Khi người nổi tiếng gây náo loạn mạng xã hội

01/03/2024 - 06:44

PNO - Người nổi tiếng ứng xử lệch chuẩn trên mạng xã hội hiện khá phổ biến. Gần đây nhất, cộng đồng mạng tiếp tục “dậy sóng” với những phiên live stream (quay, phát trực tiếp) của Nam Em - tên thật là Nguyễn Thị Lệ Nam Em, từng đoạt danh hiệu Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long năm 2015.

Càng giật gân, càng đông người xem

Vẫn với hình thức live stream để giao lưu với công chúng như lâu nay vẫn làm nhưng gần đây, những chia sẻ của Nam Em sốc hơn và liên quan đến nhiều người. 

Cuối tháng 11/2023, Nam Em công bố có bạn trai mới và thường xuyên chia sẻ thông tin này lên mạng xã hội. Bị cộng đồng mạng khui ra quá khứ không mấy đẹp đẽ của người mới và chế giễu, cợt nhã, Nam Em liền đáp trả gay gắt. Không rõ do mất kiểm soát hay chiêu trò để gây chú ý, cô bắt đầu lôi chuyện tình tin đồn trong quá khứ của mình, réo tên những người nổi tiếng, úp mở việc sẽ phanh phui hậu trường giới giải trí (showbiz) Việt, chuyện chân dài cặp đại gia… Mỗi phiên live stream của Nam Em gần đây thu hút hàng chục ngàn người theo dõi và hàng ngàn bình luận với lời lẽ kích động, không mấy hay ho. 

Sau mỗi phiên live stream của Nam Em, các cá nhân lại chẻ nhỏ, xào nấu những nội dung do cô chia sẻ cho hấp dẫn, giật gân rồi tiếp tục đăng tải lên Facebook, TikTok, YouTube. “Rác” thông tin cứ thế được phát tán tràn lan trên mạng.

Nam Em có nhiều buổi live stream với  phát ngôn và thông tin gây sốc, khiến nhiều người bức xúc - Ảnh chụp từ màn hình
Nam Em có nhiều buổi live stream với phát ngôn và thông tin gây sốc, khiến nhiều người bức xúc - Ảnh chụp từ màn hình

Khi Nam Em “gây bão” với những tiết lộ sốc, cựu người mẫu kiêm ca sĩ Quế Vân cũng nhập cuộc. Cô “bắt tay” Nam Em và bắt đầu khui ra mặt trái của giới showbiz với thái độ hào hứng, thậm chí tung tin bản thân đã mua giải á hậu trong một cuộc thi nhan sắc năm 2013 với giá 600 triệu đồng. 

Trước nay, không hiếm trường hợp người nổi tiếng gây ồn ào trên mạng xã hội. Có thể kể đến “thánh chửi” T.T. - cựu người mẫu, nổi tiếng với những câu chửi phản cảm; ca sĩ N.T.L. từng live stream nói bản thân bị đánh thuốc, rồi nói về bùa ngải, bóc mẽ một vài người nổi tiếng; ca sĩ N.P.T., ca sĩ L.Q., diễn viên B.L., ca sĩ T.T., ca sĩ C.T.S., nhạc sĩ kiêm ca sĩ K.V., nghệ sĩ X.H., đạo diễn H.H.… từng dùng những từ ngữ tục tằn như “giẻ rách”, “cục c**”, “tụi mày ngáo”… để thóa mạ những khán giả chống đối mình (antifan). 

Sau chuỗi ngày phát ngôn ngông cuồng, tối 26/2, cũng qua live stream, Nam Em thông báo cô nhận được thư mời làm việc vào ngày 28/2 từ Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM. Trong buổi live stream này, chẳng những cô không điều chỉnh hành vi gây rối trên mạng xã hội mà còn tiếp tục tường thuật trực tiếp vụ việc mà cô cho là có đám đông tụ tập dưới nhà, mang theo vũ khí. Nam Em la hét vì cho rằng đang bị uy hiếp, đòi nhảy lầu khiến người xem hoảng sợ.

Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng dùng  mạng xã hội để đáp trả, “khẩu chiến”  với antifan - Ảnh chụp từ màn hình
Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng dùng mạng xã hội để đáp trả, “khẩu chiến” với antifan - Ảnh chụp từ màn hình

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM - cho rằng, nhiều người, trong đó có nghệ sĩ, dùng mạng xã hội nhưng không ý thức được trách nhiệm, giới hạn của mình nên phát ngôn tùy tiện: “Gần đây, tôi thấy số vụ việc nghệ sĩ, người nổi tiếng phát ngôn mất kiểm soát, lệch chuẩn có phần giảm hơn trước. Chắc do đã có nhiều trường hợp bị phạt hành chính, phạt tù. Nhưng có thể do mức xử phạt chưa đủ liều và những người bị ảnh hưởng trực tiếp ngại kiện tụng nên sau một thời gian, tình trạng này lại tiếp diễn”.

Theo ông, có thể do nghệ sĩ vô ý gây ra ồn ào, cũng có thể do họ cố tình tạo scandal để thêm nổi tiếng, để không bị khán giả lãng quên. Điều này cho thấy họ còn hạn chế về trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Cần xử lý vi phạm quyết liệt hơn

Trong 5 năm trở lại, cơ quan chức năng của TPHCM không ít lần xử phạt người nổi tiếng do những vi phạm trên không gian mạng, đa phần là đăng tải thông tin sai sự thật, như trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng, Angela Phương Trinh… Cựu người mẫu Trang Trần là trường hợp hiếm hoi bị phạt do lỗi phát ngôn phản cảm, không chuẩn mực trên mạng xã hội. 

Sức ảnh hưởng của người nổi tiếng với đám đông là cực kỳ lớn. Không thể lường trước được những hậu quả từ những hành vi lệch chuẩn của họ đối với thanh thiếu niên. Việc xử lý nhẹ tay của cơ quan chức năng khiến không ít người nổi tiếng tiếp tục ứng xử kiểu bất chấp trên môi trường mạng.

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp 4.0 JobWay, Cố vấn cấp cao Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam - cho rằng, mức độ cạnh tranh sự chú ý về mặt truyền thông, áp lực duy trì hoặc tăng cường sự nổi tiếng càng lớn càng dễ khiến người trong giới showbiz không ngại những hành động gây sốc. Chưa kể, việc gây sốc thường đi đôi với nhiều lợi ích - trong đó có lợi ích kinh tế - nên càng khó để người nổi tiếng nói không với những chiêu trò gây tranh cãi.

Viện dẫn Luật An ninh mạng và Bộ luật Dân sự năm 2015, luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, mọi hành vi đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bị xử phạt. Mức phạt cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự là 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm trong trường hợp biết lời nói, hành vi của mình là sai sự thật mà vẫn cố tình bịa đặt nhằm xúc phạm đến danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. 

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, việc buộc xin lỗi công khai hay phạt vài triệu, vài chục triệu đồng khó đủ sức răn đe với những cá nhân ngoan cố hay mượn không gian mạng để đạt được mục đích bất chính bởi thu nhập từ hành vi sai trái của họ lớn gấp nhiều lần mức phạt. Do đó, cơ quan xây dựng luật có thể xem xét đến biện pháp khóa tài khoản mạng xã hội có thời hạn của người vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Ngoài ra, có thể tính đến biện pháp cấm biểu diễn, hành nghề trong thời gian nhất định. 

Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu cho rằng, khi là người của công chúng, nghệ sĩ luôn được khán giả chú ý, thậm chí xoi mói nên phải luôn cẩn trọng hết mức trong lời nói, ứng xử. Sự cẩn trọng này trước hết là vì mình, sau là vì những người cùng làm nghề để không bị đánh giá, mang tiếng. Theo ông, để ngăn chặn nạn xả “rác” lên mạng, cần sự tự ý thức của người nổi tiếng, sự khắt khe và công tâm của công chúng, sự quyết liệt hơn của cơ quan chức năng. 

Thành Lâm - Diễm Mi

Người nổi tiếng phải cẩn trọng lời ăn, tiếng nói

Nghệ sĩ đôi khi bức xúc về một vấn đề nào đó nhưng không biết trình bày với ai, bèn lên mạng chia sẻ. Lắm lúc tôi cũng thấy tội nghiệp cho họ. Nhưng với những điều đụng chạm đến uy tín, lợi ích của người khác thì phải xem lại. Mạng xã hội không phải là nơi cứ muốn xả gì cũng được.

Với sức ảnh hưởng của mình, người nổi tiếng càng cần phải cẩn trọng. Nếu cá nhân nghệ sĩ có những bất đồng với nhau thì nên gọi điện hoặc liên hệ làm việc trực tiếp, tránh gây ồn ào trên không gian mạng. Đừng nghĩ khi bạn là người nổi tiếng, bạn mang chuyện cá nhân phơi bày lên mạng thì sẽ được thương. Coi chừng nó có thể gây tác dụng ngược, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của bạn trong mắt công chúng. Khán giả có thể thương nghệ sĩ nhưng họ cũng có thể quay lưng. Tình cảm của công chúng không phải bất biến. Do đó, nghệ sĩ phải biết cách ứng xử, làm tròn vai trò của mình.

Trong những lần lên lớp với học trò, tôi không nhắc nhở trực tiếp mà hay dạy các em thông qua tác phẩm. Tôi nhắn nhủ các em phải cố gắng tạo ra những tác phẩm mang đến giá trị cho xã hội, giúp nâng cao nhận thức cho khán giả. Tác phẩm không có tính giáo dục, không mang thông điệp tốt đẹp thì sớm muộn cũng bị khán giả tẩy chay. Cách ứng xử của người làm nghệ thuật cũng thế, nếu không chừng mực thì không thể trách công chúng ngừng mến mộ.

Từ YouTube, Facebook và mạng xã hội nói chung, những gì mình chia sẻ đều được lưu lại bằng nhiều cách khác nhau, nên phải hết sức cẩn trọng. Hiện giờ, nghệ sĩ đăng dòng trạng thái sai chính tả còn bị đánh giá, huống hồ những phát ngôn lệch chuẩn, xúc phạm người khác.

Mọi người phải biết, khi là người của công chúng, khán giả sẽ chú ý, thậm chí xoi mói. Họ để ý đến nghệ sĩ, đến những mối quan hệ xung quanh, nên nghệ sĩ phải cẩn trọng, trước hết là vì mình, sau là vì danh dự của người làm nghề.

Nghệ sĩ ưu tú Công Ninh 

 

Có "rác" thì đương nhiên phải dọn

Muốn giữ hình ảnh là một nghệ sĩ “sạch”, có văn hóa, ảnh hưởng tích cực với xã hội thì nhất định bạn phải cẩn trọng trong lời nói, cách ứng xử.

Như bao người, nghệ sĩ cũng có những cảm xúc, tâm sự cần giãi bày, nhưng có người chia sẻ khéo léo, biết kiểm soát, có người do cảm xúc cá nhân quá mạnh nên nói ra mọi thứ trên mạng xã hội, bất kể nội dung đó tích cực hay tiêu cực. 

Tất nhiên, ai cũng có quyền phát ngôn nhưng khi bạn là người nổi tiếng, được nhiều người dành tình cảm và xem như là người định hướng thì phải có trách nhiệm tự điều chỉnh hành vi, tiết chế cảm xúc. Muốn giữ hình ảnh của mình theo hướng nào, bạn phải bảo vệ chúng hết sức có thể. Muốn giữ hình ảnh là một nghệ sĩ “sạch”, có văn hóa, ảnh hưởng tích cực với xã hội thì nhất định bạn phải cẩn trọng trong lời nói, cách ứng xử. 

Trên không gian mạng, cũng có “rác” từ người nổi tiếng, mà “rác” thì đương nhiên phải dọn. Tôi nghĩ, tùy từng trường hợp, phải có biện pháp xử lý đủ sức răn đe để không tạo ra tiền lệ xấu. Ngoài xử phạt, cơ quan quản lý cần giám sát, nhắc nhở, tránh thả nổi, tránh để sự việc kéo dài gây ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội. 

Nghệ sĩ ưu tú Hạnh Thúy

Các nước mạnh tay xử lý vi phạm khi live stream

Tháng 3/2020, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc ban hành quy định quản lý nội dung thông tin trên mạng. 

Theo đó, mọi người (bao gồm người nổi tiếng) sẽ bị coi là vi phạm nếu có các hành vi bất hợp pháp khi phát sóng trực tuyến (live stream), như đưa thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm, bịa đặt, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; mặc trang phục quá hở hang, quần áo xuyên thấu, quần áo khoét sâu; nội dung phát sóng thô tục. Tùy mức độ sai phạm, người vi phạm sẽ bị cảnh cáo, tạm dừng truy cập, đóng tài khoản mạng xã hội, chịu trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho người khác, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tháng 5/2023, chỉ vì lỡ lời, sử dụng phép ẩn dụ không phù hợp trên sóng trực tiếp, diễn viên hài Lý Hạo Thạch đã bị cấm sóng vô thời hạn. 

Chính phủ Nhật Bản cũng ban hành các quy định nghiêm khắc về ứng xử trên mạng. Bộ luật Hình sự sửa đổi tháng 7/2022 của Nhật Bản tăng mức phạt đối với hành vi lăng mạ, xúc phạm trực tuyến lên tới 300.000 yên (2.200 USD), nâng thời hạn phạt tù đối với hành vi lăng mạ từ 1 năm lên tối đa 3 năm.

Hàn Quốc cũng thẳng tay xử lý hành vi ứng xử sai trái trên mạng xã hội. Đầu năm 2023, Kim Heechul - thành viên nhóm nhạc nam Super Junior - say xỉn, văng tục trên sóng live stream, đã bị buộc xin lỗi công khai về hành vi sai lệch của mình.

Hương Chung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI