Khi lý thuyết và thực tế “chênh” nhau trong dạy tiếng Anh

14/12/2023 - 06:16

PNO - Trong chương trình mới, ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp Ba đến lớp Mười hai. Chương trình mới môn tiếng Anh được đánh giá cao về nội dung, phương pháp nhưng khi đưa vào giảng dạy lại gặp không ít khó khăn vì thực tế không như lý thuyết đưa ra.

Giáo viên vất vả “kéo” học sinh 

Có kinh nghiệm hàng chục năm giảng dạy, là đại diện của TPHCM tham gia Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Anh của Bộ GD-ĐT trong 4 năm liên tiếp, cô Phạm Thị Xuân Oanh - Trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) - thừa nhận chương trình mới rất hay nhưng thực tế dạy học còn gặp nhiều khó khăn. 

Cô Phạm Thị Xuân Oanh - giáo viên môn tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) - đã tổ chức rất nhiều hoạt động, dự án để học sinh có cơ hội sử dụng tiếng Anh - Ảnh: N.L.
Cô Phạm Thị Xuân Oanh - giáo viên môn tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) - đã tổ chức rất nhiều hoạt động, dự án để học sinh có cơ hội sử dụng tiếng Anh - Ảnh: N.L.

Theo cô, bậc THCS hiện có 9 đầu sách tiếng Anh được phê duyệt làm sách giáo khoa đều mang đậm dấu ấn thời đại, ứng dụng ngôn ngữ vào giao tiếp trong cuộc sống rất rõ rệt. Nội dung và phương pháp tiếp cận được xu hướng phát triển của thế giới; phân bổ và xây dựng theo hướng giúp trẻ mạnh dạn, tự tin và phát huy tư duy sáng tạo. Cô cũng rất tâm đắc khi chương trình xây dựng nội dung xuyên suốt từ tiểu học lên THCS, THPT theo hình tròn xoắn ốc. Kiến thức được liên kết liền mạch và tăng dần cấp độ chứ không rời rạc như trước đây. 

Yêu cầu về “đầu ra” rất rõ ràng. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, học sinh sẽ đạt trình độ tương đương bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Cụ thể, học hết tiểu học, học sinh phải đạt trình độ bậc 1, hết THCS là bậc 2, hết THPT là bậc 3. 

Chương trình, phương pháp và cả nội dung đều rất lý tưởng nhưng khi đưa vào giảng dạy thì giáo viên mới nhận ra những tồn tại. Thực tế, ở bậc THCS và THPT hiện tại là lứa học sinh đã học theo chương trình cũ trước đó, không được đồng bộ hóa kiến thức chương trình mới từ tiểu học nên trình độ không đồng đều, khó bắt kịp chương trình. Kể cả với những học sinh học chương trình mới từ tiểu học cũng khó có thể cân bằng được sự chênh lệch giữa các trường, giữa các khu vực khác nhau.

Như tại TPHCM, có trường chỉ học 1 buổi/ngày nên giáo viên dạy theo yêu cầu chung của Bộ GD-ĐT là 4 tiết/tuần, nhưng có trường dạy theo chương trình tăng cường, tích hợp với 6-8 tiết/tuần. Hiện nay chưa có đánh giá đầu ra với môn tiếng Anh; học sinh chỉ thi toán, ngữ văn, nghĩa là không phải em nào cũng đạt trình độ bậc 1 khi học xong tiểu học, thậm chí có những em mất căn bản, gần như “mù” ngoại ngữ. Trong khi đó, với chương trình từ bậc 2 trở đi đã bắt đầu học nâng cao, ví dụ phần viết đã yêu cầu học sinh viết một đoạn văn, bài luận nhỏ, email, blog… 

Cô Xuân Oanh nói: “Chúng ta cứ tưởng tượng việc này như ngôi nhà có 6 tầng nhưng 5 tầng dưới không có nền móng. Nhiều học sinh không đạt chuẩn, nhưng khi vào lớp Sáu đã bắt đầu học chương trình tương đương trình độ từ bậc 2 thì làm sao các em theo được. Điều này khiến giáo viên THCS cực kỳ vất vả khi vừa đảm bảo hoàn thành chương trình vừa phải ra sức “kéo” những học sinh này theo kịp bài học. Mà đây là tình trạng nan giải chung chứ không riêng gì ở trường tôi, chỉ trừ những trường chuyên có kiểm tra phân loại đầu vào môn tiếng Anh”.

Cách thi không thay đổi, học sinh khó đạt 4 kỹ năng

Nhiều ý kiến cho rằng chương trình tiếng Anh cũ (chương trình 2006) chưa hiệu quả vì còn nặng về ngữ pháp, từ vựng. Chủ yếu là cô giảng, trò nghe, mục tiêu nhằm vượt qua các kỳ thi mà bỏ qua 2 kỹ năng quan trọng của việc học ngoại ngữ là nghe và nói. Liệu chuyện cũ này lặp lại với chương trình mới không? Các giáo viên dạy tiếng Anh cho rằng nếu không tổ chức kiểm tra 2 kỹ năng nghe, nói thì học sinh học hết lớp Mười hai khó lòng đạt trình độ bậc 3.

Đã dạy qua cả hai chương trình cũ và mới, cô Hoàng Thị Thanh Tâm - Trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10, TPHCM) - cho biết: chương trình mới có rất nhiều đầu sách để lựa chọn. So với trước đây, nội dung có nhiều bài học lồng ghép về định hướng nghề nghiệp, giới thiệu các nền văn hóa, di sản… Hoạt động giao tiếp, chương trình trải nghiệm cũng đa dạng và thực tế hơn qua những bài học dự án. “Tuy nhiên, việc kiểm tra, thi cử vẫn tập trung vào phần ngữ pháp, từ vựng nhiều hơn. Do vậy, dù chương trình có thay đổi nhưng nếu các kỳ thi không thay đổi thì dạy và học tiếng Anh khó đạt đều cả 4 kỹ năng” - cô Hoàng Thị Thanh Tâm nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Thái - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị (quận 1, TPHCM), là tác giả nhiều giáo trình tiếng Anh - cho rằng: các kỳ kiểm tra đánh giá học sinh (kiểm tra giữa kỳ, học kỳ…) và kỳ thi lên lớp Mười, thi THPT nếu chưa đưa được nghe - nói vào thì khó tránh khỏi tình trạng học lệch giữa các kỹ năng. Vì nhu cầu trước tiên của học sinh và phụ huynh là phải đạt kết quả tốt trong các kỳ thi để xét tuyển lên lớp, chuyển cấp. Điều này gây áp lực lên giáo viên, họ buộc phải đặt mục tiêu kết quả học tập, thi cử của học sinh lên trước. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, để tổ chức kiểm tra kỹ năng nghe - nói cho học sinh ở quy mô lớn là một vấn đề khó vì số lượng học sinh rất đông, chi phí rất tốn kém, điều kiện cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng được.

Cô Thanh Tú - giáo viên tiếng Anh tại một trường THCS ở TPHCM - nêu thêm vấn đề sĩ số học sinh quá đông, mỗi lớp có tới 40-50 em là trở ngại lớn trong việc dạy tiếng Anh. “Chỉ việc làm sao để tất cả các em trong lớp có thể tập trung nghe giảng đã là một việc khó. Học sinh khó có cơ hội nói và sử dụng tiếng Anh trong khuôn khổ một tiết học với chừng đó em. Giáo viên buộc phải chia nhóm, tăng cường thêm nhiều hoạt động ngoài lớp học mới mong hiệu quả” - cô nói. 

Từng giảng dạy tiếng Anh cho hàng ngàn người ở Mỹ, tiến sĩ Phùng Thùy Linh - người vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ chọn làm chuyên gia Anh ngữ, nguyên là Giám đốc chương trình tiếng Anh tại Đại học Chatham (Mỹ) - cho rằng: dạy tiếng Anh và ngoại ngữ nói chung ở các quốc gia vẫn tồn tại vấn đề là dạy và học tập trung quá nhiều vào giảng giải từ vựng, ngữ pháp và làm bài tập dẫn đến việc các em ít cơ hội sử dụng ngôn ngữ.
Việc kiểm tra, đánh giá không khớp giữa mục tiêu và phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố cản trở lớn nhất đến sự phát triển khả năng sử dụng tiếng Anh. Giáo viên có thể chủ yếu tập trung vào việc giúp các em làm bài kiểm tra và học sinh thì cũng chỉ chú trọng vào những hoạt động giúp các em đạt được điểm cao. Khi những hoạt động giảng dạy và học tập chỉ tập trung vào chuẩn bị cho bài thi trắc nghiệm thì các em ít đi những cơ hội phát triển những kỹ năng khác. 
Bà cho rằng việc tính toán đưa đầy đủ các kỹ năng vào các kỳ thi sẽ giúp cải thiện cách học tiếng Anh cho học sinh. Để học tiếng Anh theo phương pháp hiện đại và giao tiếp được thì các kỹ năng cần tích hợp với nhau chứ không phân ra phải dạy kỹ năng nào trước và kỹ năng nào sau. Các em học sinh đã có kỹ năng ngôn ngữ ở tiếng Việt thì có thể phát triển tương tự trong tiếng Anh.

 

Học 3 chương trình ở trường nhưng vẫn phải học thêm 

Hiện nay, mỗi tuần con tôi (học lớp Bốn) có 7-8 tiết tiếng Anh ở trường, bao gồm: tiếng Anh theo chương trình của Bộ GD-ĐT, tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài, và Ismart (học tiếng Anh qua toán và khoa học). Học phí của chương trình Ismart và tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài khoảng 600.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, từ lớp Một tới nay, tôi chưa bao giờ thấy bé ôn bài, làm bài tập tiếng Anh ở nhà. Cả 3 bộ sách tiếng Anh bé cũng để lại trường vì nó quá nặng nên tôi không biết bé học như thế nào, đạt kết quả ra sao. 

Theo như tôi được biết, với chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT, bé học với giáo viên của trường. Chương trình Ismart thì bé học với giáo viên của chương trình. Tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài thì bé được học với thầy cô người nước ngoài. Tuy nhiên, tôi thật sự không yên tâm về chất lượng dạy và học của các chương trình này. 

Vì muốn củng cố kiến thức tiếng Anh cho con và muốn bé có các loại bằng Starters, Movers và Flyers nằm trong chương trình Cambridge English để được ưu tiên khi xét tuyển vào lớp Sáu nên tôi cho bé học thêm ở trung tâm ngoại ngữ bên ngoài. Bé học từ lớp Một tới nay, mỗi tháng tốn hơn 3 triệu đồng tiền học phí. Và hết năm học này (4/2024), bé mới hoàn thành chương trình Movers. 

Mặc dù học nhiều chương trình tiếng Anh với thời lượng cũng nhiều nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn phải dạy thêm cho bé ngữ pháp và phần viết tiếng Anh. Vì tôi thấy hầu hết các chương trình mà bé học đều chú trọng kỹ năng giao tiếp. Bé nghe, nói, đọc hiểu khá ổn nhưng ngữ pháp không vững và viết một đoạn văn ngắn thì lập tức sai các thì hiện tại, quá khứ, tương lai...

Mai Trúc (quận Bình Thạnh, TPHCM)

 

Nguyễn Loan 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • Thục Oanh 16-12-2023 06:18:31

    Lâu nay các gv giữ chức vụ: Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn,Công đoàn,Đoàn thanh niên...được giảm số tiết trong tuần + phụ cấp chức vụ. Giáo viên chủ nhiệm giảm 4 tiết/ tuân. Giáo viên dạy trải nghiệm,các kiêm nhiệm khác đều được tính tiết và trả bồi dưỡng...
    Mọi quy định phần cứng cho cán bộ lãnh đạo,giáo viên lâu nay các nhà trường đều thực hiện đúng và đủ.

  • Han 15-12-2023 20:45:28

    Hơn ai hết, các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn tiếng Anh trong trường sẽ hiểu được sự khác nhau và lệch hướng.
    Con tôi đang học lớp 9 và đã đạt được chứng nhận tiếng Anh Ielts 6.5 do Hội Đồng Anh cấp, nhưng khi kiểm tra trong trường thì chưa bao giờ được điểm 9, rõ ràng cách dạy ở trường không giống như sự nhìn nhận về năng lực tiếng Anh của Hội Đồng Anh..??

  • Đinh Ngọc Ky 15-12-2023 20:26:43

    Cái gì mà suốt ngày đè cao môn tiếng Anh vậy? Môn tiếng Anh đâu quan trọng bằng môn Vật Lý, môn Hoá Học, môn sinh vật...
    Ở nước Anh dân Anh thông thạo tiếng anh nhưng không giỏi môn Vật Lý môn Hoá Học Môn Sinh Vật thì cũng chỉ làm nghề lượm rác và gác cổng thôi
    Đừng quá đề cao moin tiếng Anh mà xem nhẹ các môn học cơ bản khác

  • Dothuy 15-12-2023 06:51:20

    Hoàn toàn đúng.

  • Lê Trí Đằng 14-12-2023 19:17:07

    Việc học tiếng Anh ở Việt Nam thiên về lý thuyết và đặc biệt là chỉ chú trọng về chia động từ. Viểc luyện nói và giao tiếp rất lơ là nên học sinh học xong THPT không còn nhớ gì. Bởi việc trang bị từ vựngeeee cho người học chỉ qua loa đại khái chủ yếu học sinh học để thi. Người dạy thậm chí cũng không giao tiếp được. Giáo trình dạy cũng chưa tự biên soạn còn lệ thuộc vào giáo trình nước ngoài. Vậy nên học sinh học xong chữ lại trả cho thầy. Việc dạy thêm cũng chỉ có lợi cho người dạy và người chịu thiệt thòi tốn kém wủa học sinh của phụ huynh. Khi nào việc dạy tiếng Anh từ bậc mầm non đến tiểu học trở lên là việc học theo phương pháp song song với tiếng việt ( song ngữ) thì lúc đó mới có hiệu quả và học sinh học xong THPT là biết giao tiếp thành thạo tiếng Anh thì khi đó mới đúng là việc học tiếng Anh đi vào cuộc sống. Muốn vậy phải có thầy giáo dạy môn tiếng Anh và có giáo trình của ta tự biên soạn hệ thống

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI