Khi nghệ sĩ 'kể chuyện đời tôi'...

28/10/2017 - 07:17

PNO - Gần đây có tự truyện của một số ca sĩ như Lâm Khánh Chi, Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy Linh, Hari Won. Không phủ nhận thực tế, những tự truyện của các nghệ sĩ luôn có sự thu hút nhất định trên thị trường sách.

“Ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng…”, bài hát này phải nghe với giọng ca của Giao Linh hay Giang Tử mới thấy hết cái sự não nề, thê thiết của nó. Bây giờ, một số sao trẻ cũng đang “hát” ca khúc này dưới dạng viết… tự truyện hoặc leo lên truyền hình kể lại… sau ánh hào quang. 

Khi nghe si 'ke chuyen doi toi'...
 

 Viết tự truyện nói nôm na là “vạch áo cho người xem lưng”, khá nhạy cảm. Chuyện tốt, chuyện vui kể lại đã đành; những chuyện buồn, chuyện mang tai tiếng mà kể lại trên từng trang sách để người ta săm soi, bàn tán, bình phẩm này nọ, tác giả chắc phải cân nhắc, chọn lựa “cầm lên đặt xuống” dữ lắm mới quyết định nên kể chuyện nào, nên kể tới đâu. Mà đâu phải ai cũng viết được, muốn viết là viết. 

Lại còn viết để in thành sách, xuất bản hẳn hoi. Phải nhờ người chấp bút chứ giỡn mặt bạn đọc đâu có được. Thực ra, tự truyện không dành độc quyền cho người nổi tiếng, nó giống như viết “nhật ký đời tôi” vậy, người nào thích thì làm. 

Kể chuyện bên Tây chút nè. Năm 2015, người hành khất Jean-Marie Roughol, 47 tuổi đã xuất bản cuốn tự truyện về cuộc đời ăn xin vạ vật, lây lất của mình suốt gần 30 năm trên khắp đường phố Paris hoa lệ. Sau đó Roughol trở nên… nổi tiếng. 

Người ta mua sách, đọc ông và viết thư cho ông, rồi mời ông đi ăn, tặng sô-cô-la, tặng hoa, tặng nhiều thứ khác nữa. Tiền nhuận bút nhận được, ông mua điện thoại thông minh, trả lời tin nhắn cho người hâm mộ, bận rộn suốt trên… phây-buc. 

Khi nghe si 'ke chuyen doi toi'...

Ông lên cả truyền hình trong một chương trình talkshow mang tên Roughol kể chuyện. Qua chương trình này, ông gặp lại anh em, bà con từ lâu tưởng mất dấu vĩnh viễn. Nhưng do đâu mà tự truyện của người hành khất được chú ý dữ vậy? Do một cái tên đứng đằng sau: Jean Louis Debré (cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp), là “bạn đường phố” của Roughol. 

Chính Debré “dụ khị” Roughol viết tự truyện về cuộc sống hành khất tử tế, đàng hoàng của ông, rồi Debré (khi ấy đã nghỉ hưu) dành thì giờ sửa lỗi chính tả, biên tập câu chữ cho Roughol. Tình bạn “thần thánh” giữa một vị cựu bộ trưởng với người hành khất cũng làm nên sức hút mạnh mẽ.

Cuốn tự truyện của người hành khất ăn khách kinh khủng với nội dung kể về thế giới những người lang thang, thất nghiệp không nhà cửa, có yêu thương đùm bọc giữa những người cùng khổ lẫn những cuộc chiến “hoang dã” để sinh tồn.

Còn tự truyện của sao bên mình có những gì trong đó? Theo công thức chung: thời nghèo khổ vất vả, chưa tên tuổi gì; chút ân oán, chút nghĩa tình với những người cùng môi trường hoạt động; những phấn đấu, nỗ lực của bản thân vượt qua “tai nạn nghề nghiệp” để thành… phượng hoàng; chút bóng tối và chút ánh sáng trong mơ ước vươn lên đỉnh cao sự nghiệp; những cuộc tình đi qua “đời tôi” tuy có màu sắc hạnh phúc ngọt ngào nhưng cũng nhiều trắc trở, nước mắt, đau thương, và… khờ dại.

Khi nghe si 'ke chuyen doi toi'...
 

Đôi khi trong lời kể có thêm sự tiếc nuối tình yêu cũ, có thêm hàm ý xin lỗi ai đó, thậm chí có cả sự dằn mặt “tao kể cho mày… chết”. Rồi, không đọng lại gì!

Gần đây có tự truyện của một số ca sĩ như Lâm Khánh Chi, Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy Linh, Hari Won. Không phủ nhận thực tế, những tự truyện của các nghệ sĩ luôn có sự thu hút nhất định trên thị trường sách. Nhưng, không phải vì vậy mà nghệ sĩ nào cũng nhào ra viết tự truyện.

Đời còn dài, bài còn nhiều mà. Viết cái gì, để lại dấu ấn gì, đó mới là điều quan trọng. Than nghèo kể khổ, chuyện tình tay ba, tay tư, rồi dèm pha, xúc xiểm… đó là chuyện bốn mùa của giới sô-bít, cần gì phải viết tự truyện hả trời!

  Mamarazzi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI