Khi người Nhật truyền nghề

22/02/2018 - 15:51

PNO - Thầy giáo len giữa lớp học đang bận rộn sửa soạn thực hành, đến trước một học viên đang ngơ ngác đứng lùi về phía sau, đề nghị: “Em thực hành trên tóc của thầy đi nhé!”.

Học viên ngẩn ngơ. Vài người đứng gần cũng khựng lại, nhìn về phía người học trò mắc chứng suy giảm trí tuệ nãy giờ vẫn ngơ ngác vì không tìm được người mẫu để thực hành.

Thùy Trang, người phiên dịch của lớp ái ngại đến gần, rồi tần ngần hỏi vị thầy giáo người Nhật: “Thầy có chắc không?”. Người thầy điềm tĩnh, nhỏ giọng: “Tóc thầy có thể mọc lại được, nhưng bạn thì cần được nuôi giữ sự tự tin từ lúc này”.

Màn thực hành cuối cùng của lớp diễn ra ngay sau đó. Lần đầu tiên, cả học viên, trợ giảng lẫn thông dịch viên cảm thấy đủ… bình tĩnh để nhìn người bạn đặc biệt nọ cầm kéo, cắt lên một mái tóc thật.

Khi nguoi Nhat truyen nghe
Những thầy giáo người Nhật hướng dẫn học viên từng thế đứng, cách chia, nắm tóc trong lớp học Cắt uốn tóc theo phong cách Nhật Bản tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM.

Những bài học không có trong giáo án

Tóc thầy không dài lại ngay. Buổi học tiếp theo, cả lớp đều biết, thầy đã đến salon làm lại một mái tóc ngắn đúng điệu sau “mái tóc thực hành” lởm chởm của người bạn nọ.

Nhưng chuyện cũ không hề được nhắc lại. Và khoảnh khắc thầy thả ra câu nói: “Tóc thầy có thể mọc lại được” trước sự e dè của mọi người về người học trò mắc chứng suy giảm trí tuệ, đã trở thành một “giờ học” quý giá cho học viên lẫn cộng sự bản địa. 

Khi tôi kể chuyện này cho một người bạn đang định cư ở Nhật, bạn giải thích: “Người Nhật luôn chọn tận hưởng từng khoảnh khắc theo cách có giá trị nhất”. Khoảnh khắc đứng giữa lựa chọn “giữ lại mái tóc đẹp”, hay “khích lệ sự tự tin trong người học trò”, người thầy giáo đã khước từ sự thuận tiện, để chọn làm một việc có giá trị hơn.

Và họ thực hiện việc đó, như thể cuộc đời có thể lấy lại cơ hội đó bất cứ lúc nào. Và, từng bài học trong lớp Cắt uốn tóc theo phong cách Nhật Bản này, đều được dạy trong tinh thần kỳ lạ ấy.

Lớp dành suốt một tháng đầu để học cầm kéo. “Học cầm kéo”, tức là học cách cầm một cái kéo cho đúng tư thế, cầm vững tay và làm chủ được động tác. “Bài học” này không hề có trong các lớp cắt tóc thông thường, nhưng thầy giáo người Nhật dành một tháng ròng rã, để dạy xuyên suốt một kỹ năng này.

Khi nguoi Nhat truyen nghe

Học trò vừa chớm thắc mắc về sự kỳ công… một cách khó hiểu này thì đã tự hóa giải khi chứng kiến chính vị thầy giáo mỗi ngày vẫn tỉ mẩn đến trước từng học viên, quan sát, chỉnh sửa từng cái tì tay, hay từng chênh lệch tinh vi của hướng kéo.

Và, để chỉn chu đến từng ly như những gì thầy cất công chỉnh sửa, thì… một tháng học cầm kéo là chuyện thường. Bài học luyện kéo lại lặp lại mỗi đầu giờ suốt ba tháng sau đó, mỗi động tác “cầm kéo ngang” và “cầm kéo đứng” thực hiện 30 lần, thầy giáo đi chỉnh sửa hoặc… khen ngợi một lượt; rồi mới bắt đầu bài học mới. 

Người Việt ở Nhật hay đùa: “Nếu đang vội, thì không nên đi cắt tóc ở Nhật”, rồi đúc kết: “Hình như thời gian không đi ngang qua người Nhật” để lý giải cho việc dành thời gian để chăm chút từng việc nhỏ của dân tộc này. Mọi thứ đều được hướng dẫn tỉ mỉ, trau chuốt đến tận cùng. Và, kết quả thường được đo đếm với những tiêu chí tinh vi, như thể… không thể kiểm chứng bằng mắt thường.

