Khi người chưa tiêm chủng trở thành nỗi lo

20/07/2021 - 06:29

PNO - Tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao như Mỹ, châu Âu, bộ phận dân cư chưa tiêm chủng đang là nhóm lây truyền bệnh nhanh nhất, dẫn đến mối lo ngại về tái bùng phát dịch trong cộng đồng.

Tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao như Mỹ, châu Âu, bộ phận dân cư chưa tiêm chủng đang là nhóm lây truyền bệnh nhanh nhất, dẫn đến mối lo ngại về tái bùng phát dịch trong cộng đồng.

Làn sóng lây nhiễm mới

Hai tuần sau lễ quốc khánh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đau đầu trước thực tế đáng lo ngại về số ca bệnh và tử vong do COVID-19 ngày càng tăng. Hôm 16/7, ông phát biểu: “Hãy nhìn xem, đại dịch duy nhất mà chúng ta đang đối mặt chính là sự lây nhiễm trong số những người chưa được tiêm chủng”. Các trường hợp nhiễm COVID-19 đã tăng gấp ba lần trong ba tuần qua tại Mỹ, với số người nhập viện và tử vong không ngừng leo thang ở những người chưa tiêm chủng. 

Làn sóng du lịch hè và việc dỡ bỏ những quy định hạn chế phòng dịch dường như là nguyên nhân dẫn đến số ca COVID-19 tăng nhanh ở nhóm dân cư chưa tiêm phòng - ẢNH: NY TIMES
Làn sóng du lịch hè và việc dỡ bỏ những quy định hạn chế phòng dịch dường như là nguyên nhân dẫn đến số ca COVID-19 tăng nhanh ở nhóm dân cư chưa tiêm phòng - Ảnh: NY Times

Đáng chú ý, nhiều người trẻ tuổi chưa tiêm chủng được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và đặt máy thở với số lượng đáng lo ngại. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, chưa đến 50% dân số Mỹ trong độ tuổi từ 18-39 được tiêm chủng đầy đủ. Con số này thậm chí còn thấp hơn đối với thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi.

Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), dự báo “điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra” khi biến thể Delta lan rộng. Tuy nhiên, Nhà trắng khó quay trở lại các biện pháp giãn cách và đeo khẩu trang bắt buộc vì 161 triệu người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ. 

Tại châu Âu, sự gia tăng các trường hợp COVID-19 trong nhóm những người trẻ chưa được tiêm chủng, làm dấy lên lo ngại rằng biến thể Delta có thể phá vỡ mùa hè yên bình hiện có. Tỷ lệ lây nhiễm của Tây Ban Nha trong nhóm 12-29 tuổi đã tăng đột biến trong tuần đầu của tháng Bảy, đặc biệt là ở điểm nóng du lịch của Catalonia và Barcelona.

José Luis Morales Rull, bác sĩ điều trị COVID-19 tại một bệnh viện lớn ở TP.Lleida, vùng Catalan, cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với làn sóng lây lan mới, nhưng tình hình khác với những đợt trước”. Đa số trường hợp lây nhiễm là ở những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng, ít có nguy cơ bị bệnh nặng. Nhiều người nhiễm bệnh do các chuyến đi nghỉ, lễ hội mùa hè và cuộc sống về đêm.

Ở Anh, nhiều chuyên gia y tế công cộng và nhà dịch tễ học cho rằng, quyết định dỡ bỏ tất cả hạn chế phòng dịch vào ngày 19/7 là khởi đầu cho thảm họa. Họ cảnh báo cách tiếp cận này của chính phủ Thủ tướng Boris Johnson khiến những người trẻ tuổi - được tiêm chủng một nửa hoặc hoàn toàn không thể chủng ngừa - đối mặt rủi ro từ triệu chứng COVID-19 kéo dài và biến thể Delta.

Tiêm chủng bắt buộc

Theo tiến sĩ Anthony S. Fauci - cố vấn hàng đầu của chính quyền Mỹ về đại dịch - nước này đang chia thành hai nhóm: đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng, với ranh giới khó xóa bỏ. Nhiều người Mỹ vẫn phản đối hoặc không có động cơ tiêm vắc-xin. Trước tình hình đó, hôm 13/7, một liên minh các tổ chức chăm sóc sức khỏe ở Mỹ đã kêu gọi các cơ sở y tế bắt buộc nhân viên phải tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Gregory Poland - giáo sư y khoa và các bệnh truyền nhiễm tại cơ sở Mayo Clinic ở bang Minnesota - nhận định: “Ý tưởng về tiêm chủng bắt buộc luôn gây tranh cãi tại một quốc gia tôn trọng quyền tự do cá nhân, nhưng vấn đề này cần được cân nhắc dựa trên phúc lợi tập thể”. Tương tự, hơn 570 trường đại học tại Mỹ hiện yêu cầu sinh viên phải chủng ngừa COVID-19 đầy đủ trước khi quay lại học kỳ mùa thu 2021.

Xu hướng bắt buộc tiêm chủng đối với bộ phận nhân viên tuyến đầu cũng được nhiều quốc gia khác áp dụng. Hôm 12/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra kế hoạch tiêm chủng cho toàn bộ nhân viên y tế. Ông thúc giục nhóm này tiêm chủng trước ngày 15/9, nếu không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Tổng thống nói thêm: “Tiêm chủng là vấn đề trách nhiệm cá nhân nhưng cũng là vấn đề tự do của cộng đồng”. 

Tương tự, Hy Lạp thông báo rằng tiêm phòng là yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên viện dưỡng lão và nhân viên y tế. Đầu năm 2021, Ý trở thành quốc gia thành viên đầu tiên bắt buộc chủng ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế, sau khi một số ổ dịch nhỏ được phát hiện tại các bệnh viện, nơi nhân viên từ chối tiêm vắc xin.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, việc tiêm chủng ở Đức vẫn mang tính tự nguyện, nhưng cảnh báo người dân rằng tỷ lệ tiêm chủng ở nước này cần cải thiện nếu muốn chính phủ dỡ bỏ các hạn chế xã hội. Riêng đảo quốc Malta quyết định đóng cửa biên giới từ ngày 14/7 đối với bất kỳ ai chưa được tiêm chủng đầy đủ. 

Linh La (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI