Khi “máu xương” trở nên lấp lánh

22/12/2024 - 12:20

PNO - Xương máu của cha ông đã đổ xuống suốt hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, qua hàng trăm cuộc chiến tranh giành độc lập, đã trở nên lấp lánh tại đây: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Đã có rất nhiều bài báo giải mã sức hút của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam khi địa điểm này thu hút hơn 40.000 lượt khách tham quan trong những ngày đầu mở cửa. Ngoài việc đây là bảo tàng lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, nơi lưu giữ hơn 150.000 hiện vật lịch sử hay cái cách làm bảo tàng mới hơn, hiện đại hơn với công nghệ trình chiếu 3D mapping, video, QR… tạo dòng chảy lịch sử một cách “sống động”, còn một thứ đặc biệt nữa. Tôi nghĩ đó là xương máu của cha ông, là niềm tự hào Việt Nam, là lịch sử chưa bao giờ bị lãng quên.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thu hút hơn 40.000 lượt khách tham quan trong những ngày đầu mở cửa - Ảnh: ANH NGỌC
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thu hút hơn 40.000 lượt khách tham quan trong những ngày đầu mở cửa - Ảnh: Anh Ngọc

Giống như thành công của di tích nhà tù Hỏa Lò, lịch sử Việt Nam chưa bao giờ bị quên lãng như nhiều người lo lắng, đặc biệt là với giới trẻ, những người sinh ra trong một đất nước đã hòa bình, tự chủ và phát triển. Được thấy lại tiền nhân luôn là nhu cầu có thật. Bảo tàng chính là nơi ta cất giữ những kỷ vật và những câu chuyện của tiền nhân, dù nó là bảo tàng gì chăng nữa, huống chi một đất nước như Việt Nam đã trải qua hàng trăm cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, giành lại quyền độc lập, tự chủ trước toàn những cường quốc mạnh hơn gấp nhiều lần.

Giới trẻ luôn muốn được hiểu những gì cha ông đã trải qua nhưng không phải chỉ là những câu chữ chép lại trên sách giáo khoa, càng không phải những kỷ vật cất trong hộp kính khô khan mà nhiều bảo tàng hiện đang làm. Thứ giới trẻ muốn là được chạm vào lịch sử. Không phải theo kiểu “cấm sờ vào hiện vật”, mà phải là được sống cùng mỗi hiện vật. Bởi mỗi hiện vật được trưng bày đều có những câu chuyện riêng, ta đã kể về chúng thế nào? Mỗi hiện vật đều chứa đựng rất nhiều cảm xúc, làm sao để nó chạm và truyền được cảm xúc ấy đến người xem?

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã làm được điều đó. Đây là nơi xương máu cha ông được trân trọng như bảo vật quốc gia, nơi xương máu ấy trở thành lấp lánh trong mắt mỗi người khách; là nơi có những cựu chiến binh mắt nhòa lệ nhớ về thời hoa đỏ của họ, như được gặp lại đồng đội đã ngã xuống; là nơi những người trẻ được mục sở thị từng kỷ vật, được hòa mình vào dòng chảy lịch sử của quê hương, được thấy xương máu của cha ông đã đổ xuống một cách vinh quang và tự hào. Chúng ta không thay đổi được lịch sử nhưng chúng ta sẽ sống tốt với hiện tại khi trong lòng ta, lịch sử vẫn đang cuộn chảy.

Tôi cũng như nhiều người lớn lo lắng việc đám trẻ ngày nay thuộc lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… hơn lịch sử Việt Nam với những đứa trẻ thuộc lòng danh sách các đời tổng thống Mỹ, biết triều đại Goryeo của Hàn Quốc khác với triều đại Joseon thế nào, nhớ Võ Tắc Thiên qua vai diễn của Phan Nghinh Tử lẫn Phạm Băng Băng... Nhưng hôm nay dù chúng còn nhầm lẫn rằng Nguyễn Huệ và Quang Trung là 2 người... thì cũng đừng quá lo lắng. Chúng ta còn rất nhiều thời gian để giúp những đứa trẻ ấy hiểu đúng, nhớ sâu về lịch sử, cội nguồn. Lịch sử không bao giờ biến mất, nó vẫn nằm đây, trong huyết quản mỗi con người Việt Nam. Quan trọng là chúng ta dùng cách nào để con cái mình nhìn về lịch sử với đôi mắt lấp lánh tự hào mà thôi.

Chúng ta đã làm được, từ di tích nhà tù Hỏa Lò, từ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, từ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, từ những tác phẩm văn học, điện ảnh hay ngay từ cả một chương trình đang được ưa thích - Anh trai vượt ngàn chông gai, nơi Đào Liễu của chèo cổ, Trống cơm, Dạ cổ hoài lang được hàng chục ngàn đứa trẻ hát theo trong đêm nhạc tôi vừa xem.

Sẽ không có đứa trẻ nào mồ côi cội nguồn khi người lớn chúng ta cũng không quên nguồn cội.

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI