Kính chào chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em vừa mới cưới nhau tròn được 2 năm. Tụi em chung sống được một thời gian ngắn thì biết rằng chúng em hiếm muộn. Trong thời gian điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, chồng em còn hút thuốc, cà phê, bia rượu. Điều này cũng khiến tâm lý em trở nên cáu gắt và cằn nhằn từ nếp sống, giờ giấc uống thuốc, sau đó thì đúng là em cũng không đón được tin vui từ con cái.
|
Ảnh minh họa |
Trải qua 2 lần điều trị, tinh thần em suy sụp, sức khoẻ em cũng giảm xuống đôi chút, ước mơ được làm mẹ của em sao mà nó xa vời quá... Áp lực từ phía bên chồng, những lời trách móc từ mọi người và nhất là ông chồng khiến em bất lực. Em thật sự là không biết có nên tiếp tục sống chung và cố gắng điều trị tiếp hay không? Cả hai vợ chồng em đều bị hiếm muộn, em phải tốn tiền bạc, thời gian và đau đớn thể xác mà cuối cùng chỉ nhận lại là lời chỉ trích đau đớn.
Gia đình em bây giờ ai cũng đều khuyên em đi làm lại, lấy lại tinh thần, tìm kiếm hạnh phúc mới. Mọi người cho rằng ông chồng em bướng bỉnh, cố chấp quá! E là em phải chịu khổ cả đời với một người như vậy.
Chị Hạnh Dung ơi, chị tư vấn giúp em làm sao có thể trở nên tâm an bình, chồng em chịu thay đổi để chúng em mới đón tin vui con cái. Em cám ơn chị
Bùi Thị Diệu Hòa
Em Diệu Hòa thân mến,
Để chuyện tìm kiếm con bằng con đường thụ tinh nhân tao, phải có sự đồng lòng, chung sức, quyết tâm rất cao của cả hai vợ chồng, chứ không thể một người cố gắng, còn người kia thì mặc kệ, cứ sống theo cách sống của mình, lại không có được lời động viên, chỉ cằn nhằn hay trách móc.
Chồng em nếu không hiểu được điều này thì con đường tìm kiếm con của các em còn gian nan. Nhất là, với lối sống này, nếu may mắn mà có kết quả thì cũng ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Nên lời khuyên của mọi người về việc dừng lại, đi làm và lấy lại tinh thần là đúng đắn.
Không có gì cứu giúp tinh thần của chúng ta tốt bằng công việc. Công việc mang đến cho người ta sự tự tin bản thân mình, tự tin dựa vào chính mình, là chính mình và yêu chính mình. Công việc giúp đầu óc bận rộn một cách tích cực, không nghĩ lung tung, nghĩ vẩn vơ những chuyện làm mình mệt mỏi, sa sút tinh thần.
Nhưng còn vế tìm kiếm hạnh phúc mới thì chị nghĩ em nên từ từ. Trong lúc mọi thứ còn rối ren, buồn khổ, hoang mang, mình chẳng nên đi tìm kiếm điều gì. Kết quả nhận lại của kiếm tìm đó thường là sẽ không chính xác, mang tính hên xui nhiều lắm em. Vả lại, chồng còn đó, các mối quan hệ còn đó. Chưa giải quyết chuyện này, sao đã có thể nghĩ đến chuyện khác. Em sẽ từ là người có lý, trở thành người mắc lỗi với chồng, gia đình và cả xã hội.
Vậy thì, điều em cần làm bây giờ là trả lời thêm hỏi chị: làm sao để lấy lại được an bình và giúp chồng thay đổi. Để chồng thay đổi thì lại phải trở ngược lại từ đầu: chính em cũng cần thay đổi cách sống, làm sao để bản thân mình trở nên tích cực, mạnh mẽ, em mới đủ sức kéo được chồng theo mình.
Làm sao để tâm an bình? Câu này có vẻ vừa khó lại vừa dễ. Bởi cái tâm an bình đó nằm bên trong mình, phụ thuộc vào mình, nhưng có khi rất bất trị, còn bất trị hơn cả người ngoài, bởi vì chính mình là người nuông chiều nó, tha thứ cho nó, bỏ qua cho nó.
Mỗi người trong hạn nạn, khổ đau của mình sẽ có một cách tìm đến sự bình an. Người dựa vào những tác động bên ngoài, từ bạn bè, gia đình hay từ những bài kinh kệ, đức tin, tập thiền, tập yoga, chọn một lối sống khác, ví dụ như giup đỡ người khác, làm việc thiện...
Không thể nói rõ được điều gì sẽ mang đến cho mình sự bình an, nếu em không thử mọi cách. Điều quan trọng là sống và nghĩ tích cực, mở lòng với mọi con đường, mọi cách với quyết tâm: Mình phải khác đi thì mới có thể có hạnh phúc. Rồi một lúc nào đó, từ những cánh cửa em đã mở, sự bình an sẽ tự bước vào. Thậm chí, ngay khi em xác định được điều mình muốn và cần làm, sự bình an cũng đã bước đến.
Trò chuyện khuyên răn tỉ tê vẫn cứ là cách để làm ai đó nhìn ra là họ đang sai. Có thể em nói rằng em đã trò chuyện, nhưng không ăn thua. Nhưng riêng trò chuyện lại cùng có những cách khác nhau, em hãy thử thay đổi các cách tiếp cận chồng. Ông bà mình nói rằng "Nói phải, củ cải cũng nghe", vậy thì hãy kiên trì với chồng, để anh ấy nhìn thấy sự thay đổi tích cực, sự tin tưởng vào bản thân của em, thậm chí cả sự hy vọng tìm thấy ở anh ấy nguồn động viên, hỗ trợ.
Có thể nhờ cả đến sự tác động của người thân, bạn bè, có điều phải hết sức khéo léo, đừng để chạm tự ái chồng, thành ra tác dụng ngược.
Sau khi đã cố gắng hết mọi cách, mà chồng còn "thua cái củ cải" thì em hãy tính tới khả năng buông bỏ, để đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng mọi việc cũng cần được rõ ràng, minh bạch, đàng hoàng. Biết cố gắng nắm giữ đến lúc như thế nào và biết buông lúc nào cho đúng cũng là một cách để có được sức mạnh tinh thần mà bình an và hạnh phúc đó em.
Chị Hạnh Dung