Khi nào nên phẫu thuật thành bụng để có dáng mi-nhon?

07/09/2021 - 10:46

PNO - Vòng hai “xập xệ”, quá khổ là nỗi ám ảnh, tự ti của nhiều chị em sau sinh nở. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải ai, ở thời điểm nào cũng được chỉ định để can thiệp “dao kéo” giúp lấy lại vóc dáng mơ ước.

Sau khi sinh con hai năm, dù cân nặng đã trở về mức bình thường nhưng chị L.T.H. (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) vẫn vô cùng ái ngại khi đi ra ngoài vì vòng hai bùng nhùng, không thể phối đồ như ý muốn. Được bạn bè mách có thể hút mỡ, tạo hình thành bụng song chị lại lo sợ sau khi phẫu thuật một thời gian, mỡ sẽ quay trở lại như trước nếu không tập luyện vất vả, kiêng khem ngặt nghèo. 

Theo các chuyên gia, sau khi phẫu thuật, nếu giữ chế độ ăn cân bằng, mỡ thừa sẽ không quay trở lại như nhiều người lo lắng
Theo các chuyên gia, sau khi phẫu thuật, nếu giữ chế độ ăn cân bằng, mỡ thừa sẽ không quay trở lại như nhiều người lo lắng

Giải đáp thắc mắc này, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật Bệnh viện E, cho hay mỡ thừa ở thành bụng được xem là loại mỡ “cứng đầu” để loại ra khỏi cơ thể và cũng là trăn trở của nhiều chị em, đặc biệt là sau sinh.

Hiện có ba phương pháp phổ biến để giúp vòng hai trở nên thon gọn gồm: hút mỡ, tạo hình thành bụng mini (hút mỡ, cắt da thừa vùng bụng dưới) và tạo hình bụng toàn phần. Theo đó, phương pháp hút mỡ thường áp dụng với người có vòng hai thừa mỡ nhưng không thừa da. Thực tế, với những trường hợp này, chuyên gia vẫn khuyến cáo nên tăng cường tập luyện thể dục thể thao, kết hợp chế độ ăn uống phù hợp mà không cần can thiệp thẩm mỹ.

Với cơ thể vừa thừa mỡ, vừa thừa da như nhiều phụ nữ sau sinh, mà nguyên nhân là do da bị kéo giãn suốt chín tháng mang thai thì đây là một vấn đề “nan giải”. “Nếu lượng da thừa nhiều, không thể giải quyết được bằng cách tập luyện thì phải phẫu thuật cắt bỏ da thừa để có lại vóc dáng như trước. Không chỉ phụ nữ sau sinh mà vấn đề này cũng gặp ở người bị béo phì sau khi giảm cân”, bác sĩ Nguyễn Đình Minh cho hay.

Dù vậy, vị chuyên gia thẩm mỹ này cũng lưu ý, không phải bất cứ ai cũng có thể chỉ định để phẫu thuật bằng các phương pháp trên. Cụ thể, các bác sĩ sẽ phải đánh giá toàn trạng, thậm chí có sự kết hợp với các chuyên gia về dinh dưỡng. “Các trường hợp được chỉ định phải đảm bảo việc thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đạt cân nặng ổn định, ít nhất là không tăng cân trong vòng ba tháng trước phẫu thuật. Đây là nguyên tắc để việc phẫu thuật, hút mỡ đạt được hiệu quả”, Trưởng khoa Phẫu thuật Bệnh viện E phân tích. 

Cũng chính vì lý do này, theo chuyên gia, sau khi phẫu thuật, nếu tiếp tục giữ chế độ ăn cân bằng, mỡ thừa sẽ không quay trở lại như nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Đình Minh cũng lưu ý, nhiều trường hợp chủ quan, nghĩ rằng cơ thể đã “về chuẩn” nên ăn uống thả ga thì tình trạng thừa cân, tích mỡ sẽ quay trở lại. 

Các chuyên gia khuyến cáo, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn uống giàu chất đạm và a-xít amin để cơ thể khỏe mạnh, nhanh hồi phục. Bên cạnh đó, nên hạn chế đồ chiên, đồ ngọt, nước uống có gas và tinh bột. Sau khi phẫu thuật từ 5 - 7 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục và đi làm trở lại hoặc đi bộ, vận động nhẹ nhàng. Sau một tháng, bệnh nhân mới nên tập thể dục, yoga để đảm bảo không ảnh hưởng, tác động lên vết thương quá sớm. 

Hơn 10 triệu đồng/ca phẫu thuật thành bụng

Rất nhiều người lo lắng, liệu sau khi phẫu thuật có để lại sẹo, gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ? Các chuyên gia cho hay, với hút mỡ bụng, mọi thao tác được thực hiện thông qua vết nội soi rất nhỏ, chỉ 2 - 3mm nhưng với phẫu thuật thành bụng mini và phẫu thuật thành bụng toàn phần thì vết mổ sẽ dài hơn vết mổ đẻ, tuy nhiên, vết mổ này nằm ở vùng bụng dưới kín đáo nên vẫn đảm bảo được tối ưu tính thẩm mỹ.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh cũng khẳng định, tại cơ sở y tế có chuyên ngành thẩm mỹ uy tín, việc tạo hình vòng bụng không phải là phẫu thuật khó và luôn đảm bảo an toàn. Hiện nay, phẫu thuật thành bụng có mức giá từ hơn 10 triệu đồng/ca, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Huyền Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI