Đây là buổi biểu diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội tại Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp (LHSKKNCN) 2018 với vở Vùng lạnh của tác giả Xuân Đức do NSND Hoàng Dũng dàn dựng. Vùng lạnh đã công diễn ở Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc trước khi vào TP.HCM tham dự LHSKKNCN.
“Đây không phải lần đầu tôi xem Vùng lạnh từ phía cánh gà, nhưng cảm xúc lần này lại rất khác. Tôi gần như không còn quan tâm đến vở diễn tốt hay không tốt mà ngỡ như mình đang hoà cùng cảm xúc của các bạn diễn viên trên sàn diễn” – NSND Hoàng Dũng chia sẻ.
|
Vùng lạnh - vở kịch nóng hổi tính thời sự nhưng vẫn mềm mại và nhiều cảm xúc
|
Mang đầy tính thời sự, Vùng lạnh của đạo diễn – NSND Hoàng Dũng đan xen câu chuyện nghĩa tình đồng đội của những người lính năm xưa với vấn nạn ô nhiễm môi trường, chuyện chạy chức, sự vô cảm của những kẻ có quyền, có tiền trước những mối đe doạ cuộc sống yên lành của người dân…
Ở Vùng lạnh, có một nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý làm ô nhiễm một vùng biển, nơi đang có 5 hộ gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Bởi chỉ có 5 hộ, lại là những hộ gia đình trở về từ vùng kinh tế mới, không được cấp hộ khẩu nên ông Giám đốc Sở tài nguyên môi trường chả cần bận tâm giải quyết.
|
Thời gian có thể thay đổi nhiều thứ nhưng không thể thay đổi "chất lính" của những người lính năm xưa
|
Không được chính quyền quan tâm, 5 hộ dân bị đẩy vào đường cùng khi chẳng còn biết kêu ai nhờ giúp đỡ. Đến Sở Tài nguyên Môi trường thì giám đốc đi vắng. Cổng công ty xả thải thì lúc nào cũng có những tên giang hồ được công ty thuê chờ sẵn để đánh “dằn mặt” những ai dám lên tiếng phản đối…
Nóng hổi thời sự nhưng Vùng lạnh được đạo diễn - NSND Hoàng Dũng kể bằng lối kể mềm mại, gần gũi. Nhiều tình huống kịch diễn ra trên sân khấu chân thực như những gì người ta vẫn đọc được hàng ngày trên mặt báo, lên án sự thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau người dân của một số thành phần trong xã hội.
Nhưng, bên cạnh những “vùng lạnh” của sự giả trá, của những kẻ chỉ biết làm giàu cho bản thân bằng mọi thủ đoạn… vẫn còn đó những vùng ấm áp. Đó là những người bất chấp hiểm nguy, mạnh dạn đối mặt đến cùng với cái ác, cái xấu. Có lúc họ nhỏ bé, lẻ loi trước cái xấu nhưng vẫn quyết tâm không từ bỏ con đường đi tìm lẽ phải. Đó là tình nghĩa của những người lính năm xưa dành cho nhau; là tình làng nghĩa xóm…
|
Trong cuộc sống hiện đại, ngay cả những người trong gia đình cũng không thể hiểu nhau.
|
NSND Hoàng Dũng nói: “Rất có thể Vùng lạnh chưa đủ để người xem cảm thấy căm ghét cái xấu cái ác, nhưng họ lại chạm được vào những cảm xúc ấm áp về nghĩa tình con người dành cho nhau. Lời thoại của nhân vật Tô Hoàng: “Bom đạn có thể giết chết một tiểu đội, thậm chí cả một tiểu đoàn nhưng sự vô cảm thì có thể giết chết cả một dân tộc" cũng là thông điệp tôi muốn gửi gắm đến khán giả”.
Trong mạch kịch đầy ắp kịch tính, với tiết tấu được đẩy rất nhanh, NSND Hoàng Dũng đã rất khéo léo, tinh tế xử lý trong dàn dựng để đặt điểm nhấn đầy cảm xúc, khiến nhiều khán giả trong khán phòng rơi nước mắt.
3 người lính năm xưa, mỗi người một hoàn cảnh trong thời bình tình cờ gặp lại nhau sau hơn 30 năm. Năm xưa, chỉ vì những hiểu lầm mà một người phải lâm vào cuộc sống oan khuất suốt mấy chục năm trời.
Ông Trần Gio với nỗi hàm oan cứ lầm lũi trong cuộc sống. Ông nhỏ bé, yếm thế hơn bởi đến cái hộ khẩu để chứng minh nhân thân ông cũng không có. Mọi đau đớn, uất ức chỉ còn biết dồn nén trong sự im lặng, câm nín.
Ngày ông gặp lại người chỉ huy mình đã cứu mấy chục năm trước, cũng chính là người vô tình đẩy ông vào cuộc sống trớ trêu, ông vẫn cứ im lặng dẫu trong lòng “sóng đang cuồn cuộn”.
|
Điểm nhấn đầy cảm xúc của Vùng lạnh
|
Buông bỏ giận hờn, ông Gio ôm chầm lấy người đồng đội năm xưa, để rồi đôi tay run run, luống cuống lấy chiếc mũ bộ đội từ trong ba lô, đội lên đầu đứng nghiêm trang chào chỉ huy… Cách xử lý rất “đắt” của NSƯT Công Lý đủ sức đẩy cảm xúc người xem đầy đặn hơn.
Không oán hận, không giận dữ, cuộc hội ngộ trong nghẹn ngào của họ là dấu lặng tuyệt đẹp của Vùng lạnh. NSƯT Tiến Hợi, NSƯT Công Lý, NS Phú Thăng đã có một lớp diễn đong đầy cảm xúc. Khác hẳn với một Công Lý ngổ ngáo hoặc dí dỏm, hài hước như khán giả vẫn hình dung từ trước đến nay, anh đã có một “hoá thân” rất lạ.
|
NSND Hoàng Dũng và các NS nhà hát Kịch Hà Nội sau suất diễn Vùng lạnh
|
Không khó để hiểu những giọt nước mắt xúc động của NSND Hoàng Dũng. Bởi là vở diễn cuối cùng được NSND Hoàng Dũng dàn dựng trong vai trò Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Tháng 2/2017, anh chính thức nghỉ hưu, nhưng vẫn được các nghệ sĩ ở nhà hát chăm chút từng chi tiết từ khâu chuẩn bị đến biểu diễn để có một cuộc ra mắt đầy cảm xúc ở LHSKKNCN năm nay.
Bài, ảnh: Thảo Vân