PNO - Trước dịch COVID-19, đa số bệnh nhân đến bệnh viện khi đã có triệu chứng, biểu hiện rõ ràng về bệnh tật, nhưng thời gian qua nhiều người biết “lắng nghe sức khỏe mình” để khám bệnh sớm hơn, từ đó, việc hợp tác điều trị cũng dễ dàng hơn.
Gần đến lượt vào chụp X-quang phổi tại Bệnh viện Thống Nhất, anh Đặng Hữu Trung (37 tuổi, ở Q.11, TPHCM) thấp thỏm chờ vợ và cha ruột đang đi đo điện tim chưa trở lại. Anh cho biết, cha anh bị hở van tim, huyết áp, thường đi khám định kỳ mỗi ba tháng.
Người có nhu cầu tầm soát sức khỏe xếp hàng chờ ở trước các khoa khám bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất - Ảnh: Phạm An
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, việc khám bệnh của cha anh Trung thưa dần. Đầu tháng 7/2021, dịch bệnh vào cao điểm, gia đình không đưa cha đi khám nữa mà chỉ mua thuốc theo toa trước đó cho cha uống. “Trước tết, dù các bệnh viện đã quay trở lại khám bệnh thông thường nhưng cha tôi nhiều bệnh nền nên gia đình cứ chần chừ. Nay, cha có dấu hiệu suy thận cần phải đưa đến bệnh viện. Sẵn đó, tôi và vợ cũng khám tổng quát để xem có bệnh gì, chữa ngay, nếu có lỡ trở thành F0 cũng sẽ đỡ hơn”, anh Trung nói.
Sẵn dịp đi khám định kỳ hằng tháng để kiểm soát huyết áp, tiểu đường tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bà Nguyễn Thị Khanh (64 tuổi, ở TP.Thủ Đức) đăng ký khám thêm tại Đơn vị Tầm soát và phát hiện sớm ung thư của bệnh viện. Bà cho biết, cách đây ba tháng bà đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, qua khám sức khỏe trước tiêm, huyết áp của bà luôn cao hơn 200mmHg. Bà được bác sĩ cho thuốc uống để kiểm soát. “Mặc dù tôi chưa mắc COVID-19, ở nhà cẩn thận hết mức, tuy nhiên dịch bệnh khó biết trước được nên đi khám sức khỏe để biết mình có bị thêm bệnh gì không, nhất là ung thư thì nếu bản thân dương tính, bác sĩ cũng sẽ sớm có hướng điều trị hơn”, bà Khanh nói.
Đến Khoa Hóa trị ung thư, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tái khám sau COVID-19, chị Nguyễn Thị Kiều M. (39 tuổi, ở Cần Thơ) vui mừng khi khối u không phát triển nhiều. Chỉ qua hai con và người dì đi cùng, chị cho biết đợt dịch vừa qua tuy khốc liệt nhưng cũng giúp chị biết chăm sóc sức khỏe mình nhiều hơn. Nhất là căn bệnh ung thư của chị đã bước sang giai đoạn phải phẫu thuật để điều trị. Chị M. chia sẻ: “Giai đoạn giãn cách xã hội là lúc tôi cảm thấy lo lắng nhất. Có lần, con gái tôi chảy máu cam liên tục, cả nhà mới thấy việc đi khám bệnh khó khăn đến mức nào. Bây giờ dịch đã ổn, tôi khuyên cả nhà cùng đi khám, nhất là dì tôi đã lớn tuổi. Sau COVID-19, tôi hiểu ra chủ động khám sức khỏe trước khi có bệnh hết sức quan trọng”.
Theo Bệnh viện Thống Nhất, từ đầu năm đến nay, số lượng người dân đi khám bệnh đông hơn cùng kỳ, khoảng 1.200 - 1.500 người/ngày. Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Quốc Trung, phụ trách Khoa Hóa trị ung thư, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho hay tính riêng số lượng bệnh nhân của khoa đến tái khám đã hơn 100 người/ngày, chưa kể bệnh nhân đến tầm soát ung thư.
Phát hiện bệnh càng sớm càng dễ điều trị
Sau khi thăm khám, tư vấn cho một bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm để tầm soát, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thái Duy, Phó trưởng Đơn vị Tầm soát và phát hiện sớm ung thư, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nói điều đáng mừng ở thời điểm này là người dân chủ động “lắng nghe” sức khỏe của mình nhiều hơn so với trước dịch COVID-19. Nếu như trước đây, đa số người dân đến bệnh viện do có triệu chứng, biểu hiện rõ ràng về bệnh tật, thì thời gian qua, lượng người yêu cầu khám sức khỏe tăng lên. Và khi một người chủ động đến gặp bác sĩ, họ sẽ chú trọng lắng nghe và hiểu rõ cơ thể “mệt mỏi” ở đâu. Từ đó, việc hợp tác điều trị cũng dễ dàng hơn.
Bác sĩ Duy nói thêm: “Hiện tại, có người đến tầm soát ung thư ngay từ đầu, có người được chuyển từ các khoa khác của bệnh viện bởi có những triệu chứng nghi ngờ... Ở mỗi trường hợp, đơn vị sẽ có chỉ định sàng lọc, làm xét nghiệm phù hợp để tránh lãng phí chi phí cho người bệnh. Tùy theo kết quả thăm khám, bệnh viện sẽ có tư vấn hay hướng can thiệp nếu phát hiện bệnh. Số lượt người đến khám ở các bệnh viện đang tăng dần, đây là dấu hiệu đáng mừng, khi người dân quan tâm đến sức khỏe mình nhiều hơn. Tuy một ít người có dấu hiệu nghi ngờ hoặc được phát hiện ung thư nhưng vào giai đoạn sớm dễ điều trị”.
Theo bác sĩ Duy, việc phát hiện sớm những căn bệnh như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung… có thể chữa khỏi hoàn toàn, không cần hỗ trợ hóa trị hoặc xạ trị, tốn nhiều chi phí, giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Bác sĩ Duy cũng lưu ý người dân, chủ động thăm khám, chăm sóc sức khỏe của mình là việc nên làm nhưng tránh ngộ nhận về ung thư do COVID-19. Mặc dù F0 khỏi bệnh có thể mắc các vấn đề hậu COVID-19, nhưng có ý kiến cho rằng sau khi mắc COVID-19 nguy cơ bị ung thư tăng cao thì chưa đúng.
Hiện nay, trong các nghiên cứu của Việt Nam và cả thế giới chưa có bằng chứng nào chứng minh bệnh nhân dương tính sau khi hết COVID-19 sẽ bị ung thư hay tăng tỷ lệ ung thư. Điều đáng mừng là nhiều người đã nhận ra việc tự tầm soát, chăm sóc bản thân như một phương pháp toàn diện không chỉ phòng ngừa COVID-19 mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là mục tiêu được y học Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới đề cao chứ không phải chỉ khi trở thành “cựu F0” mới đi khám bệnh.