Mời bạn chia sẻ quan điểm, thông tin riêng và câu chuyện liên quan dịch viêm phổi do virus corona cùng Báo Phụ Nữ. Tin bài xin gửi tới email: online@baophunu.org.vn |
Hôm qua tôi có việc nên chạy xe máy ra một bến xe tư nhân, gửi vào bãi và bắt xe đò về quê ở Đồng Tháp. Tại bãi xe, tôi được bác lái xe hướng dẫn kéo khẩu trang xuống và nhìn thẳng vào camera như quy định thông thường. Điều bất thường ở đây là dù bác cho biết đã được vợ mua khẩu trang và bắt đeo, nhưng bác chỉ đeo "cho bả yên tâm".
Bác cũng quên một điều quan trọng: khi trao đổi hay nói chuyện với người khác mới là lúc khẩu trang đóng vai trò quan trọng nhất. Khi trao thẻ xe hay thu tiền của khách mới là lúc dịch hô hấp bắn ra và tấm khẩu trang đeo đúng cách mới phát huy được tác dụng ngăn chặn phần nào những vi khuẩn, virus từ người đối diện văng vào mình hay từ chính mình tán phát sang người đối diện.
Tương tự như thế, hôm trước, tại một siêu thị lớn ở Q.7, TP.HCM khi đi mua hàng tôi cũng bắt gặp lại hiện tượng này. Người bán và người mua đứng xếp hàng chỗ tính tiền đều dùng khẩu trang sử dụng tấm lá chắn rất lỏng lẻo, đa số kéo xuống cằm để nói chuyện rồi giữ yên vùng miệng và mũi thông thoáng như vậy.
Lên mạng, tôi cũng có cảm giác như nhiều người chưa hiểu rõ lắm về việc dùng khẩu trang thế nào cho hiệu quả và an toàn. Nhưng xem ra việc sử dụng sai cách chưa nguy hiểm bằng việc hiểu sai, thần thánh hóa chiếc khẩu trang. Đó cũng là một nguyên nhân khiến những tiệm thuốc tây tha hồ làm mưa làm gió với sản phẩm vốn rất rẻ này.
Sử dụng khẩu trang không đúng cách sẽ khiến bạn rước họa vào thân. Ảnh minh họa
Về Đồng Tháp, tôi gặp lại cô bạn cũ. Qua nhiều lần dịch bệnh khác, tôi thấy cô lo xa quá đáng và có vẻ thích... đón dịch. Mới phong thanh tin xuất hiện dịch virus corona cô đã ngày đêm "canh gác" các trang mạng xã hội để theo dõi diễn biến. Nghe người ta bảo khẩu trang có thể phòng chống dịch thế là cô gom mua đủ các loại và kiểu dáng về cho gia đình. Ai mách ở đâu có loại nào đắt tiền hay tốt là cô liền đặt mua.
Điều bi hài là chỉ vì vung tiền mua quá mức số lượng khẩu trang về mà cô bị chồng phàn nàn rồi đâm ra cự cãi. Cô bắt chồng ra đường là phải mang khẩu trang mà không phân biệt được đi chở khách (anh chồng có chiếc xe bốn bánh để chạy Grab) và đi ra đồng làm ruộng là khác xa nhau (nhà cô có cánh đồng canh tác rau hữu cơ).
Mùa này đồng trống mênh mông, nào có phân hay mùi thuốc trừ sâu gì, thế nhưng cô bạn cứ một mực bắt chồng phải đeo khẩu trang N95 (loại khẩu trang thường dùng trong những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, giá bán cả trăm ngàn đồng một chiếc). Cô nói anh chồng phải phòng vệ cho virus corona tự giác tránh xa.
Cô hoàn toàn quên mất việc phải khuyên chồng giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi và quan trọng hơn là thường xuyên luyện tập thể dục để cơ thể khỏe mạnh, nạp vào cơ thể nhiều vitamin có ích bằng cách sử dụng nhiều loại trái cây tươi tốt cho sức khỏe như cam, chanh, quýt, bưởi...
Vì hiểu sai vai trò của chiếc khẩu trang, nên mới có chuyện nhóm bạn tôi ở quê khi chạy xe vào quán ai cũng thít cho mình một chiếc khẩu trang thật kỹ, nhưng rồi khi ngồi xuống nói chuyện mặt sát mặt, họ lại hồn nhiên cởi bỏ chiếc khẩu trang trên bàn hoặc nhét vào túi quần, túi áo. Sau đó, khi chia tay họ lại cầm chính chiếc khẩu trang đáng lý chỉ sử dụng một lần để đeo lại.
Không ít người tin vào sự "thần thánh" của khẩu trang mà quên rằng có nhiều yếu tố quan trọng khác có thể khiến họ bị nhiễm bệnh
Dì Hương hàng xóm của mẹ tôi mấy hôm nay cũng nháo nhác tìm mua khẩu trang và bắt các con phải đeo khi đi làm, đi học. Dì nói rằng khẩu trang 3 lớp là "đồ bỏ", phải đeo khẩu trang "chuẩn 5 lớp" mới an toàn và sẵn sàng bỏ số tiền lớn ra mua khẩu trang của phường gian thương tranh thủ nâng giá cắt cổ.
Với các cháu chuẩn bị vào học, dì nói con gái cứ cho cháu ngoại đi học, chỉ cần bắt tụi nhỏ đeo khẩu trang là đủ. Đôi vợ chồng trẻ đang phân vân tìm cách nhờ bà giữ con hay bỏ tiền thuê người chăm trẻ để còn đi làm, thấy mẹ nói thế thì tiu ngỉu và không cách nào giải thích.
Gặp mẹ tôi, dì Hương cầm mấy cái khẩu trang hàng ngoại có giá cả triệu đồng do mấy người bạn ở nước ngoài gửi về huơ huơ: “Nếu chê khẩu trang trong nước mỏng manh, sợ không an toàn thì dùng mấy cái này cho đứa nhỏ để nó đi học. Vi khuẩn với virus gì gặp khẩu trang xịn sò thì cũng ớn hết”.
Dì Hương lớn tuổi nhưng sành điệu. Dì rất chăm lên mạng, chăm chơi Facebook. Nhưng có lẽ dì không đọc các bài viết của báo đài chính thống hay chuyên gia y tế. Để phòng dịch, ngoài đeo khẩu trang che miệng và che mũi nhằm hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh thì mỗi người nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (ít nhất 20 giây) hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người đang bị ho hoặc sốt. Việc đeo khẩu trang phải ôm sát, tránh còn khe hở và nhớ đeo đúng mặt trong - ngoài để phát huy tối đa tác dụng ngăn ngừa; tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang (chỉ cầm vào dây đeo) để tránh lây lan mầm bệnh; khẩu trang chỉ nên dùng một lần, xong nên bỏ vào sọt rác có nắp đậy...
Ảnh minh họa
Ngoài ra, người dùng nên nhớ điều quan trọng là siêu vi khuẩn lơ lửng trong không khí và có kích thước vô cùng nhỏ mà bằng mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy được. Kích thước đó nhỏ hơn rất nhiều lần khe hở của khẩu trang khi chúng ta thít lên mặt để đeo do đó cần phải có sự phối hợp đồng bộ để đảm bảo phần nào an toàn cho sức khỏe. Khẩu trang đơn giản chỉ là vật che chắn, ngăn bớt vi khuẩn phát tán khi bạn mặt đối mặt với ai đó chứ không phải là lá chắn vi diệu khiến virus corona... bật ra.
Vậy nhưng, không hề dễ mà tuyên truyền kiến thức cho các dì, các chị và ngay cả những anh bạn thanh niên bấm điện thoại nhoay nhoáy bạn tôi. Bởi đơn giản, ai cũng cho mình là sành thông tin, gì cũng biết, nắm rất chắc về dịch bệnh...
Trương Quốc Phong