Khi người ta say mê

13/02/2022 - 12:53

PNO - Sau ba năm kể từ tập chân dung văn học "Như cánh chim trong mắt của chân trời", nhà văn Văn Thành Lê mới trở lại thể loại này với tác phẩm "Lần đường theo bóng" (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM).

20 chân dung văn học với những tên tuổi đã thành danh như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh… Văn Thành Lê đã chú tâm quan sát các nhân vật của mình ở đời sống thật, lẫn trong cuộc tìm kiếm giữa những văn bản.

Những quan sát được tích lũy từ lâu, đôi khi chỉ là một nét nhỏ, cũng vừa đủ làm người đọc thấy thú vị như khi anh tả không gian thư quán Nguyễn Nhật Ánh ở nhà sách Kim Đồng đầu tiên trên đường Hồ Văn Huê, TP.HCM, “một phía là nhà văn Tô Hoài, phía còn lại là Nguyễn Nhật Ánh, ông Dế mèn tiền bối và chàng hoàng tử bé Kính vạn hoa đều tủm tỉm cười với trẻ em”.

Thông qua tiếp xúc với các nhân vật, Văn Thành Lê ghi nhận những ấn tượng đầu tiên, nhiều lúc làm nên cái “thần” của nhân vật mà anh “họa” nên. Trong buổi sơ giao với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, tác giả đã thấy ở ông sự “đau đáu với cái mới, đến sự chuyển động của thơ nói riêng, văn chương nói chung” và “còn rất trẻ, trong lối nghĩ và năng lượng tỏa ra”. Sau này, khi gặp lại nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, giờ đây ở tuổi 74, dù sức khỏe có phần suy giảm sau cơn bệnh vẫn “cái dáng lành lành ấy vẫn đi về như con thoi” và “vẫn chịu ngồi với những người viết trẻ”. Tác giả đã đặt câu hỏi “vậy ở tuổi này rồi, điều gì làm cho ông đau khổ nhất?” nhà thơ đáp: “Với tôi, hầu như tất cả những bài thơ viết ra đều xuất phát từ một chuyện buồn, một sự cô đơn, vật vã. Ngay những bài thơ gọi là có tính xã hội hoành tráng, nó cũng được gọi lên sau bao nỗi đau dâu bể, trầm cảm. Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt”.

Văn Thành Lê tìm bóng hình nhân vật một cách trực tiếp vừa tìm dưới những con chữ. Trước khi ký họa chân dung văn học, Văn Thành Lê là độc giả nhiệt thành, ham thích tìm kiếm một chân dung mình vừa “phát hiện”, như với trường hợp nhà văn Thuận. Chưa thoát khỏi “từ trường” tiểu thuyết Chinatown của Thuận, tác giả quyết định tìm cả tác phẩm trước đó của nhà văn, Made in Vietnam… Tác giả đọc để từ những văn bản kia vẽ nên một chân dung.

Điểm lại các nhân vật xuất hiện trong tập này, có thể thấy Văn Thành Lê dành nhiều ưu ái cho tác giả nữ. 20 “chân dung” với 12 tác giả nữ, từ kỳ cựu như nhà văn Thuận hay Phan Việt… đến những tác giả tuổi đời và nghề còn trẻ như Hiền Trang.

Dù là những tên tuổi thành danh, bạn văn đồng trang lứa hay tác giả hậu bối, Văn Thành Lê vẫn dành sự chân thành và cầu thị. Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền trong lời bạt cuốn sách đã nói đúng tinh thần này của Văn Thành Lê: “Song hành chữ bằng khát khao học hỏi, bằng thấu cảm, liên tài dành cho nhân vật, tác giả đã khơi gợi những sinh lộ mới để độc giả cùng anh phiêu lưu trong cõi chữ”. 

Huỳnh Trọng Khang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI