PNO - Các thanh thép được đóng trực tiếp lên gạch tháp cổ ngàn tuổi để treo những tấm biển quảng bá du lịch. Hành vi ngang nhiên xâm hại di tích ấy, mỉa mai thay, lại được thực hiện bởi cán dao “đao phủ” của người làm văn hóa.
Khi câu chuyện hạ giải nhà thờ Bùi Chu chưa kịp nguội thì ở tỉnh Bình Định, Phú Yên, bất chấp Luật Di sản văn hóa, người ta vẫn ngang nhiên khoan gạch, bắt vít, gắn chữ lên tháp Chăm ngàn năm tuổi để… quảng bá du lịch. Đáng nói, việc làm “vô văn hóa” này lại do những người đang công tác trong ngành văn hóa thực hiện.
Cận cảnh những thanh thép khoan thẳng vào tháp Chăm ở Bình Định
Cụm di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước) là một trong những cụm tháp có niên đại sớm (cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII) và cũng là quần thể còn nhiều tháp nhất (bốn tháp) trong các di tích kiến trúc Chăm ở Bình Định; được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1982; gần đây được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm, được đưa vào tập sách 1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời của nhóm tác giả người Anh. Tháp Đôi ở phường Đống Đa (TP.Quy Nhơn) là công trình kiến trúc Chăm cổ, được xây dựng cuối thế kỷ XII, kết cấu hai khối liền kề. Tháp lớn cao 20m, tháp nhỏ thấp hơn một chút. Năm 1980, Tháp Đôi được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Tháp Nhạn (TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) xây dựng vào khoảng thế kỷ X - XIII. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, cao gần 23,5m, được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1988.
Nếu có hiểu biết về di sản, ai cũng phải biết, di tích lịch sử - văn hóa là loại tài nguyên không thể tái sinh, không thể thay thế, nên về mặt nguyên tắc, không được hủy hoại, không được làm ảnh hưởng đến giá trị, tính xác thực, yếu tố gốc cấu thành di tích, tính toàn vẹn của di sản; cần thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Di sản văn hóa về các khu vực bảo vệ của di tích. Thế nhưng, ở đây, các thanh thép đã được đóng thẳng, trực tiếp lên gạch tháp cổ ngàn tuổi để treo những tấm biển quảng bá du lịch. Hành vi ngang nhiên xâm hại di tích ấy, mỉa mai thay, lại được thực hiện bởi cán dao “đao phủ” của người làm văn hóa.
Trước cơn giận dữ của dư luận, ngày 6/5, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định đã buộc phải tháo dỡ hệ thống sắt thép khoan đục vào Tháp Đôi (ở P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn) và Tháp Bánh Ít (ở xã Phước Lộc, H.Tuy Phước). Được biết, hai tháp này do Bảo tàng tỉnh Bình Định quản lý. Cho tới chiều 7/5, tấm biển “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận/Chào Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện” cắm vào tháp Nhạn (TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn còn ngang nhiên thách thức dư luận, chưa được dỡ bỏ. Thậm chí, có người còn đặt dấu hỏi: có hay không sự “phá hoại” mang tính hệ thống đối với hệ thống tháp Chăm, trải dọc các tỉnh Nam Trung bộ?
Tháp Nhạn (Phú Yên) nhìn từ xa
“Mục đích của anh em là treo biển để quảng bá giá trị di tích, giới thiệu điểm đến du lịch, có nơi để du khách chụp ảnh. Anh em làm công tác quản lý di tích nên biết giá trị của di tích chứ không cố ý xâm hại đâu. Nhưng gắn trên tháp cổ như thế thì không phù hợp, phải tìm điểm nào phù hợp để gắn lại. Chúng tôi tiếp thu ý kiến phản ánh, đồng thời phê bình, chấn chỉnh ngay, để bảo vệ giá trị di tích” là cách ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định trả lời báo chí trước vụ việc này. Giá như ông không nói gì còn hơn! Bởi lẽ, sẽ chẳng có ai hiểu giá trị di sản, hiểu về công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà lại cho công nhân khoan tháp cổ ngàn tuổi, gắn đinh, bắt vít như thế cả. Hay tư duy làm văn hóa, làm du lịch của những người làm văn hóa… chỉ đến đó mà thôi? Vậy, ở vị trí những người trực tiếp quản lý hoạt động văn hóa tại địa phương, các ông thật cũng khiến người ta nghi ngại về trình độ.
Lâu nay, ở ta, khi xảy ra sự vụ nào đó, giới quan chức vẫn thường có phản ứng khá điển hình là “tiếp thu ý kiến”, “rút kinh nghiệm”, “phê bình, chấn chỉnh” một cách chung chung, qua loa cho có lệ. Đến bao giờ các ông mới gọi tên đúng sự vật, hiện tượng, gọi tên đúng trách nhiệm của mình? Không phải ở đâu và cũng chẳng phải lúc nào người ta cũng giải quyết được một cách hài hòa giữa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Trong không ít vụ, sự “xung đột” thường kết thúc với thắng lợi của phe phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, trước sự biến mất của hàng loạt công trình văn hóa lưu dấu thời gian, lịch sử, các chuyên gia trên thế giới đã cảnh báo về tình trạng phát triển không bền vững, mà văn hóa là một phần trong toàn cảnh đó; về sự “tăng trưởng nóng” cũng như lợi nhuận trước mắt, để lại mối đe dọa với di sản và phát triển văn hóa nói chung.
Hiện nay, xu hướng bảo tồn di sản trên thế giới đã có rất nhiều thay đổi. Phát triển bền vững được ưu tiên, nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển của đời sống kinh tế - xã hội mà không làm tổn hại đến di sản. Thế nhưng, nhiều vụ việc ở nước ta cho thấy, di sản - văn hóa đang trở thành “con gà đẻ trứng vàng” để ngành du lịch “bóc lột” một cách tràn lan, vô ý thức và thiếu kiểm soát. Trong khi nhiều cán bộ làm văn hóa đi lên từ hoạt động phong trào, đoàn đội là chính, khi sự hiểu biết về di sản - văn hóa còn nhiều hạn chế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại ở quá xa, sự phá hoại, mất mát không thể cứu vãn chỉ còn là vấn đề thời gian và mức độ. Câu chuyện tháp Chăm ở Bình Định, Phú Yên… là hậu quả của việc giao di sản văn hóa cho những người làm văn hóa mà “vô văn hóa”. Nói nghe có phần nặng lời, nhưng không oan.
Một góc tháp Po Sah Inư
“Chính quyền còn thế, nói gì dân”
Rất nhiều sự cố đã xảy ra xung quanh việc trùng tu và khai thác di tích tháp Chăm: tô trét xi-măng lên tường gạch tháp cổ, trùng tu thiếu hiểu biết dẫn đến hư mất dáng vẻ kiến trúc cổ kính, chế biến gạch sai quy cách lẫn kỹ thuật... Ngay chi tiết đơn sơ nhất như chiều cao bức tượng ở trung tâm kalan (đền/tháp), khi ban trùng tu nâng tượng lên ngang đầu người, tưởng thích hợp cho việc cúng vái, nhưng lại khiến nhiều du khách hiểu biết sững sờ. Tại sao? Bởi vì người Chăm, khi lạy tượng thần, thường nằm rạp xuống, mở mắt ra là họ nhìn thấy ngay thần Yang trước mặt mình; còn nâng tượng theo cách mới, họ chỉ thấy đế tượng chứ không thấy thần linh ở đâu. Vậy ta lấy tộc nào làm trung tâm để trùng tu, trong khi chủ nhân của kiến trúc tôn giáo này chính là người Chăm. Người Chăm mỗi lần lên tháp Po Inư Nagar ở Nha Trang cúng tế là mỗi lần thấy khó xử và nghe đau lòng.
Tại di tích tháp Po Sah Inư ở Bình Thuận, ngôi chùa thờ Phật được xây ngay sát tường gạch tháp, chiếm cả không gian cổ kính của đồi tháp, mất hết vẻ mỹ quan thiêng liêng. Còn ở tháp Pô Rômê tỉnh Ninh Thuận, sau khi trùng tu năm 2009, nguyên một bức tượng mặt phía Bắc kalan bị đánh cắp mà không ai phát hiện. Chỉ khi người dân Chăm kêu thì ban quản lý khu tháp mới biết, còn việc ai có trách nhiệm truy tìm thì… chưa biết. Ngoài ra, do thiếu hiểu biết về văn hóa, dù ý định tôn tạo ban đầu là tốt, nhưng kết quả lại thành thô kệch. Có nơi, sự thiếu hiểu biết còn trở thành phá hoại, xâm phạm văn hóa. Việc gắn bảng hiệu “Điểm đến du lịch” vừa qua là rất điển hình.
Cơ quan nhà nước gắn bảng to đùng lên tường tháp Chăm được thì việc dân chúng trèo lên thành tháp chơi chỉ là chuyện nhỏ. Chẳng trách sao đại bộ phận du khách Việt Nam lên tháp Chăm không làm gì khác ngoài hóng mát, mang ít đồ ăn nhấm nháp, tán gẫu và chụp ảnh đăng Fcebook, để cho mọi người biết mình đã tới đó, với ai đó; trong khi nếu có tìm hiểu thì sẽ biết, tháp Chăm chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử và nghệ thuật. Người làm văn hóa du lịch mà hành động như vậy thì lấy ai giáo dục quần chúng tiếp cận đúng với giá trị tinh thần của một di sản văn hóa? Là một người con Chăm, tôi nghĩ, chỉ khi thấu hiểu được tinh thần văn hóa của một dân tộc, ta mới có thể chấp nhận sự khác biệt, để từ đó sống với nhau hòa ái và yêu thương.