Khi nào khởi nghiệp thì phù hợp?

29/09/2024 - 17:34

PNO - Vài năm trở lại đây, cụm từ “khởi nghiệp” trở nên thông dụng, đa phần dành cho các bạn trẻ bắt đầu tự lập và kinh doanh với đam mê của mình.

Mấy năm vừa qua, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa, hàng loạt người lao động rơi vào cảnh mất việc. Những câu chuyện kinh doanh riêng, khởi nghiệp lại lần nữa được gợi lên...

Chị K.T (40 tuổi) mất việc vào đầu năm 2023, khi công ty rơi vào khó khăn, nhân sự cắt giảm dần và giải thể. Tuổi của chị và mức lương chị mong muốn sẽ không phù hợp, bởi không thuộc “định mức” nhân sự doanh nghiệp yêu cầu, đa phần từ 30 tuổi trở xuống... Vậy nên sau 1 tháng thất nghiệp, chị loay hoay đến stress.

Trao đổi với một người bạn - người vừa đi làm vừa điều hành một doanh nghiệp nhỏ - cô bạn khuyên chị nên... khởi nghiệp.

Chị ngần ngại vì không định hướng được sẽ buôn bán gì. Vốn liếng bao nhiêu năm đi làm cũng không bao nhiêu. Người bạn nhận ra rằng chị có các mối quan hệ tốt và chị rất hay giới thiệu người này người kia cho bạn bè. Thay vì vậy, chị hãy chọn một lĩnh vực và bắt đầu từ đó.

Chị K.T chia sẻ, nhờ sự động viên của người bạn và hỗ trợ giai đoạn đầu trong việc "gối đầu" khi lấy sản phẩm, chị đã có một cửa hàng bán túi xách, quà tặng nho nhỏ tại nhà.

Công việc không quá bận rộn nhưng chị xây dựng được mối quan hệ xã hội, cách giao tiếp với mọi người khiến cuộc sống đỡ nhàm chán, tinh thần phấn chấn hơn rất nhiều sau thời gian nghỉ việc.

Chị đút kết được rằng, khởi nghiệp không chỉ dành cho giới trẻ, sinh viên... mà bất cứ khi nào mình đủ tự tin để dấn thân vào việc kinh doanh.

Khởi nghiệp với niềm đam mê và niềm tin. (Anh minh họa)
Khởi nghiệp bằng đam mê và niềm tin (ảnh minh họa)

Mang một tinh thần trẻ và đam mê kinh doanh, cô gái N.N. (25 tuổi) lại có góc nhìn quyết đoán: Lúc vừa ra trường tìm việc, N đã "chân trong chân ngoài" (có nghĩa vừa đi làm thêm) vừa buôn bán phụ kiện thời trang. Đây là lĩnh vực N. thích từ thời đi học.

Ngoài một shop nhỏ bán online, sau 2 năm tích cóp khi đi làm N. thuê một căn nhà nhỏ trong hẻm để bán offline và nhờ người trông coi. N. điều hành mọi thứ từ xa với sự hỗ trợ của cô em gái. Dần dần N. kết hợp bán thêm quần áo, giày dép... “Cơ ngơi” mở rộng và được nhiều khách hàng biết đến hơn.

Huyền Hân (40 tuổi) cho biết, cô đi làm để có đồng lương cố định nhưng không thể nuôi sống mình mãi. Khởi nghiệp giúp bạn vừa có thời gian lo cho ba mẹ, lo chuyện gia đình, chứ không thể mỗi làn có việc là xin phép nghỉ làm. Hân chính thức khởi nghiệp từ năm 32 tuổi bằng cách mở 1 trang web và tự vận hành, nhưng đó chỉ là thử nghiệm để chuẩn bị cho dự án lớn hơn: tham vọng trở thành một trong những nhà cung cấp bánh kẹo lớn nhất Việt Nam.

Năm 2021, Hân bắt đầu thực hiện một cửa hàng bánh kẹo nhỏ, rồi dịch COVID-19 đến, người cộng sự mất khiến Hân hụt hẫng và mất thăng bằng. Sau đó Hân xin việc đi làm trở lại, nhưng vẫn cảm thấy không muốn bị gò ép trong khuôn khổ của việc làm thuê nên quyết định khởi nghiệp một lần nữa với một thương hiệu Việt.

Lần khởi nghiệp này được sự hậu thuẫn lớn của một công ty lớn. Phải mất đến 4 tháng trầy trật, Hân mới có hợp đồng lớn đầu tiên. Đến giờ, Hân tạm thấy ổn định trong lần khởi nghiệp này, nhưng là nền tảng để đặt mục tiêu mới. Sau nhiều lần bước chân vào khởi nghiệp, Hân rút ra cho mình một điều: Khi khởi nghiệp, vốn đầu tư, mối quan hệ và niềm tin là những yếu tố không thể thiếu. Trong đó, mối quan hệ được ưu tiên hàng đầu vì khi có mối quan hệ tốt, mình sẽ được hỗ trợ rất nhiều, kể cả vốn.

Khi khởi nghiệp, mối quan hệ đóng một vai trò rất quan trọng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Khi khởi nghiệp, mối quan hệ đóng một vai trò rất quan trọng (ảnh do nhân vật cung cấp)

Một nghịch lý khi khởi nghiệp thường buộc chúng ta đối mặt: Trước đây, khi đi làm công, bạn nghĩ khởi nghiệp và làm chủ cho phép bạn thích nghỉ lúc nào thì nghỉ, đi chơi lúc nào thì đi chơi, ngủ lúc nào là ngủ... Nhưng khi đã khởi nghiệp bạn sẽ hiểu, mệt mỏi, bệnh tật bạn cũng không dám nghỉ, bởi rất nhiều thứ cần mình giải quyết, phải vừa học vừa làm, và hướng dẫn các công sự... Đi làm công thì mong đến hết giờ để về, còn làm chủ là hết giờ chứ không hết việc.

Tương tự trường hợp của Hân, anh N.Đ (44 tuổi) cũng cho biết anh đã cùng bạn bè đã lập 4 doanh nghiệp, và cũng lần lượt giải thể, hiện chỉ còn một doanh nghiệp đang hoạt động tốt.

Theo anh, việc khởi nghiệp để chủ động được nguồn tài chính của mình. Đồng tiền xoay vòng sẽ linh hoạt hơn để chúng đứng yên rồi tiêu xài thì suốt đời... “bán chất xám cho tư bản”.

“Nếu có thất nghiệp thì tự đứng trên “đôi chân” doanh nghiệp của bản thân để tồn tại, không thấy nhàm chán. Ai cũng có gánh nặng gia đình, nên buộc phải dư giả để phòng khi cha mẹ hay con cái gặp chuyện. Khởi nghiệp là cơ hội để mình bắt đầu thử sức trong mọi vị trí: vừa là lính vừa là sếp, vừa kế toán, vừa thu mua vừa thủ quỹ và quản lý nhân sự... Ở trường, không ai dạy chúng ta một lúc nhiều kỹ năng như vậy, chỉ khi bản thân dám dấn thân và thực hiện mới có thể học được nhiều thứ vậy thôi”.

Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI