Vở kịch đầu tiên tôi xem Thành Lộc diễn là ở sàn diễn Trường Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Sau này mới biết đó là vở báo cáo tốt nghiệp của anh mà bạn tôi không biết có cơ duyên nào đó mà kiếm được vé.
|
Tạo hình Ác tiên Mắc Ma của NSƯT Thành Lộc trong chương trình "Ngày xửa ngày xưa" 34 - vở kịch thiếu nhi Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai. |
Khi mà IDECAF đã là sân khấu kịch nổi tiếng cả nước thì mỗi khi có dịp lưu trú vài ngày ở Sài Gòn tôi đều tranh thủ kiếm vé đi xem. Không phải lần nào cũng có thể mua được vé, nhưng nếu có tôi đều được thưởng thức kỹ năng diễn xuất tuyệt vời của Thành Lộc.
Như trong vở Cậu đồng chẳng hạn, khó có ai diễn được như anh khi người đóng vai cậu đồng phải biết hát, biết múa, biết kết hợp nhuần nhuyễn các mảng miếng trong hát bộ, tuồng cổ với kịch nói.
Còn trong vở Tiên Nga khán giả được xem sự tinh tế, hấp dẫn của nhạc vũ kịch, chưa từng được sân khấu nào dàn dựng như vậy. Ở IDECAF không chỉ có Thành Lộc, các diễn viên khác cũng thể hiện xuất sắc của mình, đón nhận những tràng vỗ tay kéo dài của khán giả. Và sau tất cả, những vở tôi xem tại IDECAF khán giả đều nán lại đứng lên, vỗ tay trước khi ra về như những quý ông, quý bà sang trọng biết thưởng thức nghệ thuật.
Nhiều người biết IDECAF là kết quả hợp tác thành công của 2 trụ cột: ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và nghệ sĩ Thành Lộc. Không có 1 trong 2 người không có sân khấu kịch nói IDECAF như hôm nay. Cứ lên mạng mà tra người ta sẽ biết rất nhiều điều về 2 nhân vật lừng lẫy này. Biết cả những khó khăn gian khổ mà họ đã từng trải qua, biết luôn những nỗ lực mà cả 2 người cùng góp sức để có sự thành công của sân khấu IDECAF nói riêng và sân khấu kịch xã hội hóa, góp phần tạo nên “cái gu” kịch nói Sài Gòn nói chung.
Gần đây người ta loáng thoáng nghe tin nghệ sĩ Thành Lộc rời IDECAF. Rồi điều khó tin đó đã được chính Thành Lộc xác nhận là sự thật. Nhiều người bàng hoàng tiếc nuối. Nhiều người rơi nước mắt khi xem vở diễn chia tay của Thành Lộc. Mọi người đều cố gắng suy đoán nguyên nhân.
Có người cho rằng ông Huỳnh Anh Tuấn mãi lo những sân khấu mới thành lập gần đây mà có chút bỏ bê IDECAF. Người khác lại cho rằng Thành Lộc có một bến đỗ mới, muốn tạo nên một sự nghiệp của riêng mình. Có những đồn đoán lý do cá nhân làm nảy sinh những sứt mẻ trong quan hệ cộng tác của họ.
Chắc hiện giờ không ai có thể biết rõ toàn bộ nguyên cớ, vì hai trụ cột của IDECAF đó đều là những người “quân tử”, sẽ không dễ gì tiết lộ sự thật, nếu sự thật đó có thể làm ảnh hưởng đến người từng “chung lưng đấu cật” một thời với mình.
Ở đời khái niệm bất biến lắm khi đồng nghĩa với trì trệ, nên chuyện hợp tan, tan hợp là lẽ thường tình, thậm chí có ý nghĩa tích cực.
Với sự ra đi của Thành Lộc, những khán giả từng yêu quý IDECAF hy vọng sẽ có một người kế thừa sự nghiệp của anh.
Và đối với Thành Lộc người hâm mộ mong muốn anh vẫn luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục bước trên con đường nghệ thuật mà anh đã chọn. Hơn thế nữa người ta còn mong Thành Lộc tiếp tục thành công trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở một sân khấu khác để cho khán giả có thêm lựa chọn khi muốn thưởng thức kịch nói Sài Gòn.
Nguyễn Thu Đăng