Khi lòng đủ yêu thương

13/11/2021 - 07:04

PNO - Tác giả Sương Nguyệt Minh vừa ra mắt tập bút ký - bình luận "Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua" với cái nhìn toàn cảnh, trung thực và nhiều nỗi niềm của một nhà văn mang quân hàm đại tá.

Với ngòi bút sắc sảo đã định danh bằng nhiều giải thưởng lớn, lần này, Sương Nguyệt Minh mang đến cho bạn đọc nhiều điều đáng suy ngẫm qua những bài bút ký và bình luận đầy tính thời sự giữa lúc “bóng ma” COVID-19 vẫn ám ảnh. 

COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành khắp thế giới. Ngày 31/12/2019, Trung Quốc báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về một loại vi-rút mới gây viêm phổi cấp. Đến ngày 30/1/2020, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do sự bùng phát và lây lan của loại vi-rút này. Đến nay, toàn thế giới đã có hàng trăm triệu người nhiễm COVID-19, hàng triệu người chết. Kinh tế xuống dốc. Tài chính khủng hoảng. Hàng trăm triệu người thất nghiệp. Thiệt hại về vật chất và tinh thần nhiều vô kể.

Những con vi-rút SARS-CoV-2 đã đặt ra “luật chơi” và phá hủy nhiều hệ giá trị tinh thần đã ổn định của loài người, làm nhân loại thất điên bát đảo. Con người nhận thức, ứng phó, phòng tránh… ra sao vẫn chưa đến hồi kết. Thế nhưng, những gì xảy ra trong đại dịch đều lộ diện trần trụi khiến chúng ta phải giật mình điều chỉnh lại tư duy và cách sống.

Với những dẫn cứ được thu thập tỉ mỉ, nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh đem đến cho độc giả những dữ liệu, câu chuyện về những ngày dịch một cách chân thực: từ thái độ hoang mang đến lơ là, từ tình trạng loạn giá đến nháo nhào tranh giành, từ sự đau đớn đến kiên cường chống đỡ…

Mỗi bài viết là một lát cắt, góc nhìn. Như trong bài viết Qua cơn đại dịch mới hiểu lòng người trong đục, tác giả đã thẳng thắn bàn về sự loạn giá của những chiếc khẩu trang thời điểm bùng dịch. Chính sự đầu cơ và tích trữ rồi lũng đoạn thị trường của một số ít con buôn dẫn đến tình trạng tranh giành kẻ có người không, tiền bạc cứ thế chảy vào túi tham. Tuy nhiên, cũng chính trong những ngày tháng ấy, rất nhiều cá nhân lẫn tập thể đã mạnh dạn từ bỏ lợi nhuận, đem những chiếc khẩu trang miễn phí đến tận tay người có hoàn cảnh khó khăn. Quy kết lại câu chuyện loạn giá như trong bài viết, nhà văn đã viết: “Cái tâm phải rộng thì mới đủ yêu thương, đủ yêu thương thì biết làm việc thiện”. 

Hay như nhắc đến cái tết thời COVID-19 của dân tộc, một cái tết trong lo âu, thắt lưng, buộc bụng, tác giả nhận xét: như “tết thời chiến”. Dịch bùng phát vào ngày 27 tháng Chạp, cái tết đoàn viên bỗng trở nên hỗn độn với hàng hóa ê hề chẳng ai mua, bao người con làm ăn xa xứ mong ngày về sum vầy bỗng kẹt cứng. Đó là cái tết mà toàn dân luôn trong tư thế sẵn sàng cách ly, phong tỏa, giải cứu hay chi viện - cái tết người Việt đón chờ trong nỗi lo sợ thay vì mừng vui. 

Đọc Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua, bạn có thể hình dung được quá trình diễn biến của dịch. Dù đại dịch chưa qua nhưng đã có quá nhiều điều đáng kể, đáng nói, đáng ghi chép lại. Bên cạnh những người giả dối, cơ hội, trục lợi, chủ quan, kỳ thị… thậm chí vô cảm với nỗi đau đồng loại, số đông còn lại là những người thiện lương, tử tế, can đảm, tận tụy, tỉnh táo, giàu tình thương yêu, thầm lặng cho đi trước dịch bệnh nghiệt ngã… 

Bằng cái nhìn tỉnh táo, nhân văn, giàu trách nhiệm của người cầm bút, tập bút ký của nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh đã nhắc nhớ chúng ta về một thời khắc lịch sử mãi chẳng thể quên của đất nước và toàn nhân loại - thời khắc mà nếu biết gạn đục khơi trong, lòng sẽ đủ yêu thương. Chính yêu thương này sẽ dẫn dắt chúng ta đi qua cơn dịch bằng tâm thế an lành nhất. 

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI