Khi người thắng giải Nobel văn chương là ngoại kiều

15/10/2017 - 07:32

PNO - Có thể nói vui, việc Kazuo Ishiguro vừa được Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển xướng tên đồng nghĩa với nước Nhật đã có… hai lần rưỡi “ẵm” giải Nobel văn chương. Lý do: nhà văn sinh năm 1954 này là một ngoại kiều.

Chuyện quốc tịch của người đoạt giải Nobel văn chương được bàn tán nhiều ở mùa giải năm nay không chỉ vì Kazuo Ishiguro là người Anh gốc Nhật, mà còn bởi cảnh “tréo ngoe”: ứng viên sáng giá Haruki Murakami thêm một lần lỗi hẹn với Nobel. Năm nào tác giả của Rừng Na Uy cũng có tỷ lệ đặt cược thuộc tốp đầu; thế nhưng cứ đến mùa thu, không ít người Nhật lại “ngã ngửa” vì chưa có dịp ăn mừng lần thứ ba nước nhà có Nobel văn học. 

Khi nguoi thang giai Nobel van chuong la ngoai kieu

Chủ nhân Nobel văn học 2017 Kazuo Ishiguro

Nhà văn đầu tiên mang vinh quang về cho đất nước mặt trời mọc là Kawabata, tác giả Cố đô, với đánh giá của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển là: “Với nghệ thuật kể chuyện tinh tế cùng sự nhạy cảm cao độ, ông đã thể hiện được nét tinh túy trong tâm hồn Nhật Bản”. 

Đến năm 1994, tức cách đây 13 năm, Nhật Bản mới tiếp tục có Kenzaburo Oe được trao giải. Khi được hội đồng Nobel xướng tên, nhà văn của Tiếng khóc lặng bày tỏ: “Tôi được giải, nhưng xin tạ ơn những tài năng của nền văn học hiện đại Nhật Bản. Tôi nghĩ mình đoạt giải chỉ bởi vì vẫn còn trẻ và đang sống”.

Vậy mà nhiều năm qua, dù lần nào cũng được kỳ vọng cao, được số đông mong đợi thắng giải, Haruki Murakami vẫn… trượt Nobel; lần này chiếc huy hiệu danh giá được nhường cho nhà văn “đồng hương một nửa” Kazuo Ishiguro. Tuy nhiên, nhà văn gốc Nhật từng trả lời tờ Telegraph (Anh): “Haruki là một trong ba hay bốn nhà văn thú vị và quan trọng nhất của văn đàn thế giới hiện nay. Và rất khó để giải thích tại sao”. 

Khi nguoi thang giai Nobel van chuong la ngoai kieu
Tiểu thuyết vĩ đại nhất sự nghiệp Kazuo Ishiguro - The remains of the day

Dù cùng gia đình tới xứ sở sương mù lúc 6 tuổi, Kazuo vẫn luôn được đánh giá cao về giọng văn từ tốn, tư tưởng thâm trầm mang hồn cốt văn hóa của xứ sở hoa anh đào.

Điều này có thể thấy qua tiểu thuyết vĩ đại nhất trong sự nghiệp The remains of the day từng được trao giải Man Booker (năm 1989). Nhiều tác phẩm văn học, kịch bản phim của Kazuo cũng phảng phất phong vị phương Đông.

Tuy nhiên, năm 2008, ông được xếp vào danh sách một trong 50 nhà văn vĩ đại nhất nước Anh kể từ năm 1945, do tạp chí Times bình chọn. Điều này như thể Kazuo bước ra từ gốc rễ Nhật để được coi là nhà văn Anh, chứ không còn là “gốc Á”. 

Trong lịch sử giải Nobel lĩnh vực văn chương đã có nhiều tác giả “ngoại kiều” như trường hợp của Kazuo Ishiguro được vinh danh. Gần đây nhất là Cao Hành Kiện - nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình người Trung Quốc đầu tiên và là công dân Pháp thứ 13 được trao giải Nobel văn học cho tiểu thuyết Linh Sơn.

Cao Hành Kiện sinh năm 1940, tốt nghiệp khoa tiếng Pháp, đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Trải qua nhiều công việc ở Trung Quốc, năm 48 tuổi, ông sang Pháp định cư và nhập quốc tịch Pháp (1998). Khi Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel năm 2000, báo chí Trung Quốc không đưa tin rầm rộ về việc này.

Khi nguoi thang giai Nobel van chuong la ngoai kieu
Cũng giống như Kazuo Ishiguro, Cao Hành Kiện - người đoạt giải Nobel văn học năm 2000 - gốc Trung Quốc nhưng mang quốc tịch Pháp

Đến năm 2001, Dương Thành có bài chỉ trích Linh Sơn trên báo Tin tức buổi chiều, gọi Cao Hành Kiện là một “nhà văn dở tệ”, nói rằng việc ông đoạt giải Nobel thật là lố bịch.

Trong khi đó, giáo sư Lee Mabel, người dịch tác phẩm Linh Sơn sang tiếng Anh (Soul mountain) nhận định: “Linh Sơn là câu chuyện của người đi tìm sự an bình và tự do bên trong”. 

Trong lịch sử giải Nobel, đến nay, đã có hơn 100 gương mặt văn chương được vinh danh, trong đó lần lượt Pháp, Mỹ và Anh là ba nước có nhiều tác giả thắng giải nhất.

Nếu chỉ tính riêng từ năm 2000 trở đi, tức sau Cao Hành Kiện, đã có không ít nhà văn, nhà thơ “ngoại kiều” được xướng tên như V.S Naipaul (người Anh gốc Ấn Độ), Doris Lessing (người Anh sinh tại Iran), Herta Mueller (người Đức gốc Romania), Mario Vagas Llosa (người Peru sống tại Tây Ban Nha).

Trên con đường văn nghiệp, nói như nhà văn mang dòng máu Nhật Bản, tân chủ nhân Nobel văn chương 2017, ban đầu ông cũng đặt ra cho mình “nghĩa vụ” giải thích phương Đông cho phương Tây. Nhưng rất nhanh sau đó, Kazuo đã cho phép mình rời bỏ nghĩa vụ này để hướng đến những câu hỏi mang tính phổ quát hơn về con người, như ông từng nói: “Tôi muốn khảo sát xem con người thay đổi ra sao dưới áp lực to lớn của xã hội”.

  Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI