Trước khi có con tôi luôn nghĩ sẽ nuôi dạy con thành người giỏi giang, đọc sớm viết giỏi làm toán tốt ngay từ bé.
Nhưng khi bên con, tôi dần nhận ra điều quan trọng trước tiên là nuôi dưỡng lòng biết ơn, tình yêu thương cho con. Tôi tin rằng một em bé có lòng biết ơn, biết yêu thương sẽ tìm thấy niềm vui từ cuộc sống, lớn lên sẽ biết cảm thông và thấu hiểu với số phận của người khác.
Tình yêu thương là động lực to lớn để con vươn lên, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống ngay cả khi không có bố mẹ kề bên. Bởi thế, nuôi dưỡng lòng biết ơn sẽ giúp con lớn lên với nội tâm vững vàng và tự tin với bản thân mình.
Theo Tổ chức Character LAB - Tổ chức phi lợi nhuận Mỹ về việc nâng cao hiểu biết khoa học giúp trẻ phát triển - lòng biết ơn có hai dạng thức: Lòng biết ơn gắn liền với lợi ích (là trạng thái biết ơn khởi phát từ hành động trao tặng của một người khác dành cho trẻ), và lòng biết ơn tổng quát (xuất phát từ việc trẻ nhận thức được và đánh giá những gì có giá trị và ý nghĩa đối với bản thân).
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Nhiều khi người lớn chúng ta cũng hay quên nói cảm ơn, nên tôi thấy việc thực hành cùng con còn giúp bố mẹ chậm lại, để cảm nhận những niềm vui nho nhỏ ngoài những bộn bề, vội vã của cuộc sống. Khi con biết nói cảm ơn thì tôi cũng tin rằng, con sẽ biết cảm thông và biết lắng nghe hơn.
Vậy khi nào thì nói với con, và bắt đầu như thế nào?
Theo kinh nghiệm và những tìm hiểu của tôi trong suốt thời gian đồng hành cùng con, thì nên bắt đầu càng sớm càng tốt, bởi trí tò mò, ham hiểu biết của con đã luôn có ngay từ khi chưa đầy một tuổi.
Đầu tiên, trước khi nói về lòng biết ơn, hãy gợi mở và nuôi dưỡng khả năng quan sát của con từ mọi điều quanh con, từ cuộc sống, từ thiên nhiên. Đó có thể là chuyến xe buýt con thường được đi, là khi bố mẹ mua cho con một món đồ, hay làm cho con một món ăn ngon. Hoặc đó là tia nắng ngoài sân, làn gió mát đầu hè, hay ánh trăng sáng đêm rằm.
Ngay từ khi Bơ, con trai tôi, chưa đầy một tuổi, mỗi khi mua đồ ăn cho con chúng tôi thường giới thiệu: “Hôm nay bố/mẹ mua cho Bơ quả táo này, bố biết là Bơ rất thích ăn táo nên bố mua cho Bơ đấy, Bơ có thích không?”.
Hay khi cùng con đi dạo, tôi sẽ chỉ cho con về bầu trời, đám mây, về ông mặt trời tỏa ánh sáng cho con. Những hoạt động này vừa giúp phát triển ngôn ngữ, tăng vốn từ vựng, vừa khơi gợi trí tò mò của con về thế giới xung quanh.
Tiếp theo, chúng tôi cùng con thực hành lòng biết ơn. Khi Bơ hai tuổi, con đã có hứng thú và dần chú ý đến cuộc sống quanh con, ngôn ngữ của con cũng tốt hơn, chúng tôi cùng nhau thực hành nói lời cảm ơn, về những điều mà mỗi người thấy biết ơn hằng ngày. Cách làm của vợ chồng tôi với Bơ như sau: Cuối mỗi ngày cùng con trò chuyện và viết vào giấy note những điều con hoặc bố mẹ thấy cảm ơn trong ngày, hoặc cũng có thể là những điều khiến con vui.
Mỗi tờ giấy sẽ được dán lên tường mà chúng tôi gọi đó là “Bức tường của lòng biết ơn” để cùng đọc lại, ôn lại (bạn cũng có thể cho những mẩu giấy vào lọ và tạo nên chiếc Lọ biết ơn - Hộp biết ơn…). Có nhiều khi con chưa nhớ, hoặc chưa biết diễn đạt, bố mẹ có thể gợi ý cho con, vừa giúp phát triển khả năng ghi nhớ, vừa rèn luyện từ vựng cho con và kỹ năng mô tả cho con.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Ví dụ trong một tờ giấy chúng tôi có viết: Bơ cảm ơn bố đã nấu cơm cho Bơ ăn; hôm nay mẹ mệt, cảm ơn hai bố con đã nấu cơm, chơi vui để mẹ nghỉ ngơi; bố cảm ơn Bơ đã chơi ngoan để bố làm việc… Cứ thế dần dần, cùng nhau ôn lại những chuyện xảy ra trong ngày là hoạt động thường xuyên trước giờ đi ngủ ở nhà tôi.
Người ta vẫn nói “trẻ học từ những điều ta dạy, và cả những điều ta không dạy”. Chỉ gợi mở và thực hành sẽ không thể nuôi dưỡng lòng biết ơn cho con một cách tự nhiên, bởi cuộc sống có vô vàn những hành động tuy nhỏ mà đẹp, những điều hay vẫn diễn ra mỗi ngày.
Bước thứ ba trên hành trình nuôi dưỡng lòng biết ơn cho con chính là làm gương. Trẻ rất thích học theo, trẻ thích quan sát và hấp thụ rất nhiều từ người thân quanh con. Nên hãy để con được nghe bố mẹ nói cảm ơn, mọi lúc, mọi nơi có thể, rồi con cũng sẽ dần biết và nói theo. Ví như cảm ơn một cô giữ hộ cửa, cảm ơn khi ai đó cho/tặng đồ, khi phơi đồ thì cảm ơn máy giặt, nhận đồ thì cảm ơn người giao hàng, cảm ơn bác tài xế…
Trong hoạt động hằng ngày, chúng tôi cũng nói cảm ơn với con, khi con lấy đồ giúp mẹ, khi con thấy bố đau và xoa cho bố. Ngay cả một điều tưởng chừng hiển nhiên như việc con khỏe mạnh và vui tươi, mỗi giờ đi ngủ, tôi đều thủ thỉ với con: “Mẹ cảm ơn Bơ đã luôn mạnh khỏe và bình an, cảm ơn em đã luôn chơi vui cùng mẹ”. Có khi tôi cảm ơn con vì đã là con của bố mẹ, nhờ con mà mẹ học thêm được nhiều điều. Hoạt động này vừa giúp gắn kết với con, vừa để con biết con được yêu thương ngần nào, rồi con cũng sẽ lan tỏa niềm thương đó tới em con sau này, hay tới những người xung quanh con.
|
Bơ thường xuyên được ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên ngay từ bé |
Đến bây giờ, Bơ biết cảm ơn khi bố gọt trái cây cho con, cảm ơn khi được nhận quà, khi mẹ mua sách mới, hay khi nhận lì xì ngày tết. Con cũng thường nói “cảm ơn ông mặt trời đã chiếu sáng cho Bơ” mỗi khi thấy ánh nắng.
Khi con dần quen thì đến lượt con lại là người nhắc/nói hộ bố mẹ, vì trẻ học theo và ghi nhớ rất nhanh. Mới đây thôi khi Bơ hơn hai tuổi, có lần tôi đang vừa bế con vừa xách đồ xuống xe buýt thì nghe con nói “cảm ơn bác tài xế” mà chính tôi cũng quên mất. Con biết nói như thế là bởi đó là câu tôi vẫn thường nói mỗi lần xuống xe.
Tôi tin khi con chú ý tới những niềm vui nho nhỏ đó, con cũng thêm yêu cuộc sống, sống tự tin, tích cực và ý nghĩa hơn.
Nguyễn Huyền