Chỉ riêng việc cắt tóc mái, một người thành thạo vẫn cần đến 30 phút để… căn chỉnh đến từng sợi tóc. Và, kỹ thuật cắt tóc còn bao gồm cả tư thế đứng, cách đưa kéo. Một “tác phẩm tóc” ra đời ngay từ lúc người thợ đứng trước mái tóc.

Vậy nên, việc học nghề tóc cũng bắt đầu từ… tư thế, có khi học viên phải chật vật hàng tháng trời để vượt qua và thành thạo nó. Mọi sự chăm chút công phu ấy đều nhằm đạt tới sự hoàn hảo.

Nhưng, hoàn hảo chưa phải là nguồn cơn. Theo tôi, chính cái tâm thế như đứng bên ngoài thời gian mà chăm chút mọi thứ đó, lại là biểu hiện sâu sắc nhất về cảm thức thời gian ở con người.

Vì cảm nhận sâu sắc sự chảy trôi của thời gian - cái vô thường của vạn vật - cái có có không không của cõi đời hư huyễn; người ta mới quay sang kiếm tìm sự hoàn hảo, sự vĩnh cửu trong từng khoảnh khắc. Đó cũng là cách mà “người Nhật tận hưởng từng khoảnh khắc của họ theo cách giá trị nhất” chăng?

Biên độ của vĩnh cửu như càng thu hẹp lại nữa, khi cái khoảnh khắc kia được chia nhỏ đến vô cùng trong đời sống. Vào lớp học Cắt uốn tóc theo phong cách Nhật Bản, người ta dễ dàng cảm thấy sự thoải mái, tự tin của học viên, dù trước mắt họ là những tiêu chí làm nghề khắt khe bậc nhất thế giới.

Mọi diễn biến trong lớp học đều được ghi nhận. Mỗi lần học viên kết thúc một bài tập, thầy giáo đều nhìn thấy những chuyển biến tinh vi trong tay nghề của họ, để khích lệ. Thầy hay bắt đầu lời khen bằng một tiến bộ có thật, dù rất nhỏ của học viên - như một cách xác nhận ý nghĩa của khoảnh khắc mà họ đã đi qua.

Những thay đổi tinh vi đó cứ nối tiếp nhau, “cảm giác có thành quả” khiến học trò điềm tĩnh thực hiện chỉn chu từng bài học, cho đến lúc, họ quen với việc dành nhiều công sức để hoàn thiện một sản phẩm ở mức hoàn hảo nhất.

Khi nguoi Nhat truyen nghe

Mỗi lần giờ học kết thúc, người ta lại chứng kiến người thầy giáo vừa thăng hoa trong những nhát cắt tế vi lặng lẽ tìm đến nơi để dụng cụ của tổ lao công nhà văn hóa, mượn “đồ nghề” về, tự tay thu dọn chỗ ngồi của mình. Học trò cũng làm theo, rồi thành nếp.

Niềm tin của người Nhật

Không gian bình lặng ấy đôi lúc cũng rộ tiếng cười, bởi óc hài hước của các thầy giáo Nhật Bản. Ở tận vùng Hokkaido giá lạnh, mỗi tháng, ông Nobuyuki Harai (Phó hiệu trưởng trường RIBI Hokkaido, Hiệu trưởng trường RIBI Hokkaido tại Việt Nam) lại bay sang thăm lớp một lần để trao chứng chỉ cuối khóa cho học viên. Và lần nào ông cũng mang theo sô-cô-la, cùng sự nhiệt thành sang làm quà cho học viên Việt.

Hôm tôi đến, vị hiệu trưởng đạo mạo đang hướng dẫn học viên cách rửa mặt cho khách thì được học viên… giới thiệu một chiếc nón tai bèo, ra hiệu “mời thầy đội”.

Ông vui vẻ đội chiếc nón nữ tính lên đầu, rồi… ẻo lả bước ra phía căng tin sau khi giao ước với cả lớp: “Để thầy ra mua nước xem các cô ấy có nhận ra thầy không nhé!”. Cả lớp được một phen cười nghiêng ngả trước “phiên bản nữ” của người thầy ngoại quốc.

Ở Nhật, mỗi năm, có hàng ngàn thợ cắt tóc thành nghề, rồi tỏa ra làm nghề, mang kỹ thuật làm tóc đỉnh cao đi khắp cả nước sau ba năm ròng rã học tập trung tại trường nghề RIBI Hokkaido.

Hai năm nay, chính tại lớp Cắt uốn tóc theo phong cách Nhật Bản đã trở thành một phần của RIBI Hokkaido. Mỗi giáo viên tham gia giảng dạy đều phải làm một cuộc “tạm trú dài hạn”, mang tinh thần làm nghề và kỹ thuật cắt uốn tóc đỉnh cao của người Nhật chia sẻ với người Việt.

