cả ngày suy nghĩ bất hợp lý và vơ hết chuyện xui xẻo của… cả thế giới về mình.
Để giúp đỡ người bị hội chứng overthinking, theo bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, việc đầu tiên là không nên khuyên họ đừng nghĩ nữa, hãy đi ra ngoài mà phải đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của họ, kiểm tra suy nghĩ của họ đang có những rối loạn gì, từ đó “gỡ rối”. Đặt ra một số câu hỏi giúp họ điều chỉnh, xử lý đúng thông tin, nhất là những tiếc nuối, ám ảnh đã xảy ra trong quá khứ.
Cũng có cách “đánh lạc hướng” suy nghĩ của họ bằng câu chuyện khác, nghĩ ra công việc họ cần làm, và cùng nhau giải quyết. Tuyệt đối không để người bệnh tự mình suy nghĩ, bởi họ sẽ nhanh chóng quay về suy nghĩ mà cơ thể đang dẫn dắt. Khi cùng người bệnh trị liệu, người thân cần kiên nhẫn đồng hành, tin tưởng họ sẽ vượt qua. Từ đó mới làm cho họ bớt sợ hãi, tập có phản xạ tốt trong việc xử lý thông tin, kiểm soát tốt hành vi để không bị lặp lại suy nghĩ tiêu cực.
Quan trọng, nếu người bệnh không chỉ suy nghĩ, mà có những phản ứng tiêu cực, mất ngủ kéo dài, sợ hãi, tự giam mình trong phòng, chán ăn… rất có thể đã mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Cần đưa họ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý, tâm thần để được điều trị kịp thời.
Phạm An