Khi mái ấm trở thành nơi ngược đãi, lạm dụng trẻ em

14/09/2024 - 06:12

PNO - Các mái ấm, nhà mở, cơ sở bảo trợ là nơi cung cấp sự chăm sóc và giáo dục cần thiết cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Dù vậy, việc quản lý và đảm bảo phúc lợi cho trẻ tại những nơi này vẫn còn tồn tại nhiều mặt tối, gây tác động lâu dài đến sức khỏe và tinh thần của trẻ.

Ngược đãi man rợ

Ngày 11/9, ông Razarudin Husain - Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia - cho biết trong một cuộc họp báo rằng, những cuộc đột kích của cảnh sát vào 20 cơ sở chăm sóc, bảo trợ trẻ em ở bang Selangor và bang Negeri Sembilan đã giúp giải cứu 402 trẻ em, từ 1-17 tuổi. Những đứa trẻ dường như đã bị bạo hành thể chất nhiều lần, một số thậm chí bị xâm hại tình dục. Ông Razarudin tiết lộ: “171 cá nhân trong độ tuổi từ 17-64, gồm cả người chăm sóc, giáo viên và giám đốc của các cơ sở đã bị bắt giữ”.

Đáng chú ý, cuộc điều tra ban đầu cho thấy, một số nạn nhân không chỉ bị những người chăm sóc xâm hại tình dục mà còn được dạy thực hiện hành vi tương tự đối với những đứa trẻ khác. Ngoài ra, bọn trẻ còn bị trừng phạt, đánh bằng các vật kim loại nóng khi phạm lỗi. Những nghi phạm thường xuyên đụng chạm vào vùng cơ thể nhạy cảm của nạn nhân bằng cách tuyên bố rằng đó là một phần của phương pháp điều trị y tế.

Nhiều trẻ em phải trải qua hành vi ngược đãi, xâm hại tình dục hoặc  bạo hành tại các cơ sở bảo trợ, chăm sóc  trẻ cơ nhỡ - Ảnh minh họa: Getty Images
Nhiều trẻ em phải trải qua hành vi ngược đãi, xâm hại tình dục hoặc bạo hành tại các cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ cơ nhỡ - Ảnh minh họa: Getty Images

Tháng 3/2024, cái chết của bé trai 1 tuổi ở TP Đài Bắc đã khiến dư luận Đài Loan (Trung Quốc) không khỏi xót xa. Đứa trẻ được giao cho Quỹ Liên đoàn phúc lợi trẻ em (CWLF) chăm sóc. Tổ chức này sau đó đã thuê người bảo mẫu họ Liu tại một mái ấm tư nhân để chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ toàn thời gian. Chính người chăm sóc mẹ chồng của cô Liu tại cơ sở đã dùng điện thoại di động ghi hình cảnh người này ngược đãi đứa trẻ và dùng nó làm bằng chứng để tố cáo với cảnh sát sau cái chết của cậu bé. Sau khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, CWLF đã xin lỗi công chúng nhưng phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Số phận bấp bênh của những đứa trẻ

Trong vòng 4 năm, Nahomi Bennett phải chuyển qua lại giữa hơn chục cơ sở thuộc hệ thống chăm sóc, bảo trợ trẻ em của bang Tây Virginia, Mỹ. Một trong số đó là mái ấm tập thể, nơi một cậu bé lớn tuổi hơn đã cưỡng hiếp cô ở tuổi 14. Bennett (hiện 20 tuổi) chia sẻ: “Đôi khi tôi vẫn gặp ác mộng. Tôi thực sự không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh của ký ức đó”.

Bang Tây Virginia bị tàn phá bởi tình trạng lạm dụng nhóm thuốc opioid gây nghiện, từ đó khiến tỉ lệ trẻ em được đưa vào hệ thống bảo trợ xã hội tăng 57% trong thập niên qua, đạt tỉ lệ cao nhất nước Mỹ. Dù chính quyền bang đã thực hiện các cải cách trong những năm gần đây như tuyển dụng thêm nhân viên và phát động chiến dịch tuyển dụng cha mẹ nuôi, những nỗ lực của họ đều không thành công. Marcia Robinson Lowry - Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận A Better Childhood - nhận xét: “Trẻ em đang bị ngược đãi, lạm dụng tình dục và bạo hành thể xác trong khi bị hệ thống bảo trợ xã hội giam giữ”.

Sixto Cancel - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Think of Us, trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) - vẫn nhớ như in thời điểm anh gặp lại em trai mình vào lúc 14 tuổi. Cậu bé tinh nghịch, ham học hỏi trong ký ức của Sixto đã biến mất sau 7 năm ở trong hệ thống bảo trợ xã hội. Năm 2021, Sixto và nhóm của anh đã công bố một nghiên cứu về tác động tàn khốc của việc đưa trẻ em vào các trung tâm bảo trợ không cần thiết. Báo cáo chia sẻ những câu chuyện về những người trẻ tuổi phải chịu đựng sự ngược đãi, bỏ bê và cô lập.

Sixto cho biết: “Nhiều trẻ em được gửi đến những cơ sở bảo trợ không phải vì lợi ích tốt nhất của chúng mà vì chúng đem đến lợi nhuận. Khi các cơ sở chăm sóc cố gắng kiếm lợi nhuận, họ không quan tâm đến chất lượng tiêu chuẩn mà chỉ lo lấp đầy số giường trống”.

Theo Sixto, giải pháp cho vấn đề là một cách tiếp cận toàn diện, ưu tiên giữ trẻ em ở lại với người thân bất cứ khi nào có thể, đầu tư vào các dịch vụ sức khỏe tâm thần và sức khỏe hành vi tại nhà, cung cấp đào tạo, hỗ trợ tài chính mà người thân cần để chăm sóc trẻ. Bằng cách kết hợp các dịch vụ xung quanh trẻ em và người chăm sóc tại nhà, cộng đồng có thể tạo ra các điều kiện để trẻ được chữa lành và phát triển, ngay cả khi chúng từng trải qua tổn thương sâu sắc.

Linh La

(theo CNA, NBC News, The Hill, Taiwan News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI