Khi người cao tuổi thúc đẩy "nền kinh tế bạc" Hàn Quốc

05/10/2024 - 17:16

PNO - Hàng hóa và dịch vụ dành cho người cao tuổi đang là một trong những động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của "nền kinh tế bạc" tại Hàn Quốc.

Bà Choi Soon-hwa, 81 tuổi, là một đại diện cho người cao tuổi Hàn Quốc tham gia vào nền kinh tế bạc - Ảnh:  Ahn Seong-bok/Nikkei Asia
Bà Choi Soon-hwa, 81 tuổi, là một ví dụ điển hình của người cao tuổi tham gia vào "nền kinh tế bạc" ở Hàn Quốc - Ảnh: Ahn Seong-bok/Nikkei Asia

Một tháng trước ngày sinh nhật lần thứ 81 của mình, bà Choi Soon-hwa vẫn còn là gương mặt lạ lẫm của ngành kinh doanh mới nổi ở Hàn Quốc - được gọi tên là “nền kinh tế bạc" - với giá trị ước tính đạt hơn 120 tỷ USD vào năm 2030 trong bối cảnh tỷ suất sinh của nước này đang giảm mạnh.

Bà Choi đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để làm việc trong nhà máy, và sau đó làm điều dưỡng trong bệnh viện với mức thu nhập không đáng kể, trong khi phải nuôi dạy 2 đứa con và chăm sóc 3 đứa cháu nhỏ.

Mãi đến năm 72 tuổi, khi một bệnh nhân nói với bà Choi rằng, bà trông giống như một người mẫu, và nên bà quyết sải bước trên sàn diễn thời trang hơn là thay khăn trải giường trong bệnh viện.

Lời động viên này đã tiếp thêm động lực giúp bà Choi quyết định bước ra khỏi vùng an toàn để tham gia vào lĩnh vực mới là trở thành người mẫu thời trang, thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí thời trang và các buổi trình diễn trên khắp cả nước.

Thậm chí chỉ mới cách đây một tháng, bà đã ghi danh để trở thành thí sinh cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Hàn Quốc sau khi ban tổ chức không còn giới hạn độ tuổi tham gia cuộc thi sắc đẹp này.

Bà Choi tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Hàn Quốc tổ chức tháng 9/2024 - Ảnh:
Bà Choi tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Hàn Quốc tổ chức tháng 9/2024 - Ảnh: AP

Bà Choi là một ví dụ điển hình sống động cho nền kinh tế bạc đang phát triển mạnh mẻ ở Hàn Quốc khi nhiều doanh nghiệp ngày càng dành sự quan tâm phát triển hàng hóa và dịch vụ hướng đến nhóm khách hàng là người cao tuổi đang chiếm số đông trong cơ cấu dân số của quốc gia.

Theo dự đoán của bà Kim Young-sun, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ thuộc Đại học Kyunghee (Hàn Quốc), thị trường dành cho người cao tuổi sẽ đạt giá trị 168 ngàn tỷ won (128 tỷ USD) vào năm 2030, tăng gấp đôi so với 72,8 ngàn tỷ won năm 2020.

"Có thể thấy rằng, nền kinh tế bạc của Hàn Quốc có tiềm năng rất lớn. Thế nhưng so với các nước châu Á khác thì Hàn Quốc vẫn đang ở mức rất thấp” – bà Kim nhận xét với lưu ý, sự phát triển của thương mại tập trung vào người cao tuổi của Hàn Quốc đến nay đã tụt hậu so với các nước láng giềng.

Tập đoàn dịch vụ tài chính Trung Quốc Ping An ước tính, nền kinh tế bạc của Trung Quốc đạt giá trị khoảng 966 tỷ USD; trong khi đó, nền kinh tế bạc của Nhật Bản cũng sẽ tăng lên 1,1 ngàn tỷ USD vào năm 2030, theo dự báo của cơ quan nghiên cứu thị trường World Data Lab.

Bà Kim chỉ ra rằng, các hoạt động giải trí, du lịch, tư vấn pháp lý và tài chính, và đào tạo nghề cho người cao tuổi muốn học kỹ năng việc làm mới là những lĩnh vực tăng trưởng đầy tiềm năng trong nền kinh tế bạc.

"Có rất nhiều phụ nữ cao tuổi như bà Choi ở Hàn Quốc - những người đã dành tất cả tuổi thanh xuân của mình cho gia đình và con cái. Khi đến tuổi 60, họ không muốn mình trở thành những kẻ vô dụng” – bà Yang Seon-mook, chủ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi nói.

Người cao tuổi ngày càng tăng ở Hàn Quốc - Ảnh: Jiji/AP
Người cao tuổi ngày càng tăng ở Hàn Quốc - Ảnh: Jiji/AP

Theo Nikkei Asia, ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp chuyên phục vụ khách hàng là người cao tuổi xuất hiện ở Hàn Quốc trong những năm gần đây. Chẳng hạn như Athler, một nền tảng thời trang trực tuyến cho những quý ông lớn tuổi, hay nền tảng xã hội trực tuyến Onew chuyên cung cấp dịch vụ kết nối người cao tuổi có chung sở thích...

Cơ quan thống kê quốc gia Hàn Quốc dự đoán, người cao tuổi (những người từ 65 tuổi trở lên) sẽ chiếm 30,9% dân số cả nước vào năm 2036, và tăng lên 40% vào năm 2050.

Người cao tuổi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu dân số của Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh tỷ suất sinh của nước này đang sụt giảm mạnh. Vì vậy, đây là điều đáng quan tâm của các doanh nghiệp muốn thích ứng với xu hướng nhân khẩu học đầy thách thức như hiện nay.

Dịch vụ dành cho người cao tuổi được xem là thị trường màu mở cho các doanh nghiệp đầu tư - Ảnh: Yonhap
Dịch vụ dành cho người cao tuổi được xem là thị trường màu mở cho các doanh nghiệp đầu tư - Ảnh: Yonhap

Theo định nghĩa của Oxford Economics, nền kinh tế bạc bao gồm mọi hoạt động kinh tế liên quan đến tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của những người từ 50 tuổi trở lên, cũng như ảnh hưởng kinh tế mà việc tiêu dùng này tạo ra.

Khái niệm nền kinh tế bạc bắt nguồn từ thuật ngữ "thị trường bạc" xuất hiện ở Nhật Bản - quốc gia có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất ở những năm 1970 - để chỉ thị trường dành cho người cao tuổi tập trung vào các lĩnh vực đa dạng như y tế, ngân hàng, ô tô, năng lượng, nhà ở, viễn thông, giải trí và du lịch...

Nguyễn Thuận (theo Nikkei Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI