Khi người già chọn sống một mình

05/12/2024 - 06:15

PNO - Ngay cả khi đối mặt với các vấn đề sức khỏe khiến cuộc sống tự lập trở nên khó khăn, gần một nửa số người già được hỏi vẫn cho biết, họ muốn ở lại ngôi nhà hiện tại của mình.

Số người già sống một mình ở Hàn Quốc, Nhật Bản… đang tăng nhanh  - Nguồn ảnh: Korea Herald
Số người già sống một mình ở Hàn Quốc, Nhật Bản… đang tăng nhanh - Nguồn ảnh: Korea Herald

Nghiên cứu có tên “Môi trường sống của người cao tuổi và nhận thức về cuộc sống của người cao tuổi năm 2023” do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện cho thấy: chỉ có 2,5% người cao tuổi sẵn sàng sống cùng con cái khi họ bệnh, phần lớn thích ở lại nhà hiện tại của mình. 87,2% người cao tuổi được hỏi cho biết họ muốn tiếp tục sống ở nơi đang sống; 8,1% muốn được chuyển đến những ngôi nhà có điều kiện sống tốt hơn và 4,7% ủng hộ nhà ở dành riêng cho người cao tuổi có cung cấp bữa ăn và các dịch vụ tiện lợi khác.

Những người từ 65 tuổi trở lên ở Hàn Quốc được xem là người cao tuổi. Ngay cả khi đối mặt với các vấn đề sức khỏe khiến cuộc sống tự lập trở nên khó khăn, gần một nửa số người già được hỏi vẫn cho biết, họ vẫn muốn ở lại ngôi nhà hiện tại của mình. Tổ chức Chăm sóc cho mọi người tại Hàn Quốc đã khảo sát gần 1.000 người dân trong độ tuổi từ 55-64, kết quả khoảng 30,2% số người được hỏi nói họ sẽ phải trải qua những ngày cuối đời một mình. Điều này đặc biệt cao ở những nhóm có thu nhập thấp.

Khoảng 89% người được hỏi nói họ tin rằng cần phải tự chịu trách nhiệm về bản thân khi về già chứ đó không phải là trách nhiệm của con cái. Ngược lại, trong khảo sát dành cho những người con có cha mẹ già, gần 30% người được hỏi cho biết họ đang sống với cha mẹ ruột, cha mẹ vợ/chồng vì các đấng sinh thành này cần được chăm sóc sức khỏe; 44% cho biết đang chu cấp khoảng 730.000 won (530 USD)/tháng cho cha mẹ.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và dân số Nhật Bản cho biết, đến năm 2050, quốc gia này có 10,8 triệu người cao tuổi sẽ sống một mình (20,6% hộ gia đình) so với 7,37 triệu người già (13,2% hộ gia đình) sống một mình vào năm 2020. Dự báo này được đưa ra khi giới trẻ Nhật Bản trì hoãn việc kết hôn hoặc chọn không sinh con, một phần vì không đủ khả năng chi trả kinh phí kết hôn và nuôi con.

Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số ngày càng trầm trọng. Dân số già ở Nhật ngày càng tăng, dẫn đến chi phí y tế và phúc lợi tăng cao, trong khi lực lượng lao động ngày càng giảm.
Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và dân số Nhật Bản cho biết, nhiều người cao tuổi hiện có con cái hoặc anh chị em và họ có thể được chăm sóc ngay cả khi sống một mình. “Tuy nhiên, 30 năm nữa, tỉ lệ hộ gia đình người già độc thân không có con cái, mất người thân dự kiến sẽ tăng, số anh chị em của mỗi cá nhân cũng sẽ giảm” - các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Ông Kim Yong-ik - Chủ tịch Tổ chức Chăm sóc cho mọi người Hàn Quốc - kêu gọi chính phủ các nước có những chính sách phù hợp với đặc điểm riêng và nhu cầu của người cao tuổi. Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc lưu ý tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường nhà ở cho người cao tuổi: “Điều quan trọng là nâng cao nhận thức của công chúng về việc cải tạo nhà ở để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Cải thiện điều kiện sống của họ có thể giúp ngăn ngừa tai nạn như té ngã và hỏa hoạn, đồng thời tăng sự thoải mái và tiện lợi chung của họ”.

Lệ Chi (theo Korea Herald, Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI