Tuy nhiên, báo giới chú ý đến vụ việc lâu đời này trong bối cảnh Harvey Weinstein, ông chủ hãng Weinstein, người sản xuất và phát hành nhiều tác phẩm đoạt Oscar đang ở tâm điểm của hàng loạt vụ bê bối tình dục rúng động Hollywood.
Điểm giống nhau giữa ông chủ nhà băng và Weinstein là hành động xấu xa của họ diễn ra với nhân viên nữ cấp dưới tại nơi làm việc, và nhờ vị trí là cấp trên, các vụ việc được che đậy suốt trong nhiều năm.
|
Mechelle Vinson trước Toà án Tối cao năm 1986 sau khi các thẩm phán nghe vụ án phân biệt đối xử về giới của cô - Ảnh: LIFE/Getty Images |
Gần bốn thập kỷ trước, nữ nhân viên ngân hàng Mechelle Vinson đưa đơn kiện sếp của mình, vụ kiện kết thúc tại Toà án Tối cao Hoa Kỳ và được tái xác định là quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Vụ án của Vinson đã ghi dấu trong lịch sử pháp lý ở Mỹ.
Vinson bị mất việc tại Ngân hàng Tiết kiệm liên bang Capital City ở Đông Bắc Washington khi cô nộp đơn kiện vào năm 1978. Trong đơn, cô tuyên bố rằng trong bốn năm làm việc tại ngân hàng, giám đốc chi nhánh Sidney L. Taylor nhiều lần tấn công tình dục cô - có lần ông ta đè cô xuống sàn hầm chứa tiền của ngân hàng. Taylor đe dọa sa thải cô nếu cô từ chối yêu cầu của hắn.
Vụ án mang tên “Ngân hàng Tiết kiệm Meritor và cô Vinson” là vụ kiện đầu tiên thuộc loại này được Tòa án Tối cao thụ lý.
Hồ sơ kiện cho biết, việc quấy rối bắt đầu vào năm 1974.
Một vài tháng sau khi Vinson, 19 tuổi, bắt đầu thực tập làm nhân viên thu ngân tại Ngân hàng Tiết kiệm liên bang, người quản lý yêu cầu cô cùng đi ăn tối tại một nhà hàng Trung Quốc. Nhà hàng này kết nối với một nhà nghỉ, và sau bữa tối người quản lý yêu cầu cô quan hệ tình dục để đổi lấy việc làm tại ngân hàng.
Vinson nói với ông chủ rằng cô đánh giá cao sự giúp đỡ của anh ta trong việc tuyển dụng cô làm việc. "Tôi không muốn cám ơn, tôi muốn lên giường với cô”, Taylor nói với cô. Khi cô từ chối, ông ta đã đe dọa cô.
"Tôi nói rồi, tôi không muốn lên giường với ông”, Vinson nói với tờ Washington Post trong một cuộc phỏng vấn năm 1986. "Ông ấy nói ‘nếu tôi thuê được cô thì cũng đuổi việc cô được, tôi sẽ hủy hoại cô, và nếu cô không làm điều tôi nói, tôi sẽ giết cô’, câu chuyện bắt đầu như thế”.
|
Năm 1991, giáo sư Luật Anita Hill của Đại học Oklahoma đã cáo buộc ông Clarence Thomas, người được đề cử vào Tòa án Tối cao, quấy rối tình dục trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện - Ảnh: AP |
Taylor, một người đàn ông đã lập gia đình có bảy người con và một phó tế trong nhà thờ, đã bác bỏ những cáo buộc. Nhưng Vinson, người hiện đang sống tại một nơi nào đó ở khu vực Washington, ước tính rằng cô "quan hệ với ông ta khoảng 40 đến 50 lần", theo cáo trạng của tòa.
"Taylor vuốt ve Vinson trước mặt các nhân viên khác, đi theo cô vào phòng vệ sinh phụ nữ khi cô vào đó một mình, “khoe hàng” với cô và thậm chí còn cưỡng hiếp cô khi có dịp”.
Trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post, Vinson mô tả hành động của ông chủ thật đáng sợ và nhục nhã.
Một lần, ông chủ nói máy điều hòa không khí bị trục trặc và yêu cầu Vinson xuống tầng hầm kiểm tra. Khi cô đi xuống, gã chủ xấu xa bèn đi theo và vồ lấy cô để thỏa mãn nhu cầu.
Năm 1977, Vinson - khi đó đã lên làm trợ lý Giám đốc chi nhánh - xin nghỉ ốm không xác định thời gian. Năm 1978, cô bị sa thải vì nghỉ quá phép. Năm đó, cô đã kiện Taylor và ngân hàng ra tòa.
Luật sư của cô, John Marshall Meisburg Jr., người nộp đơn kiện đầu tiên cho Vinson, mô tả đây là một "cáo buộc về tình trạng nô lệ tình dục."
Năm 1980, một biện lý quận phán quyết chống lại vụ kiện của Vinson, ông ta nói rằng cô không bị phân biệt đối xử tại chỗ làm việc. Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ đã đảo ngược quyết đinh và phán quyết phụ nữ không cần phải chứng minh sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc để chứng minh họ bị quấy rối tình dục. Ngân hàng sau đó kháng án lên Tòa án Tối cao.
Ngày 19/6/1986, Tòa án Tối cao nhất trí phán quyết rằng, quấy rối tình dục vi phạm luật liên bang chống phân biệt đối xử, và các công ty phải chịu trách nhiệm về hành vi quấy rối tình dục của những người phụ trách - ngay cả khi công ty đó không hay biết gì về vụ quấy rối.
|
Lời khai của Anita Hill vào năm 1991 tại buổi điều trần chứng thực là cảm hứng làm nên bộ pjim nổi tiếng của HBO – “Chứng thực” - Ảnh: Washington Post |
Chánh án William H. Rehnquist viết: "Khi một ông sếp hăm dọa một người thuộc quyền liên quan đến yêu sách tình dục đối với cấp dưới, ông sếp đó đã phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính”.
Vụ Mechelle Vinson tác động rất lớn đến môi trường làm việc ở Mỹ.
Năm năm sau, vào năm 1991, cô gái Anita Hill đưa ra lời buộc tội quấy rối tình dục đối với Clarence Thomas, người được đề cử làm thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Cả nước Mỹ rúng động trước lời khai có tuyên thệ được truyền hình của Hill trước Uỷ ban Tư pháp của Thượng viện và những lời phủ nhận gay gắt của Thomas. Nhưng đến nay, ông ta vẫn ngồi vững vàng tại Toà án Tối cao.
Lời khai của Anita Hill là nguồn cảm hứng để HBO cho ra đời bộ phim nổi tiếng “Chứng thực”.
Năm ngoái, hàng chục phụ nữ đã lên tiếng cáo buộc những người đàn ông quyền lực - Bill Cosby, Roger Ailes, Bill O'Reilly và Harvey Weinstein - những tội phạm tình dục ở nơi làm việc. Gần như tất cả những phụ nữ này đều phản ánh sự bất lực mà Vinson mô tả khi ông chủ ép cô quan hệ trong phòng trọ.
"Tôi chỉ đứng đó không làm gì cả. Người tôi cứng đờ như khúc gỗ, dường như tôi đã chết. Nước mắt trào ra ướt cả mặt tôi. Ông ấy không nói gì, chỉ tập trung vào làm điều mình muốn làm. Ông ấy cởi bỏ quần áo của tôi và đặt tôi nằm xuống…”
Cẩm Hà (Theo Washington Post)