Khi làn da "kêu cứu" vì hóa chất tẩy rửa

22/12/2024 - 07:52

PNO - Hằng ngày, phụ nữ tiếp xúc với vô số hóa chất có trong các sản phẩm làm đẹp, sản phẩm tẩy rửa. Sự tiếp xúc lâu dài với những chất này có thể gây ra kích ứng da mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống nếu không kịp thời nhận biết và can thiệp.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Vương Thế Bích Thanh - giảng viên bộ môn da liễu Đại học y dược TPHCM - nhiều phụ nữ thường chủ quan khi tiếp xúc với hóa chất. Việc lạm dụng chất tẩy rửa mạnh hoặc bỏ qua những dấu hiệu lạ trên da có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng.

Bội nhiễm nghiêm trọng vì coi nhẹ các dấu hiệu cảnh báo

Cách đây 2 ngày, bác sĩ Bích Thanh tiếp nhận bệnh nhân P.T.C.L. (63 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) trong tình trạng khá nặng nề. Toàn bộ da ở 2 lòng bàn tay bệnh nhân nứt nẻ, đóng vẩy màu vàng và rỉ dịch. Phần da ở mu bàn tay người bệnh sưng húp, phù nề tới tận cổ tay. Bà L. đau đớn, hạn chế vận động, sinh hoạt khó khăn. Sau khi thăm khám, bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp bị bội nhiễm, nhiễm trùng do kích ứng mạn tính với hóa chất tẩy rửa.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vương Thế Bích Thanh - giảng viên bộ môn da liễu Đại học y dược TPHCM - đang thăm khám da cho một trường hợp - ẢNH: V.T.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Vương Thế Bích Thanh - giảng viên bộ môn da liễu Đại học y dược TPHCM - đang thăm khám da cho một trường hợp - Ảnh: V.T.

Từ khi nghỉ hưu, bà L. ở nhà phụ giúp con cháu việc nhà như rửa chén, giặt giũ. Những lần đầu, bà dùng tay trần rửa chén, giặt đồ và thấy không sao. Tuy nhiên, lâu dài, tự dưng tay bà bị khô, nứt nẻ nhẹ. Nếu bà tạm ngưng tiếp xúc với nước rửa chén hoặc nước giặt, tình trạng da lại tự hồi phục. Vì vậy, bà chủ quan, nghĩ rằng các dấu hiệu trên không quá nghiêm trọng. Thế nhưng, càng về sau, sau mỗi lần rửa chén, bàn tay của bà L. càng phản ứng nặng nề hơn, từ thô ráp chuyển sang bong tróc, đóng vẩy, thậm chí chảy máu.

Lần này, tình trạng da tay của bệnh nhân không thể tự hồi phục mà tổn thương rất nghiêm trọng. Bác sĩ Bích Thanh đã phải cho người bệnh điều trị kết hợp cả thuốc kháng sinh, kháng viêm và tăng cường dưỡng ẩm. Sau 1 tuần tái khám, bàn tay của bệnh nhân đã có những dấu hiệu cải thiện tích cực. Bác sĩ lưu ý rằng nếu bệnh nhân tiếp tục để da tay tiếp xúc trực tiếp với hóa chất tẩy rửa thì những lần phản ứng về sau sẽ càng nặng nề. Đây được gọi là trường hợp kích ứng mạn tính. Cơ thể chúng ta có tế bào ghi nhớ. Lần đầu, khi tiếp xúc với chất gây kích ứng, các phản ứng thường không rõ ràng. Những lần sau, nếu gặp lại hóa chất đó, các phản ứng viêm sẽ xảy ra ngày càng mạnh mẽ hơn.

Chị N.P.K.V. (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) không ngờ mình bị kích ứng da mạn tính với thuốc nhuộm tóc. Chị V. bị tóc bạc sớm nên thường xuyên nhuộm chân tóc. Phần da ở 2 bên tóc mai của chị luôn trong tình trạng sẩn, ngứa nhưng chị không quan tâm. Một lần, sau khi nhuộm tóc, phần da ở phần tóc mai đến má bị rát, ngứa tới mức ửng đỏ. Lúc này, chị nhớ lại và nhận ra nguyên nhân chính là ở thuốc nhuộm tóc. Mỗi lần nhuộm, thuốc nhuộm lại dính vào da mặt. Lúc gội đầu, để làm sạch phần thuốc nhuộm đó, thợ làm tóc đã nhúng bông gòn vào một loại hóa chất rồi chùi cho sạch. Chị V. vô cùng thắc mắc vì bấy lâu nay chị cũng nhuộm tóc với quy trình như trên mà da không phản ứng mạnh như lần này.

Bác sĩ Bích Thanh liên tục ghi nhận những trường hợp như bà L. và chị V. Tình trạng trên không chỉ xảy ra ở phụ nữ mà cả nam giới.

Viêm da kích ứng tích lũy

Viêm da tiếp xúc xảy ra có thể do kích ứng hoặc dị ứng. Ai cũng có thể bị kích ứng nếu da tiếp xúc với đủ lượng hóa chất nào đó, chẳng hạn dịch tiết của côn trùng, lá cây hoặc a xít, kiềm trong nước rửa chén và xà bông.

Hãy luôn  đeo găng tay khi làm các công việc  nội trợ cần tiếp xúc hóa chất tẩy rửa  - Nguồn ảnh: Internet
Hãy luôn đeo găng tay khi làm các công việc nội trợ cần tiếp xúc hóa chất tẩy rửa - Nguồn ảnh: Internet

Kích ứng da chia làm 2 loại: cấp tính và mạn tính. Nếu ta tiếp xúc với lượng hóa chất quá mạnh thì ngay lập tức hoặc chỉ sau vài phút sẽ cảm thấy da chỗ đó bị phỏng rát, châm chích. Chẳng hạn đang mùa mưa, không ít bệnh nhân than thở rằng sau khi đi ngoài đường về thì xuất hiện vệt đỏ, ngứa rát, thậm chí nổi mụn nước, mụn mủ (giới hạn rất rõ với vùng da lành). Đây có thể do dịch tiết trên lá cây theo nước mưa nhỏ xuống, dính lên da. Trường hợp trên gọi là kích ứng cấp tính.

Tiếp đến là tình trạng kích ứng mạn tính, xuất hiện khi da tiếp xúc với chất gây kích ứng nhiều lần. Ở lần đầu, các hóa chất này gây phản ứng viêm và được tế bào của cơ thể ghi nhớ. Lần sau, nếu gặp lại chất đó, cơ thể sẽ đưa ra hàng loạt phản ứng viêm trên da mạnh mẽ hơn. Đó là lý do nhiều chị em chia sẻ vài lần đầu rửa chén không sao nhưng về sau tay ngày càng khô, nứt nẻ. Kể cả với các trường hợp nhuộm tóc cũng vậy. Tất cả gọi chung là viêm da kích ứng tích lũy. Nếu chúng ta chủ quan, mặc kệ, không có biện pháp can thiệp khi làn da “kêu cứu” thì hàng rào bảo vệ của da bị tổn thương không thể phục hồi. Lúc đó, vùng da bệnh rất dễ bội nhiễm vi khuẩn, nhiễm trùng. Đặc biệt, đối với da vùng đầu, môi trường mồ hôi, ẩm ướt lại có nhiều bã nhờn là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.

Bảo vệ da trước hóa chất tẩy rửa và sản phẩm làm đẹp

Để bảo vệ làn da trước hóa chất tẩy rửa và sản phẩm làm đẹp, trước tiên, cần tránh để da tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng. Hãy luôn đeo găng tay khi làm các công việc nội trợ cần tiếp xúc hóa chất tẩy rửa. Bên cạnh đó, hãy là người tiêu dùng thông thái, chủ động đọc về thành phần của các hóa chất trên bao bì sản phẩm để có biện pháp bảo vệ làn da nhạy cảm của mình. Nếu trên bao bì sản phẩm có ghi nồng độ kiềm, a xít, tránh để da tay tiếp xúc trực tiếp. Kiềm có khả năng bào mòn lớp sừng khiến da và móng bị ảnh hưởng, lâu ngày mỏng đi, dễ nứt nẻ, bong tróc. Nên chọn các sản phẩm tẩy rửa có thành phần là những hóa chất có tính dịu nhẹ.

Đối với thuốc nhuộm tóc cũng vậy. Những ai bị tóc bạc, thường xuyên phải nhuộm chân tóc, hãy chọn thuốc nhuộm tóc không ô xy hóa có nguồn gốc thực vật. Loại thuốc nhuộm này không bền màu nhưng an toàn cho da đầu. Ngược lại, thuốc nhuộm tóc ô xy hóa duy trì màu vĩnh viễn nhưng trong thành phần có những chất gây kích ứng cho da. Khi gội đầu, các hành động như chà xát, kèm theo môi trường tóc ẩm ướt là điều kiện dễ xảy ra tình trạng kích ứng da.

Mặt khác, dưỡng ẩm da không chỉ là chăm sóc mà còn là bước điều trị cơ bản đối với các trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kích ứng với hóa chất. Một số bệnh nhân sau khi đi khám, chỉ chú trọng thuốc uống, thuốc bôi mà coi nhẹ công đoạn dưỡng ẩm làn da. Đây là một quan niệm sai lầm.

Cuối cùng, nếu bỗng dưng thấy trên da xuất hiện các dấu hiệu bất thường như châm chích, ngứa, rát thì đừng coi thường mà cần theo dõi sát sao, đi khám kịp thời để được tư vấn và can thiệp đúng cách. Nên nhớ, làn da không chỉ gắn liền yếu tố thẩm mỹ mà còn đóng vai trò như hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn bên ngoài.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI