Khi mẹ dọa con 'bố đi nhậu rồi"

12/06/2019 - 09:00

PNO - Tôi nhớ ngày mình còn bé, câu thông báo ấy giống như một lời hăm dọa. Chẳng khác gì mang “mẹ mìn” hay “ông kẹ” ra để hù một đứa trẻ.

Hôm đó, tôi ngồi chung bàn tiệc với một cặp vợ chồng trẻ, họ có đứa con trai khoảng lên bốn. Giữa buổi, ông bố cầm ly đi qua bàn khác giao lưu, khá lâu chưa quay trở lại. Cậu nhóc chừng như mong bố, nên quay sang hỏi mẹ bố đâu rồi. Câu trả lời của người mẹ có lẽ chưa tới ba mươi tuổi ấy khiến tôi giật mình: "Bố đi nhậu rồi!".

Khi me doa con 'bo di nhau roi
Ảnh minh họa

Cô ấy nói không sai. Nhưng sao tôi cứ cảm giác bất nhẫn thay cho đứa trẻ, lại xen chút phẫn nộ vô lý nào đấy. Con nít có cần bị “phang” thẳng thừng là “bố đi nhậu rồi” không nhỉ? Rồi cũng chính tôi, loay hoay chẳng biết cô ấy nên dùng cách “nói giảm nói tránh” nào để thay thế.

Và tại sao cô ấy lại cần phải làm thế cơ chứ! Bố qua bàn khác gặp bạn? Bố đi chào mọi người? Hay “bố đi nhậu” thì cũng đâu có gì nghiêm trọng, xấu xa, đằng nào thì khi nó lớn khôn hơn chút, chẳng phải đối mặt với những cơn say của bố?

Liệu ông bố trẻ kia có từng một lần ngại ngần hoặc xót xa thương thằng con bé bỏng ấy chăng? Trong cái đầu óc non nớt chưa có bao nhiêu khái niệm, từ ngữ kia, đã buộc phải tiếp nhận một cụm từ rất mới và kinh khủng: bố đi nhậu rồi!

Tôi nhớ ngày mình còn bé, câu thông báo ấy giống như một lời hăm dọa. Chẳng khác gì mang “mẹ mìn” hay “ông kẹ” ra để hù một đứa trẻ. Ba tôi bình thường trầm tính, ít nói, hầu như chẳng kiểm tra việc học hành hay dạy dỗ con cái bao giờ. Thế nhưng, mỗi khi ba đi nhậu về thì khác hẳn.

Mọi hoạt động mang tính “giáo dục con” của ba tôi hầu như đều diễn ra sau khi ông đã có rượu bia vào người. Hơi men nồng nặc, ba tôi không còn là người đàn ông thương con, điềm đạm hằng ngày nữa, mà đã trở thành một nỗi sợ hãi, né tránh của đám con khốn khổ mất rồi!

Khi me doa con 'bo di nhau roi
Ảnh minh họa

Khỏi cần nói nhiều cũng có thể hình dung nỗi ám ảnh của chúng tôi hồi đó. Khi hết giờ làm mà ba chưa về, khi trưa cuối tuần mà ba bỏ cơm nhà, là hiểu cái gì chờ đón phía sau rồi đấy.

Một bầu không khí nơm nớp lo âu cứ lảng vảng trong ngôi nhà lẽ ra phải được ấm êm vui vẻ. Tôi thường cố dỗ giấc ngủ vào những khoảnh khắc ấy. Giấc ngủ ấu thơ thắc thỏm bất an, đâu phải dễ dàng gì, dẫu chỉ để tránh phải đối mặt với chuyện ba bắt mang cặp sách ra kiểm tra. Rồi hạch hỏi, mắng chửi, cả đánh đập… Gặp bữa may mắn thì ba tôi mới đi ngủ. Khi đó, lũ chúng tôi len lén nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm, mừng đến phát khóc.

Chị đồng nghiệp của tôi kể về con trai mười tuổi của chị ấy. Rằng thằng bé từng cay đắng thốt lên: “Con căm ghét rượu!”. Lý do chắc không khó để đoán: ba nó thường xuyên say xỉn khi trở về nhà vào khuya muộn; gây gổ chửi vợ đánh con.

Tôi tưởng tượng tới cảnh bảy tám năm nữa, sẽ có một cậu thanh niên u uất bước ra đời, chênh vênh vì phải lớn lên trong bạo lực gia đình. Hoặc sẽ tránh xa bia rượu như dịch bệnh. Hoặc xả giàn vì quen nhìn thấy ba mình uống rồi, nào có sá gì cái men cay ấy. Rồi thì, cậu trai ấy sẽ cưới vợ sinh con, tiếp nối hình ảnh của ông bố khi xưa... mà hết hồn! 

Ngọc Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI