Khi mẹ bệnh

25/02/2024 - 06:20

PNO - Mẹ bị té. Chúng tôi về thì thấy mẹ đang nằm dưới đất, cái điện thoại một bên, mới thấy mẹ thật yếu đuối, nhỏ bé...

Rồi tôi cũng ra riêng. Nhà có 3 anh em, tôi là người sau cùng rời nhà của mẹ xây dựng cho mình một tổ ấm mới. Phải mất bao tháng ngày suy nghĩ, tranh cãi, dằn vặt tôi mới có quyết định như vậy.

Điều băn khoăn nhất của chúng tôi là mẹ sẽ phải sống một mình. Anh trai lớn ở xa, chị ở riêng từ ngày mới lập gia đình. “Giàu út ăn, khó út chịu”, tôi lấy chồng ở với mẹ, nhờ vả mẹ khi con còn nhỏ, chồng tôi biết ăn ở, mẹ tôi thương nên hầu như không bận tâm gì. Nhưng đã đến lúc chồng tôi muốn ra riêng, anh còn bạn bè, công việc, anh muốn thể hiện vai trò “ông chủ”, nhất là khi chúng tôi bắt đầu làm có tiền, chồng tôi dứt khoát không chịu cảnh ở nhà vợ nữa.

Quyết định mua nhà của tôi gây ra bao tranh cãi trong gia đình. Anh trai lo lắng, chị gái băn khoăn, mẹ không nói ra nhưng tôi biết bà buồn ghê lắm. Ngày dọn nhà, mẹ bắt tôi đem theo hết những gì tôi đã sắm từ bộ salon mới đến cái ti vi. Mẹ nói: “Tụi bây đi rồi, mẹ có khách khứa đâu mà ngồi salon cho đẹp, khỏi cần coi ti vi, mẹ ngủ sớm cho đỡ tốn điện, bây còn mắc nợ nhiều đem đồ đạc về bên đó xài...“,  trong giọng nói của mẹ có pha chút  dỗi hờn.

Ở riêng tuy có cực nhưng thật thoải mái, chồng tôi có hẳn một giang sơn riêng trên lầu để anh làm việc khuya, khách của anh đến nhà không ngại ngùng như trước. Con tôi được bày bừa thoải mái mà không sợ bà ngoại la, chỉ có tôi bận rộn hơn, vừa đi làm, vừa chu tất việc gia đình.

Nhưng mọi cực nhọc không bằng mỗi khi nghĩ đến mẹ phải sống một mình, tôi càng nặng lòng hơn. Thời gian đầu, trưa mẹ gọi chúng tôi về nhà ăn cơm, mẹ sợ tôi đi làm về trễ không kịp nấu cơm cho con ăn đi học mà mẹ thì rảnh. Cách giải quyết như vậy ổn được một thời gian, buổi trưa nhà mẹ đông đúc ồn ào, nhưng buổi tối chẳng ai ở với mẹ. Mẹ ở một mình, vật duy nhất quan trọng và là mối liên lạc giữa mẹ với chúng tôi là cái điện thoại “lỡ đêm hôm có gì...".

Tôi sinh đứa thứ 2, mẹ hàng ngày qua nhà tôi đi chợ, nấu ăn. Mẹ ở nhà tôi đến chiều mới về nhà mẹ. Giai đoạn này giải quyết được cho mọi người một mối bận tâm: mẹ cũng đỡ buồn đôi chút, chỉ có đêm về mẹ vẫn phải ở một mình.

Thỉnh thoảng chị tôi qua nhà mẹ ngủ lại hoặc cắt cử mấy đứa cháu qua ngủ với bà ngoại, nhưng cũng chỉ được tối thứ Bảy, những tối khác chúng phải học bài. Chúng chỉ thích qua nhà ngoại ban ngày, bà ngoại cho chúng đủ thứ để ăn, còn buổi tối thì bà luôn bắt chúng phải đi ngủ sớm, không được coi tivi, không điện thoại, chơi điện tử....

May mắn là nhà tôi, nhà chị và nhà mẹ gần nhau, chỉ 10 phút đi bộ, thế nhưng hôm nào mẹ không xuống nhà tôi, không qua nhà chị, chúng tôi cũng không có thì giờ để qua nhà mẹ. Cuộc sống bận bịu trăm thứ, vật duy nhất dựa vào chỉ còn là cái điện thoại.

Rồi mẹ bệnh. Hôm ấy mẹ bị té. Khi chúng tôi tập trung đến nhà mẹ thì thấy mẹ đang nằm dưới đất, cái điện thoại một bên. Lúc ấy tôi mới thấy mẹ thật yếu đuối, nhỏ bé, những điều mà trước đây tôi chẳng nhận biết.

Mẹ nằm bệnh, chúng tôi thay phiên chăm sóc làm mẹ cứ áy náy: “Mẹ bệnh như thế này mất công, mất việc của các con”.

Một buổi sáng, tranh thủ đi công việc cơ quan, tôi tạt ngang thăm thấy mẹ đang ngồi nói chuyện với một người khách. Ông bạn của mẹ nhìn tôi nói thật to (sau này tôi mới biết ông bị lãng tai): “Hôm trước mẹ cháu nói với bác là ông còn đi được mà không đến thăm tôi. Hôm nay bác rảnh đến thăm mẹ mới biết mẹ bị bệnh. Chà chà.... già rồi không biết rụng rơi lúc nào”. Nhìn sắc diện mẹ, tôi thấy mẹ tươi tắn hẳn.

Thế là những ngày mẹ nằm bệnh, chúng tôi điện thoại báo cho những người bạn của mẹ để các bác ấy có thể điện thoại hay đến thăm mẹ, nếu bác nào “còn đi được”. Nhờ thế, tinh thần mẹ phấn chấn hẳn lên, bệnh tình cũng thuyên giảm bớt, chúng tôi đỡ áy náy phần nào vì không túc trực ngày đêm bên mẹ.

Mẹ nuôi con vất vả tháng ngày
Mẹ nuôi con vất vả tháng ngày... (ảnh minh họa)

“Một mẹ nuôi được 10 con, nhưng 10 con không nuôi nổi một mẹ”, người xưa đã đúc kết qua biết bao nhiêu thực tế mới nói lên một câu quá đúng trong trường hợp gia đình chúng tôi bây giờ. Một tay mẹ cáng đáng, nuôi những đứa con ăn học nên người. Giờ chỉ có một mẹ già mà mỗi tháng những đứa con lại bàn bạc đóng góp tiền nuôi mẹ, mức đóng góp được tính toán dựa vào thu nhập gia đình riêng cộng thêm vị trí lớn nhỏ.

Chỉ có một mẹ mà khi mẹ mạnh khoẻ, hết đứa này đến đứa khác nhờ vả, còn khi mẹ bệnh thấy sao nặng nề quá vì phải lo cho mẹ, không có thời gian săn sóc mẹ. Người bệnh cần những quan tâm, chuyện trò mà chúng tôi đành phải nhờ đến những người bạn già của mẹ, những người bạn mà thú thật nếu ngày xưa khi ba tôi mất, mẹ còn trẻ, họ có tìm đến với mẹ chưa chắc chúng tôi đã đồng ý, bây giờ mới thấy sao mình ích kỷ quá.

Mẹ bệnh, điều duy nhất mẹ lo lắng chỉ là sợ làm phiền con cái, chúng còn công việc, nhất là ở thời buổi công ăn việc làm khó khăn, phải cạnh tranh nhau từng chút. Có phải vì quay cuồng với những tất bật đời thường mà những đứa con không có thì giờ quan tâm đến mẹ, hay vì cuộc sống như cỗ máy lạnh lùng đã làm tâm hồn con người chai sạn đi?

Kim Duy 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI