|
NSƯT Lê Trung Thảo cho rằng giải thưởng Trần Hữu Trang là danh hiệu cao quý mà người nghệ sĩ cải lương phải phấn đấu đạt được |
Mở màn đêm thi là một thí sinh quen thuộc khi đây đã là lần thứ 9 anh đến với cuộc thi: NSƯT Lê Trung Thảo. Nam nghệ sĩ từng nhiều lần chia sẻ, dù có đạt bao nhiêu giải thưởng, danh hiệu danh giá thì anh vui sướng và hạnh phúc nhất vẫn là chinh phục giải thưởng Trần Hữu Trang.
|
Không có lợi thế ở giọng ca, Lê Trung Thảo nỗ lực học tập, trau dồi nhiều về diễn xuất. |
Lê Trung Thảo cho biết đã chuẩn bị tiết mục dự thi từ hai năm trước - năm anh đạt huy chương bạc thể loại kép mùi, cũng là thành tích cao nhất của anh tại giải thưởng Trần Hữu Trang. Trong hai năm, Lê Trung Thảo lên ý tưởng, tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và khi các tác giả quen đều quá bận rộn thì anh tự viết luôn kịch bản.
“Lần này đúng nghĩa là “tự biên tự diễn”. Mình viết, mình dựng, mình hát. Qua một quá trình, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn các kỹ năng để làm nghề lâu dài” - Lê Trung Thảo chia sẻ.
|
Lê Trung Thảo tận dụng thế mạnh về vũ đạo của mình trong tiết mục dự thi |
Với tiết mục Lưu vong, Lê Trung Thảo dự thi vai Lê Quýnh - cựu danh thần nhà Lê phò Lê Chiêu Thống sang đất Bắc cầu viện, phải sống lưu vong 16 năm trời. Tham khảo từ Bắc hành tùng ký của chính Lê Quýnh, Lưu vong thể hiện những tâm sự, trăn trở của một con người bị ràng buộc bởi quan niệm đạo đức trung quân nhưng vẫn ý thức được quốc gia dân tộc là trên hết. Biết bao ân hận, dằn vặt, Lê Quýnh chỉ có thể phản kháng, bày tỏ khí khái qua việc quyết liệt chống mệnh lệnh nhà Thanh phải cạo đầu tết tóc đuôi sam và thay y phục Mãn triều.
|
Với khả năng "tự biên tự diễn", Lê Trung Thảo tiếp tục đào sâu các kỹ năng trên bước đường làm nghề của mình |
Qua Lưu vong, Lê Trung Thảo đã phát huy được các thế mạnh của mình là vũ đạo đẹp mắt, mảng miếng dàn dựng sinh động làm nổi bật thần thái nhân vật và diễn xuất điềm tĩnh, có chiều sâu. Quan trọng hơn, qua tiết mục ngắn gọn với đầy đủ lớp lang, cao trào, bài bản phong phú, có thể nói, Lê Trung Thảo đã khai phá thêm cho mình một tiềm năng mới: viết kịch bản cải lương.
Trong bối cảnh kịch bản sân khấu thiếu hụt trầm trọng thì việc nghệ sĩ tự trau dồi để có thể tự sáng tác, phát triển đa dạng kỹ năng là điều rất đáng mừng, cần khuyến khích.
Cũng trong đêm thi, một thí sinh khác cũng rất nổi bật là Nguyễn Minh Trường. Gần 10 năm mới trở lại dự thi giải Trần Hữu Trang, Minh Trường đang bước vào độ chín của nghề nghiệp. Quá trình rèn luyện liên tục trên sàn diễn chuyên nghiệp, đủ các vai lớn nhỏ đã giúp anh khẳng định vị thế một diễn viên đa dạng, giàu nội lực.
|
Chọn dự thi thể loại "kép lão" không phải sở trường, cuộc thi như cơ hội để Minh Trường thử thách chính bản thân |
Dự thi vai Trần Thặng trong trích đoạn Kẻ sĩ Thăng Long (kịch bản: Nguyễn Khắc Phục, chuyển thể cải lương: NSƯT Nhật Minh, dàn dựng: NSƯT Hoa Hạ), Minh Trường phát huy được giọng ca hào sảng của mình trong vai một võ tướng, đồng thời lôi cuốn người xem bởi các lớp diễn cao trào liên tiếp. Những xung đột nội tâm mãnh liệt của nhân vật - một trung thần phải mang tiếng hèn nhát để ẩn nhẫn chờ thời, một người cha thương con phải tỏ ra tuyệt tình vì đại nghiệp - được Minh Trường thể hiện khá trọn vẹn, làm khán giả hồi hộp lẫn xúc động.
|
Những tình huống cao trào liên tiếp tạo kịch tính cho tiết mục và giúp người nghệ sĩ thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc |
Vốn sở trường không phải là “kép lão”, Minh Trường cho biết đã nỗ lực nhiều để điều chỉnh cách ca thoại và nhịp độ diễn xuất cho phù hợp. Cuộc thi lần này với anh cũng là một cuộc chơi mà ở đó anh có thể học hỏi và hoàn thiện bản thân.
Đêm thi cũng có thêm màu sắc khi nghệ sĩ Đông Hồ kết hợp nhiều mảng miếng và âm nhạc hát bội vào phần dự thi của mình qua vai An Dương Vương trong trích đoạn Chiếc áo thiên nga (kịch bản: Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, dàn dựng: NSƯT Xuân Quan). Là nghệ sĩ hát bội kỳ cựu nhưng lại yêu thích cải lương từ nhỏ, cuộc thi lần này như một cơ hội để Đông Hồ thử sức ở loại hình nghệ thuật mình yêu thích.
|
Tiết mục dự thi kết hợp cải lương với hát bội của nghệ sĩ Đông Hồ |
Nghệ sĩ Hà Như cũng đã rất nỗ lực và đầu tư kỹ lưỡng cho vai diễn Đoàn Thị (trích đoạn Hồi xuân dược). Hà Như cũng là thí sinh duy nhất chọn dự thi thể loại “đào độc” ở cuộc thi năm nay.
|
Đoàn Thị của Hồi xuân dược (kịch bản: Hữu Lộc - Kha Tuấn - Diệp Vàm Cỏ, dàn dựng: NSƯT Kim Phương) là vai diễn yêu thích của nghệ sĩ Hà Như, chị mong muốn thể hiện vai diễn này trên sân khấu đã lâu |
Ngoài ra, phần dự thi của các nghệ sĩ Hải Long và Vĩnh Sơn cũng đã nhận được sự cổ vũ của khán giả khi thể hiện được sự tâm huyết với nghề, dù bao gian khó vẫn nỗ lực giữ gìn nghệ thuật truyền thống dân tộc.
|
Nghệ sĩ Hải Long (Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) dự thi vai kép lão Cao Lỗ, trích đoạn Oan khuất (tác giả: Phạm Văn Đằng, dàn dựng: Nhà giáo ưu tú Diệu Đức) |
|
Nghệ sĩ Vĩnh Sơn đến từ Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) dự thi vai kép lão Lý Huệ Tông, trích đoạn Thái sư Trần Thủ Độ (tác giả, dàn dựng: Quốc Khánh) |
Đông A