Khi kỷ lục Việt Nam chỉ có... to nhất, dài nhất

14/07/2023 - 06:04

PNO - Đến nay, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã xác nhận trên dưới 3.500 kỷ lục. Tính ra, cứ khoảng 2 ngày, tổ chức này lại xác nhận thêm 1 kỷ lục mới, phần nhiều là dài nhất, to nhất, nặng nhất và không ít trong số đó là kỷ lục “trời ơi”.

Áo dài “Dấu ấn thời gian” của nhà thiết kế Hoàng Ly được xác lập kỷ lục là chiếc áo dài lụa 189m, có số lượng đính đá và in nổi hoa văn, họa tiết cổ xưa của Việt Nam nhiều nhất (468 hoa văn, họa tiết) ẢNH: NHÀ THIẾT KẾ HOÀNG LY
Áo dài “Dấu ấn thời gian” của nhà thiết kế Hoàng Ly được xác lập kỷ lục là chiếc áo dài lụa 189m, có số lượng đính đá và in nổi hoa văn, họa tiết cổ xưa của Việt Nam nhiều nhất (468 hoa văn, họa tiết) - Ảnh: Nhà thiết kế Hoàng Ly

Ngoài “nhất”, còn có “đầu tiên”

Tháng 6/2023, chiếc áo dài Dấu ấn thời gian của nhà thiết kế Hoàng Ly được VietKings ghi nhận là chiếc áo dài lụa 189m, có số lượng đính đá và in nổi hoa văn, họa tiết cổ xưa của Việt Nam với số lượng nhiều nhất (468 hoa văn, họa tiết). “Đây là kỳ dị chứ không phải kỷ lục. Áo dài này không có tính ứng dụng thực tế”, “Sẵn đây xin xác lập luôn chiếc áo dùng nhiều bột giặt nhất Việt Nam”, “Đang bị ám ảnh thành tích hay sao?”… là những bình luận của cư dân mạng về bộ áo dài “kỷ lục” này.

Trước đó không lâu, nhà thiết kế Phương Hồ cũng nhận bằng kỷ lục Việt Nam với chiếc áo dài quảng bá các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam dài nhất, với chiều dài 220,6m, trọng lượng gần 250kg. Khi chiếc áo này được trình diễn, lại có thêm 2 kỷ lục được xác lập: đường trình diễn dài nhất Việt Nam (dài hơn 500m); số lượng người mặc áo dài tham dự sự kiện văn hóa, nghệ thuật đông nhất Việt Nam (khoảng 4.000 người). 

Theo thông tin từ VietKings, từ khi thành lập (năm 2004) đến tháng 1/2023, tổ chức này đã xác nhận gần 3.500 kỷ lục. Như vậy, bình quân khoảng 2 ngày, lại có 1 kỷ lục mới được xác nhận. Có đơn vị xác lập đến 4 kỷ lục chỉ trong 2 tháng, hoặc có sự kiện xác lập cùng lúc 2-3 kỷ lục. 

Có thể thấy, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chia nhỏ các tiêu chí để “sản xuất” ra các kỷ lục. Bởi vậy mới có những kỷ lục như: bức tường tranh bích họa ven biển có chủ đề bảo vệ môi trường, biển đảo, quê hương Ninh Hải trong xây dựng nông thôn mới dài nhất Việt Nam; chiếc ram cuốn Hà Tĩnh dài nhất; vườn cây hoa nhài 2 lá và 3 lá trồng chậu có số lượng cây nhiều nhất Việt Nam; tấm đá thạch anh thiên nhiên lớn nhất có các vân đá hình dạng tranh sơn thủy; bộ cửa lùa nhôm kính lớn nhất Việt Nam; dĩa bánh tráng trộn khổng lồ; bộ ly và phin pha cà phê bằng gỗ lớn nhất Việt Nam; cặp nhẫn cưới bằng inox mạ vàng lớn nhất Việt Nam…

Không dừng lại ở tiêu chí dài nhất, nặng nhất, cao nhất, gần đây, kỷ lục Việt Nam còn có nhiều cái “đầu tiên”: chương trình đại tiệc bách niên trường thọ lần đầu tiên kiến tạo cộng đồng trên bản đồ số; cuốn sách đầu tiên giới thiệu nghệ thuật xăm hình Á Đông…

Nhà thiết kế Phương Hồ được trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho chiếc áo dài Non sông gấm vóc vào cuối tháng 5/2023 - ẢNH: THÀNH LÂM
Nhà thiết kế Phương Hồ được trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho chiếc áo dài Non sông gấm vóc vào cuối tháng 5/2023 - Ảnh: Thành Lâm

Lẽ ra, kỷ lục phải đi liền với tính độc đáo, quý hiếm, bền vững, có tác động lớn đến xã hội, nhưng khi nhìn vào danh sách kỷ lục kể trên, người ta không rõ chúng có giá trị gì. Nhiều kỷ lục được xác lập bởi các tập đoàn, doanh nghiệp nhằm mục đích truyền thông, quảng bá, gây chú ý cho thương hiệu. Nói cách khác, kỷ lục đang là cuộc chơi của người nhiều tiền. 

Có tiền là có kỷ lục?

Chiều 10/7, khi liên hệ theo số đường dây nóng của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, chúng tôi được hướng dẫn làm theo các bước đã được đăng trên trang web của tổ chức này. 

Theo quy định, kỷ lục Việt Nam do VietKings xác nhận được chia thành nhiều tiêu chí và mỗi kỷ lục được xác lập chỉ ghi nhận 1 tiêu chí, gồm những thành tựu, giá trị tích cực mang yếu tố kỷ lục của con người; mang yếu tố đầu tiên có nội dung tích cực, khơi gợi sự sáng tạo; sự vật, hiện tượng, sự việc có yếu tố tích cực nhất; nội dung kỷ lục có ý nghĩa quan trọng với sự hình thành, phát triển, góp phần mang lại giá trị cho cộng đồng, xã hội… 

Mẫu đăng ký kỷ lục được đăng công khai trên trang web của VietKings và cá nhân, tổ chức muốn xác nhận kỷ lục thì phải đóng phí theo quy định. Cụ thể, phí xác nhận kỷ lục của cá nhân từ 10-50 triệu đồng, của doanh nghiệp từ 30-80 triệu đồng, chưa bao gồm các khoản phí khác như mời đại diện của tổ chức này tham dự lễ công bố kỷ lục (vé máy bay, phòng khách sạn, chi phí ăn uống), thù lao cho cán bộ, chuyên viên…

Quá trình thực hiện chiếc ram cuốn Hà Tĩnh dài nhất, được xác nhận kỷ lục vào cuối tháng 4/2023 -  ẢNH: VIETKINGS
Quá trình thực hiện chiếc ram cuốn Hà Tĩnh dài nhất, được xác nhận kỷ lục vào cuối tháng 4/2023 - Ảnh: Vietkings 

Nhiếp ảnh gia Thái Phiên kể, cách đây vài năm, ông đã được liên hệ, đề nghị xác lập kỷ lục liên quan đến quá trình hoạt động và các tác phẩm nhiếp ảnh. Tổ chức xác lập kỷ lục tư vấn về việc làm hồ sơ và đóng phí. Ông đã từ chối bởi cho rằng gia tài nhiếp ảnh của mình đã được công chúng biết đến và ghi nhận. Ông nói: “Với tôi, việc dùng tiền để có một danh hiệu nào đó là không thực sự cần thiết”. 

Ca sĩ Ánh Tuyết cũng từng được đề nghị xác nhận nhiều kỷ lục, như ca sĩ mang nhiều tác phẩm nhạc xưa trở lại, ca sĩ tổ chức nhiều chương trình tác giả - tác phẩm nhất. Tuy nhiên, bà đã “nói không”. Bà lý giải: “Nếu đăng ký xác lập kỷ lục, trước tiên, tôi thấy mắc cỡ với chính mình. Tôi nghĩ, đã là kỷ lục thì phải có tầm vóc, sức ảnh hưởng, giá trị lớn. Cứ như trường hợp của tôi thì ai cũng có thể lập được kỷ lục”.

Nghệ sĩ ưu tú Hoa Hạ là tổng đạo diễn của 2 vở cải lương Kim Vân Kiều (năm 2007) và Chiếc áo thiên nga (năm 2008) thiết lập hàng loạt kỷ lục Việt Nam. Riêng vở Kim Vân Kiều lập được 6 kỷ lục: vở cải lương có thiết kế sân khấu lớn nhất (900m2); dàn nhạc đông nhất (21 danh cầm nhạc cổ và 60 nhạc công dàn nhạc giao hưởng); số lượng phục trang nhiều nhất (436 bộ); tập trung nhiều diễn viên nhất (515 người); có giá trị đầu tư cao nhất (1,8 tỉ đồng, sau đó đã bị vở Chiếc áo thiên nga phá kỷ lục với hơn 3,7 tỉ đồng); lần đầu kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật (cải lương, hát bội, xiếc, giao hưởng, tân nhạc) trong 1 tác phẩm sân khấu.

Đến nay, Nghệ sĩ ưu tú Hoa Hạ vẫn tâm đắc về những kỷ lục mà 2 vở cải lương trên đạt được. Trên hết, đó là 2 công trình nghệ thuật được đầu tư, dàn dựng công phu, quy tụ được lực lượng làm nghề đông đảo nhất và tinh nhuệ nhất của làng văn nghệ TPHCM lúc bấy giờ. 2 tác phẩm cũng đánh dấu những thể nghiệm táo bạo khi đưa cải lương từ sân khấu hộp ra quảng trường, phối hợp giữa dàn nhạc cổ và dàn nhạc giao hưởng…

Nghệ sĩ ưu tú Hoa Hạ nói: “Các suất diễn ở sân vận động Quân khu 7 đều đầy khán giả, tạo hiệu ứng lâu dài với nhiều tranh luận về hiệu quả thể nghiệm sân khấu. Tôi cho rằng, những nỗ lực lập kỷ lục ở mọi lĩnh vực đều là điều tốt, thể hiện khát vọng vượt qua các giới hạn của chính mình. Thế nhưng, một kỷ lục có ý nghĩa không chỉ dành riêng cho mình mà phải phục vụ cho đời sống cộng đồng; từ kỷ lục đó, phải tạo ra những giá trị có thể sử dụng được hoặc thưởng thức được, truyền cảm hứng được, làm cho đời sống thêm thăng hoa, nhiều màu sắc”. 

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) được thành lập ngày 9/9/2004 với mục đích tìm kiếm, xác lập và vinh danh những giá trị đỉnh cao của Việt Nam, thuộc Hội Kỷ lục gia Việt Nam (được thành lập theo Quyết định số 959/QĐ-BNV ngày 23/8/2013 của Bộ Nội vụ). Theo thông tin trên trang web của VietKings, tổ chức này là đơn vị thành viên của Hiệp hội Kỷ lục thế giới và Liên minh Kỷ lục thế giới, là thành viên sáng lập của Hiệp hội Kỷ lục gia quốc tế. 

Theo VietKings, khoản phí cá nhân, tổ chức đóng sẽ được chi cho quá trình xác minh thông tin; thực hiện các hoạt động tư vấn, thiết lập hồ sơ đăng ký kỷ lục; hỗ trợ, tài trợ cho các kỷ lục cộng đồng, kỷ lục ý chí, kỷ lục từ thiện, xã hội; hành trình quảng bá đất nước, con người Việt Nam.

Kỷ lục phải mang lại niềm tự hào, thúc đẩy sự sáng tạo

Việc tôn vinh các kỷ lục có giá trị sẽ tạo ra những tác động tích cực, như mang lại niềm tự hào, ý thức phấn đấu cho cộng đồng; thúc đẩy sự cạnh tranh, sáng tạo; khai thác tiềm năng của con người; góp phần bảo tồn văn hóa, đặc biệt là các kỷ lục gắn với văn hóa dân gian, truyền thống. Nhưng, việc cố đạt kỷ lục một cách không xứng đáng lại tạo ra sự kệch cỡm, rối loạn về đạo đức, về nhận thức giá trị thực trong xã hội. 

Những kỷ lục gây tranh cãi vừa qua cũng như sự thiếu tin tưởng của công chúng có thể do 2 nguyên nhân: tiêu chuẩn và quy trình công nhận kỷ lục ở Việt Nam có thể không tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, dẫn đến sự không nhất quán trong việc đánh giá và công nhận. 

Điều này đặt ra yêu cầu phải xem lại ý nghĩa của các kỷ lục, cách thức và quan điểm khi xác định và công nhận các kỷ lục. Cần có một quy trình công bằng, khách quan và đáng tin cậy để đảm bảo rằng các kỷ lục được xác nhận dựa trên tiêu chí rõ ràng, được thực hiện trong môi trường an toàn và có trách nhiệm. Thay vì tập trung vào việc thiết lập kỷ lục một cách vô tổ chức, thể hiện sự háo danh hay thậm chí trục lợi, chúng ta có thể hướng đến việc tạo ra kỷ lục để thể hiện sự khám phá, sáng tạo và đóng góp cho xã hội một cách có ý nghĩa và bền vững. 

Ngoài ra, để hướng đến việc xác lập kỷ lục xứng đáng, cần tăng cường công khai thông tin và nâng cao nhận thức của công chúng về tiêu chuẩn của các kỷ lục; cần có sự giám sát độc lập từ các tổ chức hoặc chuyên gia có uy tín để đảm bảo tính khách quan và chuẩn xác của quy trình xác định kỷ lục.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn

 Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI