Khi nam giới là nạn nhân của bạo lực gia đình

20/05/2022 - 06:27

PNO - Mới đây, một người đàn ông ở Trung Quốc đã tố giác việc mình liên tục bị vợ tấn công và quấy rối. Sau khi tòa án đồng ý ban hành lệnh bảo vệ người chồng, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra về chủ đề nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới.

 

Nam giới cũng rất có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình, tuy nhiên vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức
Nam giới cũng rất có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình, tuy nhiên vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức

Chồng bị vợ bạo hành

Vào tháng trước, người đàn ông họ Li (sống tại TP.Bắc Hải, khu tự trị Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc) đã nộp đơn thỉnh cầu cơ quan chức năng ban hành lệnh bảo vệ ông khỏi hành vi bạo lực thể xác do người vợ họ Bai gây ra. Theo đơn, ông khá lo lắng cho sự an toàn của bản thân vì đã bị vợ bạo hành trong một thời gian dài. Từ lúc kết hôn năm 1997, cặp đôi đã có mối quan hệ không tốt đẹp. Suốt hai thập niên qua, ông Li bị vợ tấn công liên tục, ngoài ra bà còn theo dõi và quấy rối, thậm chí ông chồng này đã từng bị vợ cắn.

Không thể chịu đựng nổi nữa, người đàn ông 49 tuổi quyết định làm đơn tố cáo sự việc với cảnh sát địa phương. Sau khi thu thập các bằng chứng, cảnh sát đã đề nghị ông cần thêm sự can thiệp hỗ trợ từ các cơ quan tư pháp. Lập tức tòa đã ra phán quyết áp dụng các biện pháp bảo vệ ngay trong ngày ông Li nộp đơn. Tin tức vụ việc được đưa lên Weibo đã khơi mào cho cuộc tranh luận về bạo lực gia đình, đặc biệt là quyền của các nạn nhân nam, điều hiếm khi được bàn luận ở Trung Quốc. Một người dùng mạng xã hội tự xưng là giáo viên viết: “Tôi rất ủng hộ việc thành lập một ủy ban bảo vệ quyền hợp pháp của những người đàn ông đã kết hôn”.

Tuy nhiên, một số người khác lại tìm cách đổ lỗi cho nam nạn nhân bằng các định kiến về vai trò giới. Một luật sư có trụ sở tại Quảng Châu nói rằng các nạn nhân là nam giới thường tự che giấu vấn đề của mình do quan niệm cổ hủ của xã hội về bạo lực gia đình và giới. “Tỷ lệ bạo hành gia đình do phụ nữ gây ra ít hơn so với nam giới, nhưng điều đó không có nghĩa là không tồn tại nạn nhân nam. Xã hội chúng ta rất dễ nghiêng về sự sai trái của đàn ông khi có bạo lực gia đình, ngay cả khi anh ta là nạn nhân. Tuy nhiên, bất luận nạn nhân là nam hay nữ, thì tình trạng bạo lực gia đình phải bị ngăn chặn và trừng phạt”, vị luật sư này nói.

Ai cũng có thể là nạn nhân 

Tại Anh, một người mẹ có con trai bị vợ sát hại cho rằng tình trạng nam giới bị bạo hành trong gia đình thường bị “ngó lơ”. Simon Gilchrist mới 23 tuổi khi bị vợ là Caroline Mawhood đâm chết tại căn hộ của họ ở York hồi năm 2004. Mẹ anh - bà Jose Linnane - cho biết trước đó, các dấu hiệu cho thấy con trai bà là nạn nhân của bạo lực gia đình đã không được mọi người quan tâm nhiều vì yếu tố giới. Sau cái chết của con, bà Linnane hiện đang cộng tác với cảnh sát trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này.

“Có những dấu hiệu như tia lửa thoáng qua. Điện thoại của nó liên tục reo và nó không dám gặp bạn bè. Sau đó thì nó bắt đầu trầm cảm. Tôi từng phát hiện một vài vết hằn trên mặt con. Thấy không ổn, tôi hỏi nhưng nó gạt đi. Tôi tin rằng vì Simon là nam nên đã không được mọi người xung quanh quan tâm nhiều về tình trạng của mình”, bà Linnane mô tả. Bà cho biết thêm, nếu một cô con gái nhận được mười mấy cuộc điện thoại/ngày, chắc chắn cha mẹ, bạn bè sẽ bắt đầu quan tâm. Nhưng với một người đàn ông, vấn đề sẽ được cho là bình thường.

Thanh tra Clare Crossan tại Bắc Yorkshire cảnh báo: “Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có phụ nữ mới là nạn nhân. Bất kỳ ai cũng có thể bị bạo hành gia đình không phân biệt giới tính, giai cấp, thành phần xã hội”. Theo bà, bạo lực gia đình có thể là hành vi tấn công thể xác, nhưng cũng có thể là hành vi kiểm soát hoặc ép buộc người khác. Bà nói tiếp: “Nếu bạn cảm thấy lo lắng về một thành viên gia đình hoặc một người bạn nào đó có dấu hiệu cảnh báo thì xin đừng xem là bình thường. Hãy trò chuyện ngay với họ chứ đừng đứng ngoài cuộc”.

Tổ chức từ thiện Respect - đơn vị điều hành đường dây tư vấn chuyên trợ giúp các nạn nhân nam giới bị bạo hành gia đình - cho biết, các cuộc gọi đã gia tăng đáng kể trong năm qua. Nếu như năm 2019 họ nhận được 22.323 cuộc gọi thì năm 2021, đã có hơn 32.600 cuộc gọi. Ippo Panteloudakis - một chuyên viên của tổ chức trên - cho hay, điều đáng lo là vẫn còn sự kỳ thị xung quanh việc bị bạo hành đối với nam giới. Vì thế nạn nhân rất sợ bị chế giễu, cười nhạo và không được tin tưởng khi phản ánh vấn đề của mình.

Nam Anh (theo SCMP, BBC)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI