Chưa bao giờ có dịp nói chuyện nhiều với Tuấn, nên hôm nay chị nói to, rõ vào điện thoại: “Chị chỉ muốn biết em đã nói gì với Lam mà khiến nó khóc. Còn việc vợ chồng em cư xử với nhau hằng ngày thế nào, chị không muốn can thiệp. Tuy nhiên, nếu em gieo chiều chuộng em sẽ được ngọt ngào, em nghiêm khắc em sẽ nhận về sòng phẳng. Chị nghĩ trong lúc vợ ốm đau mà em còn hạch sách, cật vấn, đòi hỏi thái độ đúng mực từ cô ấy thì em sai quá sai rồi”.
Thực ra, nếu đúng như lý thuyết chị từng tham khảo trong những cuốn sách dạy giao tiếp thì để mọi chuyện tiến triển theo chiều hướng tốt hơn, em gái chị được chăm sóc tốt hơn, chị không nên lớn tiếng chỉ trích em rể. Cứ để cậu ta nhận ra cái sai và điều chỉnh dần dần, chị cần bỏ qua điểm chưa được, tập trung vào điểm mạnh mà động viên khích lệ. Tuy nhiên, chị không làm được như thế.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Lam - em gái chị - vừa sảy thai, mất máu rất nhiều. Sau khi nhận tin, chị sắp xếp vượt gần 200 cây số để có mặt tại bệnh viện. Nhìn em bệch bạc nằm thờ thẫn trên chiếc giường sắt trong căn phòng khoa sản, chị nhói đau. Cũng là phụ nữ, chị hiểu cảm giác mất đi núm ruột là như thế nào. Suốt buổi chiều đến tối, chị ngồi bên cạnh để an ủi, động viên em.
Nhà có 2 chị em gái. Chị lấy chồng xa quê, chồng chị chỉ là viên chức nhà nước với mức thu nhập thấp, anh cũng không có máu kinh doanh hay làm thêm gì. Tuấn - chồng Lam - lại khác. Năm 25 tuổi, từ miền Tây trở về miền Trung, Tuấn xách theo 1 vali tiền, bắt đầu gầy dựng sự nghiệp. Tuấn mở xưởng mộc, mua đất rừng trồng cao su, hợp tác làm trang trại ốc bươu, heo giống, gà thả vườn… Trên mảnh đất quê hương, nhắm gì có tiềm năng sinh lợi, Tuấn đều làm.
Chị vẫn không quên những câu nói mà dân làng kháo nhau năm đấy: “Thằng Tuấn nó trúng đậm quả gì trong miền Tây mà đem về lắm tiền thế. Sau này, cô nào lấy được nó thì phúc bảy đời. Nó giàu là một chuyện, nhưng nhìn nó rất ham làm, mạnh mẽ, chững chạc, biết lo toan”.
Chị cũng không ngờ, người có được “cái phúc bảy đời” ấy chính là em gái mình. Thế nhưng, sau 5 năm hôn nhân, chị nhận ra em gái mình hoàn toàn không có được hạnh phúc như lời thiên hạ dò đoán.
Nếu xét về khía cạnh kiếm tiền, quả thực Tuấn rất giỏi. Mới cưới 2 năm, Tuấn đã xây nhà, tậu xe; đất hồ, đất rừng không thiếu. Thế nhưng vì ham làm nên mọi chuyện khác Tuấn đều loại khỏi danh sách ưu tiên, kể cả Lam, người mà cậu từng dành nhiều thề hẹn.
|
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto |
Suốt mấy năm ở chung, Lam như cái bóng lầm lũi. Có lần Lam kể: “Tháng nào anh Tuấn cũng đưa về một xấp tiền lớn, thế nhưng đưa về rồi lại lấy đi. Anh bảo phải đầu tư tiền hàng, trả lương nhân công, mua thêm bất động sản… Em hoàn toàn không có quyền quyết định chi tiêu khoản gì. Anh Tuấn là kiểu người không to tiếng, không hung dữ, nhưng sẽ luôn làm theo ý mình, đối xử với người khác theo cách mà anh ấy cho là đúng”.
Lần này cũng vậy, mới 8 giờ tối, căn phòng gần chục giường bệnh trong khoa sản đã tắt đèn đi ngủ. Có lẽ khác với khoa khác, những mất mát và tổn thương ở chốn đây khá đặc biệt, từ người bệnh đến người nhà ai cũng mệt mỏi, đau lòng. Đèn vừa tắt thì Tuấn gọi, Lam nghe máy.
Qua chắp nối nội dung mấy câu trả lời nhát gừng và đầy hờn tủi của Lam, chị nắm sơ nội dung. Tuấn hỏi là cái thai đã trôi ra hết chưa? Cụ thể tình hình như thế nào để sáng mai cậu đến gặp bác sĩ, có động thái can thiệp nhằm chọn phương án dùng thủ thuật thích hợp.
Tuấn hỏi đi hỏi lại, nói thêm gì đó mà sau hơn 5 phút trò chuyện, ngắt máy thì Lam nức nở bật khóc.
Gặng mãi, Lam không kể hết đầu đuôi, tức khí chị bấm số gọi luôn cho Tuấn: “Em đã nói gì mà Lam khóc? Em có biết tâm lý hậu sản không ổn định, sẽ rất nguy hiểm cho người mẹ không? Nó vừa mất máu rất nhiều”.
“Em chẳng nói gì quá đáng. Em chỉ muốn nắm chính xác tình hình để mai đến gặp bác sĩ, bồi dưỡng họ một ít tiền, nhờ họ cho tiện. Em chỉ quan tâm và muốn điều tốt nhất cho Lam mà cô ấy cứ trả lời kiểu khinh khỉnh. Em luôn luôn làm điều đúng với vợ. Cô ấy khóc là do bản thân cô ấy chứ không phải do em. Phụ nữ mà cứ viện cớ ốm đau rồi chướng, nũng nịu này kia là mệt mỏi, phiền hà lắm!”.
Thêm vài câu qua lại, chị càng đau lòng hơn. Với Tuấn, trong cuộc sống, nếu có khó khăn, trục trặc, cậu chỉ muốn nhanh chóng tìm hướng giải quyết rồi bon bon đi tiếp. Trên hành trình ấy, không có sự dừng lại để chiều chuộng, tâm sự, thực sự lắng nghe nhau. Tuấn không hoan nghênh sự yếu đuối của vợ, thì làm sao cậu có thể thấu hiểu và bao dung được cho điều đó. Chính bản thân cậu quá mạnh mẽ, nên cậu không chấp nhận bà vợ ra vẻ cô đơn, muốn được nghỉ ngơi.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Tạo hóa vốn sinh ra đàn ông là phái mạnh. Nhưng sức mạnh ấy chỉ được công nhận trọn vẹn nhất khi nó được dùng để bảo bọc, bù đắp, bao dung cho sự yếu đuối của người phụ nữ. Vậy mới có câu, chỉ có kẻ mạnh mới dám sống bằng trái tim. Chị từng nghe người ta nói: “Đàn bà mạnh mẽ, hình như có gì đó sai sai, mà sai không ít. Đàn ông yếu đuối, hình như có gì đó đung đúng, mà lại đúng rất nhiều. Đàn ông mạnh mẽ 80%, yếu đuối 20%. Mà cái 20% này mới chính là điều tạo nên 1 người đàn ông chất lượng cao. Họ chất lượng vì họ cũng có lúc yếu đuối, họ đã thấm mệt vì dồn hết 80% sức mạnh kia để người phụ nữ bên cạnh mình không phải gồng lên, sống thật mạnh như mình”.
Hôm nay, sau vài ngày ở lại chăm sóc, sức khỏe của em gái dần ổn định, chị bắt xe trở về nhà. Xe vừa dừng trước bến, nhác thấy bóng chồng từ xa, chị đã cảm nhận được một luồng năng lượng bình yên và ấm áp. Những ngày qua, khi ở cự li gần với 1 người đàn ông mạnh mẽ, luôn nhận mình là đúng, chị thấy ngột ngạt bao nhiêu thì bây giờ chị thở phào, nhẹ nhõm bấy nhiêu.
Chồng chị không phải là người giỏi giang, cũng không nhiều tham vọng, nhưng anh đã dành cho chị thời gian, luôn ở lại cùng chị trong những quãng nghỉ của cuộc đời.
Anh rất ít khi tự nhận mình đúng hay luôn cư xử cơ bản, chuẩn mực này kia. Anh hay nói với chị: “Em mệt rồi, hãy nghỉ ngơi đi!”. Chị cũng nhận ra, người đàn ông mạnh mẽ là người mang lại sự an toàn cho vợ.
Minh Minh