Khi lịch sử và cách tạo kịch tính trong nghệ thuật “choảng” nhau

14/08/2020 - 16:29

PNO - Bên cạnh thành công của loạt tác phẩm "Gwangju Video: The Missing", "Steel Rain 2: Summit"… không ít bộ phim khai thác đề tài lịch sử, chính trị Hàn Quốc vấp phải tranh cãi gay gắt như "Hạ cánh nơi anh", "Ông hoàng đường đua: Um Bok Dong"…

Kịch tính hóa kịch bản tạo nên làn sóng tranh cãi

Đề tài lịch sử, chính trị được xem là con dao hai lưỡi cho hầu hết các nhà làm phim xứ kim chi, bởi nếu thành công sẽ không chỉ mang về doanh thu khủng mà còn rộng đường cạnh tranh giải thưởng tại các liên hoan phim. Ngược lại, khi vấp phải phản ứng tiêu cực của khán giả, tất cả công sức sẽ đổ sông đổ biển, thậm chí lỗ vốn.

Hạ cánh nơi anh là bộ phim hiếm hoi gây tiếng vang lớn dù vướng tranh cãi lệch lạc và lãng mạn hóa hình tượng quân nhân, cuộc sống ở Triều Tiên, tuy nhiên, các tác phẩm còn lại không được may mắn như thế.

Trái ngược với kỳ vọng, Ông hoàng đường đua: Um Bok Dong (2019) kể về tay đua xe đạp lớn nhất xứ Hàn do đạo diễn Kim Yu-sung chỉ đạo đã bị chế nhạo, gọi là "kook-ppong" (một câu chuyện phóng đại để kích hoạt tình cảm dân tộc từ công chúng). Um Bok Dong (1892-1951) là người Hàn Quốc đầu tiên giành danh hiệu vô địch đua xe đạp và đánh bại nhiều đối thủ Nhật Bản trong giai đoạn 1910-1945, từng khiến công chúng xứ kim chi vô cùng tự hào. 

Son Ye Jin và Hyun Bin nhận được  sự chú ý lớn sau thành cộng của Hạ cánh nơi đây.
Son Ye Jin và Hyun Bin nhận được sự yêu mến nồng nhiệt của khán giả toàn châu Á sau thành công của "Hạ cánh nơi anh".

Nhưng cuộc sống sau khi giải nghệ của ông còn lâu mới được xem là anh hùng như trên phim, bởi ông phải ngồi tù vì tiêu thụ hàng chục chiếc xe đạp bị đánh cắp. Sai lệch cơ bản về lịch sử dù có sự góp mặt của nam ca sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng Bi Rain cũng không giúp ích được gì, phim nhanh chóng biến mất khỏi các hệ thống rạp chiếu.

Thay vì coi Triều Tiên là "kẻ thù chính" và mô tả đất nước này là mối đe dọa quân sự đối với Hàn Quốc, những bộ phim gần đây của xứ kim chi cố gắng nhắc nhở khán giả về lịch sử và văn hóa gắn kết từ rất lâu giữa hai quốc gia. Ashfall (2019), một bộ phim được đầu tư kinh phí lớn đã cố gắng khai thác góc nhìn mới mẻ trên. Nhưng vì thiếu sự nghiên cứu và mang hơi hướng kịch tính hóa thái quá, bộ phim vô tình vấp phải phản ứng dữ dội khi miêu tả một quân nhân Triều Tiên như người hùng cứu người đồng cấp mờ nhạt của Hàn Quốc. 

Dẫu vậy, dự án bị "ném đá" kịch liệt nhất bởi không chỉ dư luận trong mà còn ngoài Hàn Quốc phải kể đến Đảo địa ngục của đạo diễn Ryoo Seung-wan, ra mắt năm 2017. Tác phẩm của ông mô tả nỗi đau của khoảng 400 nô lệ Hàn bị đưa đến đảo Hashima, Nhật Bản khai thác than. Ngay khi phát hành, bản thân nhà làm phim đã hứng chịu vô số lời chỉ trích thậm tệ khi làm giảm nhẹ những chi tiết kinh khủng, thực tế tồi tệ gấp nhiều lần mà lao động Hàn phải đối mặt so với những gì được miêu tả trong phim. 

Ông hoàng đường đua: Um Bok Dong là cú ngã đau của Bi Rain.
"Ông hoàng đường đua: Um Bok Dong" là cú ngã đau của Bi Rain.

Đặc biệt, phân đoạn công nhân Hàn Quốc bị bạo hành bởi chính đồng hương của mình được xem là giọt nước tràn ly, dấy lên bức xúc trong dư luận. Dù ý định ban đầu của Đảo địa ngục nhằm đem lại một cái nhìn mới mẻ về nỗi thống khổ mà hàng nghìn lao động nước này phải hứng chịu trong thời chiến, nhưng nó lại gây tác dụng ngược.

Không riêng Hàn Quốc, các phương tiện truyền thông Nhật Bản còn thẳng thắn cáo buộc Đảo địa ngục xuyên tạc lịch sử, đồng thời tuyên bố tác phẩm đã làm gia tăng tư tưởng chống Nhật của người Hàn Quốc. Từ lâu, quan hệ giữa hai nước Nhật Bản - Hàn Quốc luôn trong tình trạng căng thẳng cả về chính trị, kinh tế lẫn văn hóa.

Các nhà làm phim cần thận trọng hơn khi khai thác đề tài lịch sử

Chính sai lầm từ khâu xây dựng kịch bản, thiếu cẩn trọng khi đụng đến vấn đề nhạy cảm như lịch sử và chính trị khiến các đoàn làm phim trả giá đắt, minh chứng rõ nét là sự tẩy chay của khán giả.

Ông hoàng đường đua: Um Bok Dong rời rạp chỉ vỏn vẹn hơn 170.000 vé tiêu thụ với nhiều hạt sạn; The King's Letters về đích với tổng 960.000 vé được bán ra. Trong khi đó, Đảo địa ngục khá khẩm hơn khi đạt 6,5 triệu lượt xem nhờ được phát hành ở nhiều thị trường nhưng so với kinh phí đầu tư 22,25 triệu USD, nhà sản xuất đã phải chịu lỗ khoản tiền đáng kể.

'Steel Rain 2: Summit áp đảo doanh thu phòng vé Hàn Quốc cuối tháng 7.
'Steel Rain 2: Summit" áp đảo doanh thu phòng vé Hàn Quốc cuối tháng 7.

Giáo sư, nhà sử học Ban Byung-yool cho biết, rủi ro luôn rình rập các đạo diễn khai triển đề tài lịch sử khi họ vừa phải đảm bảo đúng thực tế nhưng vẫn mang tính giải trí: “Đây là một điều kiện khó khăn để đáp ứng. Các nhà làm phim có xu hướng bi kịch hóa các sự kiện lịch sử nhất định để tăng sự giải trí cho khán giả. Nếu nỗ lực hư cấu các sự kiện trong lịch sử đi quá xa, phim của họ sẽ bị chỉ trích vì xuyên tạc."

Giáo sư cũng đưa ra lời khuyên cho các đơn vị sản xuất phim rằng cần đi sâu tìm hiểu kỹ những gì đã xảy ra trong quá khứ, trên cơ sở đó tái hiện sự kiện, thêm thắt một số chi tiết thu hút người xem nhưng không được vượt quá khuôn khổ của sự thật. 

"Trong phim ảnh, phim truyền hình hay tiểu thuyết, người sáng tạo cần nghiên cứu kỹ lưỡng các chủ đề mà họ sử dụng cho tác phẩm của mình bởi các dự án này có tác động lớn đối với công chúng. Nếu các nhà làm phim có ý định bóp méo lịch sử, điều này sẽ chỉ gây tổn hại cho họ và các bộ phim của họ mà thôi.” - Ban Byung-yool nhấn mạnh.

Gây nên không ít tranh luận về sai lệch lịch sử và cánh cửa kiểm soát còn gay gắt, nghiêm khắc hơn cả khâu kiểm duyệt chính là sự chọn lựa của khán giả Hàn Quốc. Họ luôn có đủ tỉnh táo và sâu sắc khi tiếp nhận bất cứ thông điệp nào được truyền tải qua các tác phẩm. Và một khi đã bị phản ứng, thì nhà sản xuất cầm chắc phần thua không chỉ ở tác phẩm hiện tại mà còn cả lòng tin với những sản phẩm tiếp theo.

Chung Thu Hương


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI