Thành phố ấp ủ nhiều hoài bão phát triển. Thành phố trăn trở từng ngày trong quyết tâm nâng cao chất lượng đời sống cho từng người, từng nhà. Nhìn lại năm 2020, giữa bủa vây dịch bệnh, thành phố kịp tập trung xây dựng, đeo bám, mạnh dạn đề xuất và được trung ương chấp thuận nhiều nội dung quan trọng. Nổi bật như được Quốc hội thông qua Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP. Thủ Đức…
Bước vào năm 2021, thành phố xác định trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp, vẫn cảnh giác, phòng, chống bằng tất cả nỗ lực để song hành với đó, là phục hồi và phát triển kinh tế. Nhiều sự kiện trọng đại diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị - văn hóa và xã hội… đòi hỏi mỗi cán bộ, ở vai trò và trách nhiệm nào chăng nữa, phải quyết tâm, sáng tạo và năng động trong hành động, thực thi nhiệm vụ.
Một trong những điều gây háo hức và chờ đón lúc này của thị dân, là sự hình thành của một thành phố ngay trong thành phố. Đó là TP. Thủ Đức. Rồi, việc triển khai các nghị quyết, bao gồm xây dựng chính quyền đô thị lẫn thực hiện hàng loạt chỉ tiêu nhằm tạo bứt phá cho sự phát triển của thành phố.
… Mọi kiến giải, câu trả lời cho nhiệm vụ, công tác đều dựa trên hành động và hiệu quả công việc. Sau lưng là năm 2020, với bối cảnh khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng dịch bệnh; thành phố đã bứt phá bằng những điểm sáng thành công, minh chứng cho nỗ lực không ngừng.
Cũng với bối cảnh ấy, thành phố cam kết tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ trong chặng đường trước mắt. Mà, quyết tâm “Không để nợ lời hứa với dân thành nợ xấu” - như gửi gắm qua chỉ đạo của Bí thư Thành ủy - được Chủ tịch HĐND TPHCM nêu bật ngay trong phát biểu bế mạc kỳ họp cuối năm vừa qua, sẽ kiến giải bằng những hành trình và kết quả đã, đang và tiếp tục hiển thị.
Nhân dịp đầu năm mới Tân Sửu 2021, bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đã có cuộc trao đổi với báo Phụ Nữ TPHCM về những việc làm đã qua trong năm 2020 và định hướng nhiệm vụ của TPHCM trong năm 2021.
|
Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM |
Phóng viên: Ai trao cho câu hỏi nào, bức xúc, thắc mắc tới đâu; cái nào giải đáp, thông tin hay giải quyết được, bà thường “chốt luôn tại chỗ”, có cái chưa rõ, bà đều hẹn trả lời. Với bà, đó là thẳng thắn, không né tránh - một tố chất cần có của bất kỳ người cán bộ nào nhằm minh định đúng sai, vì lợi ích chung?
Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM: Trước nhân dân, người cán bộ cần phải biết lắng nghe và sẵn sàng đối thoại. Bản thân mình, nhờ vinh dự được phân công trải qua nhiều nhiệm vụ, tôi có điều kiện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của các tầng lớp nhân dân; không ngừng rèn luyện, học hỏi để từ đó góp phần giải quyết những bức xúc còn tồn tại.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nắm chắc chủ trương, chính sách, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tôi đề cao sự trung thực, thẳng thắn, linh hoạt và tình cảm trong ứng xử; tôn trọng, lắng nghe mọi ý kiến và trong khả năng có được, luôn đưa ra những định hướng tốt nhất.
* Kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm vừa qua, trong công tác nhân sự, các ứng cử viên đã trình bày chương trình hành động để quyết định lá phiếu trên tay từng đại biểu dân cử. Nhờ vậy, cử tri thành phố được nghe cam kết hành động của ứng cử viên. Bà nhận định như thế nào về điều này?
- Kỳ họp vừa rồi đã tập trung xem xét thông qua 28 nghị quyết, trong đó có các nghị quyết về công tác nhân sự. Các nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân thành phố, giải quyết những bất cập, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, các đại biểu hội đồng đã nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng chương trình hành động của từng ứng cử viên được giới thiệu trước khi quyết định bỏ phiếu. Đây là một yêu cầu hết sức quan trọng, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu, đồng thời thể hiện sự tin tưởng trong phân công và đón nhận nhiệm vụ của nhân sự mới.
* Nói về công tác nhân sự, trên những cương vị từ trước đến nay, dường như bà vẫn thường dành sự quan tâm đến đời sống nữ giới, đặc biệt, có sự “để tâm” nhất định đối với công tác cán bộ nữ, nhằm phát hiện, bồi dưỡng và trong phạm vi có thể, bố trí họ ở những vị trí giúp phát huy năng lực, cống hiến nhiều hơn?
- TPHCM có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy đạt cao, nhiều nơi đạt tỷ lệ trên 28%. Đó là sự phấn đấu của chị em nói riêng, cũng là chủ trương chung của thành phố, trung ương.
Trong khả năng, tôi vẫn thường tham mưu và giới thiệu nữ cán bộ xứng đáng, đủ trí tuệ, bản lĩnh để ứng cử và đắc cử vào vị trí chủ chốt; triển khai đến cấp ủy cơ sở tăng cường công tác cán bộ nữ và quan tâm, đưa các nội dung công tác phụ nữ vào chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị; có phân công theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện. Tôi cho rằng, việc phát hiện, xem xét và bố trí cán bộ nữ để giúp chị em phát huy được năng lực và có cơ hội cống hiến là sự phù hợp với lẽ công bằng cũng như góp phần để TPHCM phát triển.
|
Bà Nguyễn Thị Lệ chúc tết công nhân trước giờ lên đường về quê đón xuân - Ảnh: Hoàng Triều |
Để từng chương trình hành động thực hiện hiệu quả thì đòi hỏi vai trò, trách nhiệm trong công tác giám sát, thúc đẩy của HĐND TPHCM nặng nề hơn. Xin bà chia sẻ một số nội dung mà HĐND TPHCM sẽ thực hiện trong thời gian tới đây?
Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM: Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026, thực hiện chủ đề năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; đồng thời triển khai thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP. Thủ Đức. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TPHCM nói chung và của TP. Thủ Đức nói riêng.
Mọi chủ trương, chính sách phát triển thành phố đều dựa trên tiếng nói của người dân, phục vụ vì lợi ích nhân dân. Ở góc độ là cơ quan dân cử, HĐND TPHCM chắc chắn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động.
Trước tiên, hằng tháng, quý, từng đại biểu HĐND rà soát các đầu việc đã hứa với dân để đánh giá và xem việc gì chưa làm được thì tập trung giải quyết. Quyết tâm không để nợ lời hứa với dân thành nợ xấu như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy.
HĐND TPHCM tiếp tục giám sát sâu hơn những vấn đề cử tri thành phố quan tâm. Đặc biệt, giám sát việc thực hiện thành lập TP. Thủ Đức, khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông; để TP. Thủ Đức trở thành địa phương đúng như kỳ vọng - là cực tăng trưởng mới của TPHCM và là một thành phố có chất lượng sống tốt; bao gồm việc giám sát kế hoạch triển khai điều chỉnh quy hoạch chung của ba quận sáp nhập: 2, 9, Thủ Đức; giải quyết các vấn đề tồn đọng, an toàn xã hội và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ.
Song song đó, công tác giám sát đi sâu vào việc triển khai chủ đề Năm - không chỉ gắn với sự hồi phục và phát triển kinh tế của thành phố sau ảnh hưởng dịch bệnh mà còn tạo nền tảng cho thành phố phát huy vai trò nền kinh tế lớn nhất cả nước. Một trong những đầu việc quan trọng khác của năm 2021 là góp phần tổ chức thành công bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
* Từ ngày 1/7/2021, công tác của HĐND TPHCM nói chung, đại biểu HĐND TPHCM nói riêng có lẽ là câu chuyện của sự đổi mới trong chương trình hành động; khi chính quyền đô thị vận hành sẽ không tổ chức HĐND cấp quận, phường?
- Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tạo cơ chế cho HĐND TPHCM hoạt động rộng hơn. Trong đó, công tác tiếp xúc cử tri phải thay đổi theo hướng tăng cường tính đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của người dân để kịp thời kiến nghị, báo cáo giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc.
HĐND TPHCM đẩy mạnh hoạt động phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội, cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ khu phố/ấp trong tiếp nhận, xử lý, trả lời kiến nghị của nhân dân…
Quyền làm chủ của nhân dân luôn được đảm bảo và không ngừng phát huy thông qua nhiều “kênh” tương tác. Ngược lại, người đại biểu dân cử phải liên tục hoàn thiện, học hỏi và phát huy hơn trách nhiệm với người dân và chính quyền nhằm nâng cao hiệu quả giám sát.
Khi tiếp xúc cử tri hay tham dự các hội nghị ở cấp quận, trước những vấn đề bức xúc, cấp bách mà cử tri quan tâm, các tổ đại biểu, các ban của hội đồng sẽ tổ chức ngay các đoàn đi giám sát, khảo sát; kịp thời có văn bản kiến nghị và nhanh chóng trả lời cho người dân.
Chủ tịch UBND TPHCM bước lên vị trí thực hiện phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai mươi ba, HĐND TPHCM khóa IX. Đó là kỳ họp thường lệ cuối cùng của năm 2020 và cũng là của nhiệm kỳ. Hàng loạt câu hỏi về giải pháp khắc phục tồn đọng cùng bao kế hoạch hành động trong thời gian tới đây - sao cho thành phố vẫn giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước trước những thách thức mà thành phố đối mặt, trong sự “càn quét” bất ngờ của dịch COVID-19 - được các đại biểu hội đồng xoáy sâu.
1.
Nhưng phiên chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM không dừng lại ở đó. Một phần lớn thời lượng dành cho việc nối máy trực tiếp đến cử tri thành phố - những người dân đang mong muốn gửi trao niềm trăn trở, suy tư đến Chủ tịch UBND TPHCM, để được ông giải đáp những khúc mắc của mình.
Theo dõi phiên làm việc được truyền hình trực tiếp ấy, nơi phòng khách nhà mình, ông Nguyễn Chí Hiếu (cử tri ngụ phường 10, quận Tân Bình) gật gù: “Tôi cũng định gọi đến kỳ họp chất vấn một nội dung; nhưng một cử tri khác đã hỏi thay tôi rồi”. Ông Hiếu hài lòng khi nhận định về phiên làm việc. Theo ông, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn cô đọng, sâu sát và chạm được những nỗi bận lòng của dân.
|
Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM trong chuyến thị sát việc bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 - Ảnh: Tuyết Dân |
… Khi kỳ họp đó vẫn đang còn diễn ra, tôi nhận được thông tin có cử tri đã gửi đến một lẵng hoa thay lời chúc mừng. Cử tri quan tâm, hài lòng và đánh giá cao chất lượng của kỳ họp. Với HĐND TPHCM - cơ quan dân cử - hẳn đây là món quà không lời nào kể xiết. Kết quả ấy cũng chính là sự chu đáo trong công tác chuẩn bị, trong kế hoạch tổ chức - nơi sự phân bổ và chốt duyệt “thời lượng” từng nội dung bàn thảo - được tính toán và cân lên đặt xuống; khởi nguồn từ nỗ lực nâng chất không ngừng hoạt động của HĐND trong tình hình mới.
Sự nâng chất thông qua hàng loạt cuộc giám sát, phản biện, chất vấn của HĐND hay chuẩn bị cho chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, “Đối thoại cùng chính quyền TPHCM” không còn gói gọn trong không gian những căn phòng máy lạnh. Chủ tịch, các phó chủ tịch, đại biểu chuyên trách của hội đồng chọn tăng cường “xuống dân”, lắng nghe và nhìn toàn cục bức tranh một sự vụ.
Ngay cả chuyện đi giám sát cũng không còn hội đồng đi trước, các đơn vị theo sau vói theo lời phân giải. Như có lần, trong chuyến thực tế tiến độ triển khai xây dựng một cây cầu hai mươi năm mới chỉ xong mấy nhịp. Lùi lại và bước ra khỏi những “giải trình” vây bủa, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM “xin” hỏi chuyện một cụ già trong xóm. Bà cụ trải lòng, khổ hết xiết! Dự án ngổn ngang áng ngay mặt tiền nhà, mùa nắng bụi bặm mùa mưa ngập nước. Cụ chỉ có một ước mong duy nhất: chứng kiến cây cầu hoàn thành trước khi mình nhắm mắt…
“Tôi rất đau lòng khi nghe tâm sự đó của bà cụ” - nhìn khắp các đơn vị liên quan, bà Lệ tiếp tục: “Liệu chúng ta đã đặt mình vào vị trí người dân để thấu hiểu những khổ tâm của họ? Từ đó tích cực hơn trong phối hợp giải quyết. Vướng chỗ nào, khó ở đâu đã thử cùng nhau ngồi lại tháo gỡ? Chúng ta đã trăn trở, tìm giải pháp một cách tận lực và hết trách nhiệm của mình chưa?”.
Tâm niệm công tác của cán bộ đồng nghĩa với biết đặt mình trong dân, nắm bắt và thấu suốt tâm tư lẫn kỳ vọng của dân; qua đó đề cao sự thúc giục tìm kiếm các giải pháp giải quyết.
Nhờ vậy, riêng trong năm 2020, hàng loạt nội dung chất đầy nỗi nặng lòng của dân được hội đồng trao gửi, đặt lên bàn các đơn vị đề nghị phải quan tâm xử lý; sau đó, tiếp tục thúc đẩy bằng sự tăng cường giám sát, ban hành các nghị quyết tạo điều kiện để chính quyền thành phố có các chính sách hỗ trợ người dân như chuyện 4,3ha tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, giải quyết đền bù ở Khu Công nghệ cao hay hàng loạt dự án treo được xóa bỏ đã mang lại nhiều suy nghĩ…
2.
Lúc đó khoảng hơn 16 giờ, HĐND TPHCM vừa kết thúc một phiên họp. Có cử tri mang theo xấp hồ sơ “đòi” gặp cho bằng được những đại biểu hội đồng. Bà Nguyễn Thị Lệ ngồi xuống, trực tiếp hỏi han, nắm vụ việc và hứa sẽ có câu trả lời sớm nhất.
19g, sau một buổi trò chuyện, bà quay về phòng làm việc với xấp hồ sơ dày cộm vừa nhận lấy. Ngay trong sáng hôm sau, tập hồ sơ được gửi cho văn phòng, đính trên đó những nội dung kiến nghị, đề xuất gửi các đơn vị liên quan…
Không đếm xuể bao nhiêu vụ việc cứ bất ngờ chuyển đến, bà Lệ lại nhận lấy trách nhiệm, tự cắt xén chút thời gian ít ỏi dành cho cuộc sống riêng để giải quyết cho dân.
Nhắc đến hoạt động của HĐND, quán tính người ta nghĩ ngay đến công tác giám sát. Nhưng ba chữ “tái giám sát” mới là thước đo hiệu quả của công việc mà HĐND TPHCM tiên phong trong chủ trương hành động.
Ở đó, kết quả phải là con số những đầu việc tồn đọng từ cuộc giám sát trước được rút gọn. Nếu chưa, thì nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ tiếp tục được kiên trì đeo bám, theo dõi, thúc giục, giải quyết sao cho người dân phải nhìn thấy sự chuyển mình rõ ràng.
Bởi lẽ, mỗi một giải pháp, thành công đâu chỉ dừng ở giải quyết vụ việc cho người dân, mà còn cho chính công tác của cán bộ liên quan; vì có được lòng dân, niềm tin, sự tín nhiệm trong dân cũng đồng nghĩa với muôn việc đều dễ.
Trên cương vị lãnh đạo, quản trị, điều hành cơ quan dân cử, bà Nguyễn Thị Lệ kiên định với quan điểm: “Khi là đại diện của nhân dân, nhất định phải duy trì sự gắn bó mật thiết với nhân dân, với cán bộ và người lao động. Đây là cơ sở vững chắc giữ gìn sự đoàn kết và khối thống nhất, cùng nhau nhìn về cái chung”.
Lắng lại đôi nhịp, giữa không khí ấm áp của mùa xuân, tôi nhớ có lần, cũng trong những ngày này của nhiều năm trước, bà Lệ ghé thăm một gia đình có con em làm nhiệm vụ nơi hải đảo. Căn nhà của gia đình ấy nhỏ; những tấm di ảnh phải đặt tạm đâu đó. Rồi, như bao cuộc “xuống dân”, bà động viên, thăm hỏi rồi lại đi một vòng quanh nhà trước khi ra về.
Mấy hôm sau, căn nhà nhỏ đón nhận những món quà từ bà, thêm một chiếc bàn thờ cho tươm tất không gian thờ phụng.
Năm mới, căn nhà ấm cúng mùi hương của nén nhang thành kính, thơm thảo, vơi bớt nỗi ưu tư của chủ nhà và còn ấm áp hơn từ một tấm lòng thương dân.
Bà cũng nhiều lần vận động tặng sổ tiết kiệm, phương tiện sinh kế và quà chăm lo cho nhiều gia đình khó khăn…
Đó dường như một sự nhạy cảm, tinh tế và ấm áp của người chị, người mẹ - một góc khác nơi bà ít được cử tri biết đến, nhưng đủ quyện thành sự tổng thể của một cán bộ tận lòng với nhân dân. Rồi trở thành phương châm hành động, lý lẽ sống luôn hiện hữu trong công tác mà bà muốn âm thầm trao gửi, nhắc nhớ cho từng cán bộ hội đồng nói riêng.
|
Tuyết Dân