Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em lấy chồng năm 24 tuổi, đến nay đã 12 năm. Chồng em và em vốn là bạn thanh mai trúc mã, nhà ở gần nhau. Chúng em cùng lớn lên ở làng, cùng chia sẻ tuổi thơ với bao kỷ niệm, cùng vào đại học và ra trường đi làm.
Tình cảm gắn bó bền lâu của vợ chồng em đã thành một niềm tự hào của hai gia đình. Bên nhà nội và nhà ngoại cùng chăm lo cho hai đứa, lúc vợ chồng em có con trai đầu lòng, ông bà nội ngoại mở tiệc mừng mời cả làng. Chuyện gì của vợ chồng em ở thành phố, ông bà hai nhà ở quê cũng đều chia sẻ với nhau.
Vậy nên đến khi vợ chồng em căng thẳng, bắt đầu nói đến chuyện ly hôn, hai gia đình ông bà ở quê cũng bị cuốn vào cuộc chiến đúng sai, làm em rất khó xử.
|
ảNH MANG TÍNH MINH HỌA shutterstock |
Chồng em có người khác, đến em là vợ anh ấy, ngủ chung giường với anh ấy mỗi đêm mà cũng gần bảy tám tháng sau mới biết.
Khi em hỏi, anh ấy không chối, chỉ nói cho em toàn quyền, em muốn quyết định sao cũng được, anh ấy không thể bỏ người phụ nữ kia.
Khỏi phải nói lòng em cay đắng đến thế nào trước sự phản bội của chồng. Gia đình bên nội đứng về phía chồng em, nói em quen thói lấn lướt ăn hiếp chồng. Gia đình bên ngoại đứng về phía em, nói chồng em nhờ lấy em mới có nhà cửa công việc như ngày nay, mới có “mẽ” mà đi cua gái.
Ở quê, xét về gia thế, nhà em khá hơn nhà chồng em. Bởi vậy, khi ba mẹ em tuyên bố “con ly hôn thì đem cháu về đây ba mẹ nuôi”, mẹ chồng em lập tức một mình vô thành phố, đến nhà em ở để giữ cháu, giữ con dâu, giữ cho vợ chồng em đừng chia tay.
Ngày nào mẹ cũng nói đi nói lại chuyện đàn bà phải bỏ qua, đàn ông đi đâu cũng về với vợ, bỏ chồng bây giờ thì con em thành con không cha… Chuyện nhà mình còn chưa giải quyết xong, thêm chuyện mâu thuẫn giữa hai gia đình lớn, em mệt mỏi vô cùng. Em không biết phải làm thế nào để vượt qua.
Bích Tâm (TP.HCM)
Em Bích Tâm thân mến,
Truyền thống của người Việt vốn tôn trọng tính cộng đồng làng xã, các gia đình nhỏ chịu ảnh hưởng khá nhiều từ gia đình lớn. Bởi vậy, khi thành vợ chồng, em đã chịu sự ràng buộc từ gốc rễ, có mối dây là máu mủ ruột rà, có mối dây là tình làng nghĩa xóm, có mối dây là vợ chồng.
Các mối dây này đan bện vào nhau, giờ muốn gỡ cũng rất phức tạp, em phải xác định mối nào có thể đổi thay, mối nào là gốc rễ không thể cắt đứt.
Điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm của em và chồng. Nếu tình cảm ấy đã không còn, không mối dây nào có thể buộc hai con người phải sống chung trong chịu đựng. Em hãy nói chuyện với mẹ chồng, kể mẹ nghe về mối quan hệ bên ngoài và lời của chồng mình - “không thể bỏ người phụ nữ kia”.
Nếu em vẫn còn mong hàn gắn cuộc hôn nhân này, hãy nhờ mẹ chồng giúp đỡ. Nếu em thấy không còn gì để níu kéo nữa, hãy chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn trong cuộc đời mình. Việc mẹ chồng em vào ở nhà em thời gian này cũng là cơ hội để bà hiểu về cuộc sống hôn nhân của em.
Thái độ và tình cảm của em sẽ làm thay đổi suy nghĩ của bà, cho bà hiểu đây là chuyện con trai bà thay đổi tình cảm, con trai bà lừa dối vợ con, em là nạn nhân của sự lừa dối đó. Đừng đẩy mẹ chồng về phía đối đầu với mình.
Cho dù ly hôn, con em vẫn là cháu nội của ông bà, ông bà vẫn yêu quý cháu. Biết rằng lúc này em đang phải chịu nỗi đau khổ, thất vọng lớn lao nhưng mình cố gắng một chút, em nhé!
Cho dù trường hợp xấu nhất xảy ra, vợ chồng quyết định chia tay, em cũng sẽ nuôi các con, chăm lo cho các con, chứ không thể đưa các con về cho ông bà. Mối quan hệ giữa gia đình nội ngoại ở quê sẽ tổn thương mà rồi cũng sẽ phải tự chữa lành.
Mình không đủ sức để giữ yên lành hết tất cả các quan hệ. Em hãy tập trung vào cuộc hôn nhân của mình để có những quyết định chính xác nhé!
HẠNH DUNG
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Mai Hương (Bắc Ninh): Không ai có quyền quyết định chuyện nhà bạn
Chào bạn, tôi thật sự ngạc nhiên thấy bạn vẫn còn loay hoay trong cuộc hôn nhân này, khi mọi thứ đã đi đến hồi kết.
Rõ ràng chồng bạn đã chọn người phụ nữ nọ chứ không chọn bạn. Điều đó cho thấy tình cảm anh ta dành cho bạn đã không còn, bất chấp quãng thời gian dài hạnh phúc bên nhau. Anh ta đã quyết định như vậy thì bạn còn lăn tăn, trông chờ gì nữa?
Mọi dữ liệu bạn đưa ra, từ việc vợ chồng bạn là đôi thanh mai trúc mã đến tình thân giữa gia đình hai bên, rồi cả chuyện mẹ chồng bạn vào sống cùng bạn trong thời gian này… theo tôi chỉ là bạn đang cố vin vào đó để bao biện cho việc bạn sẽ tiếp tục cố gắng duy trì cuộc hôn nhân.
Bây giờ, điều cần giải quyết đầu tiên là bạn hãy nhìn vào sự thật. Khi cuộc hôn nhân đã rơi vào bế tắc bởi một trong hai bên đã không còn thiết tha nữa, bạn nên nghĩ đến phương án chia tay để mở đường cho cả hai làm lại cuộc đời.
Chuyện gia đình hai bên chỉ là vấn đề phụ. Không ai có quyền tác động hay quyết định chuyện nhà bạn trừ chính người trong cuộc.
Hồng Yến (Q.Gò Vấp, TP.HCM): Suy xét lại một lần đi!
Chồng chị nói rằng “không thể bỏ người phụ nữ kia”, câu nói ấy nghe tàn nhẫn nhưng chính là câu trả lời thẳng thắn của anh ấy.
Bây giờ, chị nên giải quyết theo từng bước. Thứ nhất, chị nên ổn định tinh thần, cân nhắc xem thử nếu ly hôn thì sao, nếu tiếp tục dùng dằng thì sao, mình và con cái mình được gì/mất gì, nhà cửa tài sản thì sao, kinh tế sắp tới sẽ thế nào…
Thứ hai, chị nên nhìn lại xem mình đã sai chỗ nào trong đời sống hôn nhân này. Chị đã bỏ quên mình hay quên chồng vì bận rộn… Tất nhiên mình rà soát lại không phải để quy trách nhiệm cho bản thân mà đây chỉ là cơ hội nhìn lại để tìm hướng khắc phục trong tương lai.
Sau khi suy xét xong, chị hãy thông báo với gia đình hai bên về quyết định của chị. Dù nuối tiếc, thương quý đến đâu, cả hai gia đình đều không có quyền can thiệp sâu vào chuyện gia đình chị
|
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.