Khi nguoi Nhat truyen nghe

Mỗi giáo viên Nhật Bản được cử sang Việt Nam từ sáu tháng - một năm; chủ động ổn định chỗ ở, rồi tham gia giảng dạy tại Nhà văn hóa Phụ nữ như một “chi nhánh” của trường.

Chương trình đào tạo Cắt uốn tóc theo phong cách Nhật Bản gồm bốn lớp theo bốn cấp độ, được giảng dạy trực tiếp bởi giáo viên người Nhật, với mức học phí 2 triệu đồng/lớp, gấp đôi lớp học cắt tóc hiện có ở Nhà văn hóa Phụ nữ. Lớp học trên dưới 20 học viên, với một giáo viên Nhật Bản, một trợ giảng là giáo viên người Việt và một thông dịch viên.

Ngay từ những ngày đầu, chương trình đào tạo tỉ mỉ một cách kỳ lạ đã làm ngỡ ngàng học viên người Việt, kể cả những thợ làm tóc đã năm - bảy năm làm nghề. Mức học phí khá cao so với mặt bằng chung trong thành phố khiến lớp học ban đầu như một… “chương trình cao cấp” về cắt uốn tóc.

Mỗi lớp học chừng trên dưới 20 học viên, nguồn thu học phí không đủ bù vào tiền lương, tiền ăn ở của giáo viên; lương trợ giảng và thông dịch viên, kinh phí tổ chức của nhà văn hóa, lẫn chi phí đi công tác của hiệu trưởng.

Nhưng, “không vì lợi nhuận”, mỗi lần gặp gỡ lại… động viên nhau, bản thân chị Phan Thị Bích Hường - Giám đốc Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM sau hai năm trời vẫn ngỡ ngàng về sự tận tụy, nhiệt tâm của đối tác.

Mỗi cuối khóa, khi thầy giáo người Nhật đang dùng ngôn ngữ cơ thể của mình để… chọc vui, động viên học trò, thì những học viên lại sụt sùi lưu luyến. Lớp học “tỉ mẩn đến khó hiểu ở từng động tác” vẫn được học trò gọi vui là “kỷ lục về tiến độ dạy chậm”, nhưng đến khi tốt nghiệp, lớp “thợ mới” lại trầm trồ, xác nhận những điêu luyện tế vi trong nghề, mà chỉ có giáo viên Nhật mới đủ kiên nhẫn truyền dạy.

Mọi người thợ “lên đường”, mọi salon được mở ra từ học viên của khóa học này đều mang một dáng dấp khác, một tinh thần khác thế giới làm tóc mà người Việt quen thấy bấy lâu.

Tư tưởng lớn gặp nhau

Ngày đầu đến Nhật theo lời mời của trường RIBI, chị Bích Hường chỉ mang theo tâm huyết được hội nhập, và phát triển hoạt động của Nhà văn hóa Phụ nữ. Trường Hokkaido RIBI tọa lạc ở một khu đất rộng lớn thuộc tỉnh đảo Hokkaido, chuyên đào tạo nghề tóc và làm đẹp.

Khi nguoi Nhat truyen nghe

Tiếp đón đại diện Nhà văn hóa Phụ nữ là toàn thể ban giám hiệu nhà trường, cùng phó chủ tịch tỉnh, trưởng ban kinh tế tỉnh Hokkaido. Sự chính danh, quy củ và chuyên nghiệp thể hiện trong cả cuộc gặp gỡ, lẫn từng chi tiết của cơ sở vật chất, cảnh quan lớp học ở ngôi trường vẫn cung cấp thợ làm tóc cho cả nước Nhật này. 

Trong những ngày tiếp cận sâu với nền giáo dục nghề của Nhật Bản, chị Bích Hường còn được mời trải nghiệm dịch vụ chăm sóc tóc ở Nhật. Mọi thứ cứ như đang diễn ra ở một… kỷ nguyên khác. Tất cả thợ làm tóc đều có ít nhất ba năm học nghề bài bản, tương đương với một khóa học cao đẳng.

Ở Nhật, riêng việc “chạm vào tóc” cũng như một nghi thức mà chỉ những người được đào tạo chính quy mới được phép thực hiện. Tất cả các dụng cụ đều được hấp vô trùng trước mỗi lần sử dụng. Chưa kể đến tính thẩm mỹ, riêng tiêu chí an toàn và đề cao “sức khỏe mái tóc” của người Nhật đã khiến đại diện Việt Nam thán phục.

Chứng kiến sự nghiêm túc với nghề, cộng với sự nhiệt thành của phía trường RIBI lẫn lãnh đạo địa phương ở Hokkaido, chị Bích Hường quyết định mang chí hướng hợp tác, học hỏi về bàn với ban giám đốc Nhà văn hóa Phụ nữ.

Chính sự duy mỹ, chỉn chu, và lối sống trọn vẹn từng khoảnh khắc như một kiểu “dân tộc tính” của Nhật đã hội ngộ cái nữ tính muôn đời của Nhà văn hóa Phụ nữ.

Bởi sự cộng hưởng đó, mà giữa cái tất bật, hỗn độn bao tạp âm, Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh lại có một góc nhỏ, riêng dành để chắt chiu những tinh hoa từ đôi tay con người.

Chương trình được thông qua ở các cấp lãnh đạo. Theo đó, phía Nhật Bản phụ trách toàn bộ về chuyên môn, Nhà văn hóa Phụ nữ phụ trách tuyển sinh, quản lý học viên, cơ sở vật chất và hỗ trợ một trợ giảng. Từ Nhật Bản, ông Nobuyuki Harai bay sang, cùng ban giám đốc nhà văn hóa triển khai thiết kế, rồi tiến hành cải tạo một không gian lớp học theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Sau sáu tháng trời, một phòng học hai gian, rộng chừng 100m2 được hình thành với sự chăm chút từng ánh sáng đèn, hay mặt bàn học, tấm gương soi. Ngài hiệu trưởng đích thân làm hết.

Hoàn thành cơ sở vật chất, trước khi trở về Nhật Bản để chuẩn bị đưa giáo viên sang Việt Nam giảng dạy, ông Harai đã “ướm chừng”: “Lớp học ban đầu sẽ khó khăn vì chương trình mới lạ, nhưng cuộc hợp tác này không vì lợi nhuận, điều ta cần làm là giữ quyết tâm truyền nghề, chuyển giao kỹ thuật cho người làm tóc Việt. Mỗi tháng, tôi sẽ sang nhà văn hóa một lần để trông coi và hỗ trợ cho lớp học”.

Biết đó là một giao ước, nhưng sau này, chính chị Bích Hường cũng ngỡ ngàng về tinh thần truyền nghề và giữ lời hứa của đối tác Nhật Bản.

Gặp tôi tại phòng học Cắt uốn tóc theo phong cách Nhật Bản trong một lần sang thăm, ông Harai vui vẻ “khoe”: “Lớp học này hình thành là do tư tưởng lớn gặp nhau. Xác định là “hợp tác phi lợi nhuận” ngay từ đầu, nhưng tôi không ngờ lớp học lại mang đến cho chúng tôi nhiều “lợi nhuận” đến vậy!”.

Vừa phiên dịch đến đó, thông dịch viên Thùy Trang bật cười. Những người gắn bó với lớp học này đều hiểu, chữ “lợi nhuận” sau cùng của ông Harai là một phép ẩn dụ, bởi lớp học được đầu tư công phu này chưa từng mang lại lợi nhuận theo nghĩa đen.

Nhưng với những người thầy Nhật Bản, từng sự tiến bộ, từng biểu hiện tình cảm của học viên và sự nhiệt tình của nhà văn hóa, chính là “lợi nhuận” lớn nhất, giữ họ lại với chương trình công phu này.

Người ta dễ gặp chính sự duy mỹ, chỉn chu, và lối sống trọn vẹn từng khoảnh khắc như một kiểu “dân tộc tính” của Nhật trong cái nữ tính muôn đời của Nhà văn hóa Phụ nữ. Bởi sự cộng hưởng đó, mà giữa cái tất bật, hỗn độn bao tạp âm, Sài Gòn lại có một góc nhỏ, riêng dành để chắt chiu những tinh hoa từ đôi tay con người. 

Vượt ra khỏi những dự toán tài chính, chính cái đẹp, những tương tác tình cảm, và từng thành quả chuyên môn đã nuôi giữ trong Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM lớp học đặc biệt này.

Mối duyên này, nhà văn hóa không chủ định. Cuộc lựa chọn đối tác từ phía Nhật cũng diễn ra âm thầm. Nếu có một động thái xúc tác nào đó từ Nhà văn hóa Phụ nữ cho cuộc hợp tác này, thì đó chính là sự chuyên nghiệp và tinh thần  học hỏi bấy lâu vẫn được đội ngũ cán bộ, giáo viên tận tụy phát huy để mang lại dịch vụ tốt nhất cho học viên, chứ không nhằm kiếm tìm đối tác.

Và nói như vị hiệu trưởng đến từ nước Nhật, chính tinh thần đó đã mang họ gặp nhau.

Huệ Tùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI