Khi nàng Cám không còn lười biếng, độc ác

26/07/2020 - 15:57

PNO - Các em thiếu nhi được tiếp cận với hình ảnh nàng Cám mới mẻ cùng những bài học bổ ích thông qua những tình tiết, nhân vật được biến tấu so với truyện gốc.

Sáng 26/7, chương trình nghệ thuật sân khấu thiếu nhi Mùa hè của em diễn ra tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang do Sở VH-TT TPHCM kết hợp với các nhà hát trên địa bàn thực hiện. Qua hơn 90 phút, các em được thưởng thức nghệ thuật và học nhiều bài học bổ ích.

Đây là chương trình được tổ chức khá sớm để phục vụ cho các em trong mùa hè khá ngắn ngủi năm nay. Từ sáng sớm các bé từ 3-13 tuổi đã được phụ huynh đưa đến địa điểm biểu diễn để xem rối và tham gia các trò chơi dân gian có thưởng. Chương trình nghệ thuật nối tiếp sau đó đưa các em về với những câu chuyện cổ xưa nhưng cũng mang nhiều giá trị ở hiện tại. Chuyến du hành về quá khứ được dẫn dắt bởi Trạng Tí và nhóm bạn thân lém lỉnh, hài hước.

Xuất hiện với bộ trang phục màu hồng ngọt ngào, duyên dáng cùng chiếc giỏ bắt cá, nữ nghệ sĩ Trúc Phương gây bất ngờ cho các em thiếu nhi khi giới thiệu mình là nàng Cám. Điều này trái ngược với suy nghĩ của trẻ thơ bởi hình ảnh xinh đẹp này thường gắn với nhân vật nàng Tấm.

Nghệ sĩ Trúc Phương (áo hồng) vào vai nàng Cám hiện đại siêng năng, hoà đồng
Nghệ sĩ Trúc Phương (áo hồng) vào vai nàng Cám hiện đại siêng năng, hoà đồng

Không chỉ xinh đẹp, nàng Cám trên sân khấu còn siêng năng khi chăm chỉ bắt cá, giúp mẹ làm việc đồng áng và sống rất chan hoà, được mọi người xung quanh yêu thương. Hình mẫu này khác hẳn với nhân vật nàng Cám thường được kể trong chuyện cổ tích khiến các em thích thú theo dõi. Những mảng miếng hài hước, duyên dáng càng giúp nàng Cám ghi điểm với khán giả nhí.

Do mải mê vui chơi, đùa nghịch cùng bạn bè, nàng đánh rơi giỏ cá. Ông Bụt vẫn hiện lên để giúp đỡ nhưng chỉ giúp nàng có lại đúng số cá ban đầu. Khi nàng Cám mong ước có cá đầy giỏ, ông Bụt nói chỉ khi lao động mới được hưởng thành quả xứng đáng.

Trạng Tí cũng cầu mong có được kết quả học tập tốt nhưng ông cũng không giúp, ông dặn dò phải về nhà chăm chỉ học hành mới có thể đạt được điều mong muốn. Vẫn là những nhân vật quen thuộc nhưng được kể bằng những câu chuyện mới mẻ hơn, mỗi tiết mục, mỗi câu chuyện là một bài học nhỏ, nhưng mang nhiều ý nghĩa với khán giả nhí.

Ông Bụt không giúp các nhân vật như trong truyện cổ tích mà chỉ cho họ phương pháp để đạt được điều họ mong muốn
Ông Bụt không giúp các nhân vật như trong truyện cổ tích mà chỉ  hướng dẫn phương pháp để đạt được điều các bé mong muốn
Các em thiếu nhi cùng phụ huynh chăm chỉ theo dõi các tiết mục
Các em thiếu nhi cùng phụ huynh chăm chỉ theo dõi các tiết mục

Với tinh thần vừa chơi vừa học, các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM tái hiện trích đoạn Trần Quốc Toản và lá cờ thêu 6 chữ vàng bằng góc nhìn và cách thể hiện phù hợp với trẻ thơ. Kiến thức quen thuộc nhưng được thể hiện trong diện mạo mới giúp các em cảm thấy thích thú. Tuy nhiên, với những em còn quá nhỏ, phần biểu diễn này vẫn khá khó để lĩnh hội, phải nhờ sự hỗ trợ giải thích từ phụ huynh, người phụ trách.

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM thể hiện trích đoạn về Trần Quốc Toản
Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM thể hiện trích đoạn về Trần Quốc Toản

Trích đoạn Trần Quốc Toản và lá cờ thêu 6 chữ vàng:

 

Gió lộng cờ lau với sự tham gia của NSƯT Tú Sương, bé Kim Thư, bé Hồng Quyên, bé Tú Quyên... đưa các bé trở về với những năm tháng tuổi thơ đầy thú vị của Đinh Bộ Lĩnh. Tiết mục kết hợp hài hoà giữa cải lương với nghệ thuật xiếc hiện đại. Không chỉ là câu chuyện quen thuộc, Gió lộng cờ lau còn đưa khán giả nhí trở về với niềm vui tuổi thơ ngày xưa thông qua những trò chơi dân gian như: đá gà, kéo co, đô vật... hay sự háo hức khi được trẩy hội làng. Những điều này có thể đã khá xa lạ với trẻ em hiện tại nhưng vẫn có sức hấp dẫn bởi sự mộc mạc, chân chất được thể hiện trong một diện mạo tươi trẻ.

Trích đoạn Gió lộng cờ lau kết hợp giữa truyền thống và hiện đại khiến các em thích thú
Trích đoạn Gió lộng cờ lau kết hợp giữa truyền thống và hiện đại khiến các em thích thú

NSƯT Tú Sương hát trong trích đoạn Gió lộng cờ lau:

 

 

Những trò chơi dân gian và nghệ thuật xiếc trong trích đoạn:

 

 

Buổi diễn kéo dài 90 phút, nghệ sĩ kéo khán giả cùng tham gia, thông qua màn kéo co cần sức mạnh đồng đội, cùng học bài bản cơ bản của cải lương có thưởng, hay những màn hò reo đồng thanh thể hiện khí thế hào hùng... Phần giao lưu âm nhạc giữa các tiết mục cũng khiến các bé cảm thấy hào hứng.

Các em thiếu nhi học bài Long hổ hội:

 

 

BTC cho biết chương trình sẽ được tổ chức biểu diễn thường xuyên để phục vụ các em trong mùa hè này. Lịch diễn chính thức sẽ được thông báo vào tuần sau.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI