Khi người già không thể yên tâm nghỉ ngơi

16/05/2024 - 06:27

PNO - Tận dụng mạng lưới tàu điện ngầm rộng khắp và miễn phí cho những người từ 65 tuổi trở lên ở Seoul, Hàn Quốc, ông Cho Sung-whoi chọn cho mình công việc giao hàng, chuyển phát nhanh ở tuổi 71.

Có thêm thu nhập và lấp thời gian trống

Hằng ngày, ông Cho đi theo lộ trình do ứng dụng trên điện thoại di động hướng dẫn để đến địa chỉ giao hàng. Sau khi gửi bưu kiện, ông quay lại văn phòng và chuẩn bị cho lần giao hàng kế tiếp. Ông tiết lộ: “Nếu làm việc cả ngày, tôi nhận được khoảng 40.000 won (30 USD). Tôi có thể xin nghỉ bất cứ khi nào tôi muốn. Ưu điểm lớn nhất của công việc này là sự tự do”.

Ông Hu Dexi đang làm việc tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Nguồn ảnh: Reuters
Ông Hu Dexi đang làm việc tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Nguồn ảnh: Reuters

Số liệu thống kê cho thấy, gần 40% người Hàn Quốc trên 65 tuổi sống dưới mức nghèo. Do vậy, khoảng 1/4 người từ 70 tuổi trở lên ở xứ sở kim chi chọn làm một số công việc yêu cầu tay nghề thấp, với mức thu nhập ít hơn 110 USD/tháng. Ngoài ra, làm việc cũng là cách để họ lấp đầy thời gian trống.
Nhóm người từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 19% trong tổng dân số gần 52 triệu người của Hàn Quốc.

Do xu hướng già hóa dân số nhanh chóng và tỉ lệ sinh thấp, đến năm 2050, nhóm nhân khẩu học này có thể chiếm tới 44%. Khi tuổi thọ trung bình tăng lên, nhiều lo ngại cho rằng người già sẽ sống một thời gian dài hơn sau khi nghỉ hưu mà không có đủ thu nhập để trang trải cuộc sống. Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết, chính phủ sẽ thúc đẩy, tạo thêm việc làm cho người cao tuổi đồng thời cam kết tăng lương hưu.

Bà Kim Nan-hyang - một phụ nữ làm nội trợ gần như cả đời - cho biết: “Sau khi nuôi con rồi chăm cháu, tôi cảm thấy ngột ngạt như bị chôn sâu vào đất. Tôi nhận ra rằng mình cần tham gia vào cộng đồng”. Người phụ nữ 69 tuổi này đã đến Trung tâm Hỗ trợ việc làm người cao tuổi Seoul do chính quyền thành phố thành lập để tìm một công việc phù hợp. Bà Kim chia sẻ: “Nếu tôi có thể thực hiện một số hoạt động phục vụ xã hội đồng thời có thu nhập, tôi nghĩ cuộc sống của mình sẽ bổ ích hơn. Nó sẽ mang lại cho tôi cảm giác tự hào. Tôi cũng đang nghĩ đến việc khởi nghiệp”.

Không lệ thuộc vào con cái, lương hưu

Ở Trung Quốc, ông Hu Dexi (67 tuổi) và vợ đã chuyển từ TP Tây An đến vùng ngoại ô Bắc Kinh khi bước vào tuổi xế chiều. Họ thức dậy lúc 4g sáng mỗi ngày và di chuyển hơn 1 giờ đồng hồ để tới một trung tâm mua sắm làm công việc quét dọn. Nếu không làm một việc gì đó ở thành phố, khoảng 100 triệu người ở tuổi nghỉ hưu, chỉ có thể trở về làng, canh tác trang trại nhỏ và sống nhờ vào khoản lương hưu hằng tháng là 123 NDT.

  Hình 2: Ông Wu Yonghou (58 tuổi) đang chất bìa các tông lên xe tải tại một trạm tái chế ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (ẢNH: REUTERS)
Ông Wu Yonghou (58 tuổi) đang chất bìa các tông lên xe tải tại một trạm tái chế ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (ẢNH: REUTERS)

Ông Hu thổ lộ: “Không ai có thể chăm sóc chúng tôi. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho 2 đứa con và xã hội cũng không thể chu cấp đủ cho chúng tôi”.

Tiến sĩ Yi Fuxian - nhà nhân khẩu học tại Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ) - nhận định: “Ngày càng có nhiều lao động quay trở lại nông thôn và một số đang làm những công việc lương thấp. Đây là cách họ tự cứu mình”. Nếu những người di cư này chỉ dựa vào lương hưu cơ bản ở vùng nông thôn Trung Quốc, họ sẽ sống dưới mức nghèo theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (3,65 USD/ngày).

Thống kê mới nhất của Trung Quốc cho thấy, có khoảng 94 triệu người lao động thuộc nhóm trên 60 tuổi vào năm 2022, chiếm khoảng 12,8% trong số 734 triệu lao động ở nước này. Theo bài viết vào tháng 10/2023 của ông Cai Fang - cựu Cố vấn ngân hàng trung ương và hiện là chuyên gia kinh tế tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh (CASS) - hơn 16% cư dân nông thôn trên 60 tuổi đang có cuộc sống “không khỏe mạnh”, cao hơn nhiều so với mức 9,9% ở thành thị.

Bà Yang Chengrong (60 tuổi) và người chồng Wu Yonghou (58 tuổi) dành cả ngày để thu thập hàng đống bìa cứng và nhựa cho một trạm tái chế ở Bắc Kinh. Bà Yang có vấn đề về tim, còn ông Wu bị bệnh gút, họ không đủ tiền điều trị. Vợ chồng bà lo ngại khoản thu nhập 4.000 NDT hằng tháng từ công việc này sẽ không bền vững vì “mọi người dần mua sắm tiết kiệm và bỏ ra ít rác hơn”. Bà Yang bộc bạch: “Chúng tôi làm việc rất vất vả, nhưng vẫn phải làm việc”. Ông Wu nói thêm rằng họ không dám nghỉ hưu: “Tôi chỉ cảm thấy yên tâm khi có việc làm, kể cả khi đó là công việc nhọc nhằn”.

Theo truyền thống ở Trung Quốc, con cái thường là người chăm sóc cha mẹ già. Nhưng hầu hết những người nghỉ hưu trong thập niên tới (khoảng 300 triệu người) chỉ có 1 con, do luật giới hạn sinh từ năm 1980-2015. Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao càng làm vấn đề thêm khó khăn. Tuy vậy, đối với một số người già, việc thanh niên “chê” các công việc lao động chân tay lại là điều may mắn đối với họ. Ông Hu giải thích: “Trung tâm thương mại không thể tìm được người quét dọn trẻ hơn. Vì vậy, chỉ cần tôi còn cử động được, tôi sẽ tiếp tục làm việc”.

Ngọc Hạ (theo Reuters, Straits Times, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI