Khi người trẻ bắt đầu "thanh lọc" mạng xã hội

25/08/2024 - 06:44

PNO - Một số thanh thiếu niên đang bắt đầu “dọn dẹp” mạng xã hội vì họ biết rằng nó ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và điểm số.

Lời cam kết tránh xa mạng xã hội của Kate Bulkeley bước đầu đã có hiệu quả. Kate đạt được điểm xuất sắc và có thời gian đọc được rất nhiều sách. Gia đình cô có những cuộc trò chuyện sôi nổi quanh bàn ăn và tụ tập xem phim vào các buổi tối cuối tuần.

Tuy nhiên, khi bước vào năm học thứ hai, những vấn đề không mong đợi đã xuất hiện. Kate bỏ lỡ một cuộc họp của hội học sinh được sắp xếp trên Snapchat. Nhóm Model UN của Kate cũng trao đổi trên mạng xã hội, khiến cô không hay biết về lịch trình. Ngay cả Câu lạc bộ Nghiên cứu kinh thánh tại Trường trung học Connecticut (Mỹ) cũng sử dụng Instagram để giao tiếp với các thành viên.

Kate và Sutton Bulkeley đang nói chuyện với nhau trong phòng khách ở nhà - ẢNH: JULIA NIKHINSON (AP)
Kate và Sutton Bulkeley đang nói chuyện với nhau trong phòng khách ở nhà - Ảnh: Julia Nikhinson (AP)

Gabriela Durham - một học sinh cuối cấp chuyên ngành khiêu vũ tại Trường trung học Nghệ thuật Brooklyn (Mỹ) - cho biết việc tránh xa mạng xã hội đã giúp cô tập trung học tập, đạt điểm A với nhiều cơ hội được nhận vào đại học. Cô cũng là một vũ công xuất sắc, gần đây đã ra mắt sân khấu Broadway. Dù vậy, việc không sử dụng mạng xã hội đã khiến Gabriela trở thành “người ngoài cuộc” theo một nghĩa nào đó.

Cả 2 gia đình của Kate và Gabriela đều đặt ra những quy định nghiêm ngặt từ khi con cái đang học tiểu học. Họ trì hoãn việc tặng điện thoại đến khi các con vào cấp II và cấm sử dụng mạng xã hội đến năm 18 tuổi. Họ giáo dục con về tác động của mạng xã hội đối với bộ não trẻ, những lo ngại về quyền riêng tư trực tuyến…

Với những hậu quả ngày càng được ghi nhận rõ ràng của mạng xã hội, một số bậc cha mẹ đang cố gắng hạn chế hoặc cấm con mình sử dụng điện thoại. Bản thân thanh thiếu niên cũng nhận thức được việc dành nhiều thời gian lướt mạng xã hội là không tốt. Một số người đang bắt đầu “thanh lọc” mạng xã hội vì những tổn hại mà nó gây ra đối với sức khỏe tâm thần và điểm số.

Nhưng, thật khó để trở thành một thiếu niên không sử dụng mạng xã hội trong bối cảnh hiện tại. Đối với những người cố gắng tránh xa các nền tảng mạng xã hội trong khi hầu hết bạn bè cùng lứa tuổi đang đắm chìm trong đó, sự lựa chọn này có thể đầy thử thách. Nó cũng có thể gây ra những sự thay đổi trong cuộc sống.

Dù tốt hay xấu, mạng xã hội đã trở thành nền tảng cho việc giao tiếp xã hội - ẢNH: MICHAEL DWYER (AP)
Dù tốt hay xấu, mạng xã hội đã trở thành nền tảng cho việc giao tiếp xã hội - Ảnh: Michael Dwyer (AP)

Một sự thay đổi căn bản

Các chuyên gia ngày càng nhận ra rằng đại dịch COVID-19 đã thay đổi căn bản tuổi vị thành niên. Khi giới trẻ phải đối diện với sự cách ly và dành quá nhiều thời gian trực tuyến, đại dịch đã tạo ra một không gian rộng lớn hơn nhiều cho mạng xã hội trong cuộc sống của trẻ em Mỹ một cách hiệu quả.

Không còn chỉ là một phương tiện kết nối bạn bè, mạng xã hội đã phát triển thành một không gian vật chất và một cộng đồng mà hầu hết thanh thiếu niên Mỹ đều tham gia. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, có tới 95% thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội, với hơn 1/3 sử dụng gần như liên tục.

Theo Michael Rich - giáo sư nhi khoa tại Đại học Harvard và người đứng đầu Phòng thí nghiệm Sức khỏe kỹ thuật số phi lợi nhuận tại Bệnh viện Nhi Đồng Boston - phương tiện truyền thông xã hội hiện là không khí mà trẻ em hít thở.

Dù tốt hay xấu, mạng xã hội đã trở thành nền tảng cho việc giao tiếp xã hội. Đó là nơi nhiều đứa trẻ tìm đến để rèn giũa bản sắc mới nổi của mình, tìm kiếm lời khuyên, thư giãn và giảm bớt căng thẳng. Nó tác động đến cách trẻ ăn mặc và nói chuyện. Mạng xã hội là nơi thế hệ này đang tìm thấy sự tự do.

Giới trẻ càng dành nhiều thời gian trực tuyến thì nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần càng cao. Theo các nghiên cứu được trích dẫn bởi bác sĩ phẫu thuật Vivek Murthy, những đứa trẻ sử dụng mạng xã hội hơn 3 tiếng mỗi ngày sẽ đối mặt với nguy cơ trầm cảm và lo lắng gấp đôi.

Mạng xã hội có ở khắp nơi

Ở trường, trên tàu điện ngầm và tại các lớp học khiêu vũ quanh thành phố New York, Gabriela (17 tuổi) bị vây quanh bởi những lời nhắc nhở rằng mạng xã hội có ở khắp nơi, ngoại trừ trong điện thoại của cô. Khi còn nhỏ, điều đó khiến cô có cảm giác bị cô lập. Nhưng bây giờ, cô thấy không có mạng xã hội là sự tự do.

“Theo quan điểm của tôi, với tư cách là một người ngoài cuộc, có vẻ rất nhiều trẻ em sử dụng mạng xã hội để quảng cáo bản thân. Bởi vì mạng xã hội đang cho họ biết họ nên như thế nào. Có vẻ mọi người đều muốn trông giống nhau thay vì là chính mình” - Gabriela chia sẻ. Ngoài ra, những drama về tình bạn trên mạng xã hội và sự thiếu trung thực, kiêu căng, không tử tế khiến cô cảm thấy may mắn khi đứng ngoài cuộc.

Tại thành phố New York, việc trẻ em sử dụng điện thoại ở trường tiểu học là điều bình thường nhưng Elena Romero - mẹ của Gabriela - chỉ cho phép điều đó khi các con học cấp II (độ tuổi quan trọng mà trẻ đang hình thành tính cách) và bắt đầu sử dụng phương tiện công cộng mà không có cha mẹ. Nhiều năm trước, Romero đã cho các con xem The Social Dilemma (tạm dịch: Sự tiến thoái lưỡng nan của xã hội) - một bộ phim tài liệu đã giúp Gabriela nhận ra cách các công ty công nghệ thao túng người dùng.

Elena Romero (thứ hai từ trái sang) và các con gái Gabriela Durham (bìa trái),  Grace Durham (bìa phải) và Gionna Durham cùng nhau ăn tối - ẢNH: ANDRES KUDACKI (AP)
Elena Romero (thứ hai từ trái sang) và các con gái Gabriela Durham (bìa trái), Grace Durham (bìa phải) và Gionna Durham cùng nhau ăn tối - Ảnh: Andres Kudacki (AP)

Quy tắc của Romero rất đơn giản: không sử dụng mạng xã hội cho đến 18 tuổi. Các con được phép xem YouTube trên máy tính nhưng không được đăng video. Romero không đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị hoặc hạn chế sử dụng điện thoại trong phòng ngủ. Cô ủng hộ ý tưởng sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm như một công cụ để theo đuổi đam mê.

Cố gắng không bỏ lỡ cơ hội

Kate hoàn toàn hài lòng khi không sử dụng mạng xã hội. Cô bé 15 tuổi nói mình là người có học thức, sống nội tâm và tập trung vào việc xây dựng các hoạt động ngoại khóa. Đó là lý do cô cần Instagram. “Tôi cần nó để trở thành đồng chủ tịch Câu lạc bộ Nghiên cứu kinh thánh” - Kate giải thích.

Kate nói với cha mẹ rằng cô rất hào hứng khi được dẫn dắt nhiều câu lạc bộ nhưng cần mạng xã hội để hỗ trợ công việc của mình. Cha mẹ đồng ý cho Kate sử dụng Instagram để theo dõi các hoạt động ngoài giờ học. Steph Bulkeley - mẹ của Kate - nói: “Chính trường học đã dẫn đến thực tế là chúng tôi phải xem xét lại quy định của mình về việc không sử dụng mạng xã hội”.

Kate dành trung bình 2 giờ/tuần cho điện thoại. Kết quả một cuộc thăm dò của Gallup năm 2023 cho thấy hơn một nửa thanh thiếu niên Mỹ dành trung bình 5 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội. Kate sử dụng điện thoại chủ yếu để gọi điện, nhắn tin cho bạn bè, kiểm tra điểm số và chụp ảnh. Cô không đăng hoặc chia sẻ hình ảnh - một trong những quy tắc của cha mẹ cô. Cô đã nhờ một người bạn trong hội học sinh nhắn tin cho cô bất kỳ thông tin quan trọng nào từ hội được gửi trên Snapchat.

Sutton cảm thấy sức nặng của việc không sử dụng mạng xã hội hơn chị gái Kate. Cô học sinh lớp Tám mô tả mình là người hòa đồng nhưng không nổi tiếng. “Có rất nhiều cô gái nổi tiếng thực hiện nhiều điệu nhảy TikTok. Đó thực sự là yếu tố quyết định mức độ nổi tiếng của họ” - Sutton nói.

Những đứa trẻ cùng lớp của Sutton “bị ám ảnh bởi TikTok”. Đôi khi Sutton cảm thấy bị bỏ rơi nhưng không cảm thấy cần thiết phải sử dụng mạng xã hội vì một người bạn của cô đã gửi cho cô những video xu hướng mới nhất. Cô đã tận mắt chứng kiến những vấn đề mà mạng xã hội có thể gây ra cho các nhóm bạn. “2 người bạn của tôi đang đánh nhau. Người này nghĩ người kia đã chặn mình trên Snapchat” - Sutton kể.

Các trường học đang cố gắng cấm hoàn toàn điện thoại để nâng cao sự tập trung của học sinh và đảm bảo rằng việc giao tiếp xã hội diễn ra trực tiếp. Các nhà giáo dục tin rằng việc này cũng có thể giúp giảm bớt tình trạng trầm cảm và lo lắng ở thanh thiếu niên.

Đó là điều Sutton có thể hiểu được ở tuổi 13 khi cố gắng định hướng cho những năm sắp tới. Theo những gì Sutton thấy, mạng xã hội đã thay đổi trong vài năm qua. Nó từng là một cách để mọi người kết nối, nhắn tin và tìm hiểu nhau. “Bây giờ, mạng xã hội chỉ giống như một nơi để khoe khoang. Mọi người đăng ảnh về chuyến đi đến những địa điểm tuyệt vời. Điều đó khiến người khác cảm thấy tồi tệ về bản thân” - cô nói.

Hà Thuỵ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI