Mới đây, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức), tiêu chí huy chương, giải thưởng lại một lần nữa được đặt ra. Những chiếc huy chương ở các kỳ liên hoan đang trở thành đích ngắm của nghệ sĩ để đủ tiêu chí làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu.
“Chạy” huy chương, giải thưởng bằng mọi giá không chỉ khiến người làm nghề chân chính bức xúc, mà còn biến những kỳ liên hoan mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có. Liệu có dẹp được bệnh “chạy” huy chương đang mài mòn đam mê của những người làm nghề chân chính? Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn về vấn đề này.
|
Chỉ khi thôi đếm huy chương để xét tặng danh hiệu, liên hoan và huy chương mới được trả về với giá trị vốn có |
Phóng viên: Thưa ông, việc đếm huy chương làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu đang lấy mất sự hân hoan của những người làm nghề với ngày hội của mình, ông nghĩ gì về điều này?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Huy chương, giải thưởng là điều tất nhiên phải có ở các cuộc liên hoan, hội thi trong mọi lĩnh vực chứ không riêng nghệ thuật. Đó là sự vinh danh, động viên những nghệ sĩ (NS) tài năng, giàu đam mê và sức sáng tạo. Huy chương không có lỗi, nếu là mục tiêu phấn đấu để người NS rèn luyện tài năng, cống hiến cho nghệ thuật và khán giả. Nhưng nếu huy chương chỉ hướng đến danh hiệu, thì quả là không ổn. Người NS được công chúng, đồng nghiệp yêu mến đâu phải chỉ vì danh hiệu, mà bằng tài năng, nỗ lực và đạo đức của chính họ. Giải thưởng cao quý nhất, giá trị nhất chính là sự yêu mến của công chúng.
* Nhưng thực tế, các kỳ liên hoan đang được xem là cơ hội để “sưu tập” huy chương. Có diễn viên một năm đóng ba vai chính, tham gia ba kỳ liên hoan. Các đơn vị có sự sắp xếp cho NS có huy chương để đủ làm hồ sơ xin xét tặng. Có những cuộc đi “cửa sau” với giám khảo để đặt cọc huy chương cho “gà nhà”…
- Không phủ nhận đây là điều có thực ở các kỳ liên hoan. Một số đơn vị đầu tư cho những NS đã có nhiều năm cống hiến nhưng chịu thiệt thòi, chưa đủ huy chương để làm hồ sơ xét danh hiệu. Tuy nhiên cũng có cả những sắp xếp chưa hợp lý. Việc mở lời với ban giám khảo để gửi gắm dựa trên sự thân tình và mối quan hệ cũng xảy ra, nhưng để có sự hỗ trợ thì ít nhất người NS đó phải thể hiện khả năng của mình trên sân khấu. Một vai diễn quá tệ, hẳn giám khảo cũng không thể vì tình cảm mà trao huy chương. Nhưng sự thiên vị này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến liên hoan và giá trị của các giải thưởng, huy chương.
* Dư luận, bức xúc của các NS về việc mua giải, về những chiếc huy chương vẫn rộ lên sau những cuộc liên hoan. Mới đây, việc này một lần nữa được NSND Thanh Hoa đặt ra ngay trong hội nghị. Xin ông cho biết quan điểm của mình?
- Tôi khẳng định việc mua bán giải thưởng, huy chương là điều hoàn toàn không thể xảy ra, bởi mua bán giải là vi phạm quy chế, không thể chấp nhận và ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của cả ban giám khảo lẫn ban tổ chức. Tuy nhiên trong quá trình chấm giải, cảm xúc, tình cảm của người chấm có thể khác nhau. Bởi nghệ thuật không thể như những cỗ máy. Một tác phẩm, một vai diễn hay hoặc dở tùy thuộc cảm xúc, góc nhìn của mỗi người. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một vài trường hợp, giám khảo có sự thiên vị dựa trên tình cảm, mối quan hệ quen biết riêng tư, hoặc gửi gắm trên tinh thần hỗ trợ, nhưng khó có thể xem đó là một sự mua bán.
Dẫu vậy, sau mỗi đợt liên hoan, ban tổ chức luôn lắng nghe tất cả ý kiến, tâm tư… của anh chị em NS để có thể từng bước điều chỉnh những bất cập. Như mới đây, ở chuỗi liên hoan các loại hình nghệ thuật năm 2018, đã có quy định những ai có tác phẩm dự thi đều không được ngồi ghế giám khảo. Đội ngũ giám khảo cũng đã được trẻ hóa để có nhiều góc nhìn, quan điểm khác nhau khi thảo luận về các giải thưởng.
* Nhưng đó chỉ là những thay đổi trong công tác tổ chức, thưa ông?
- Những bất cập trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã được nhận diện rất rõ, và Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng mong sẽ có những thay đổi để trả lại các giá trị về đúng với vị trí của nó. Như tôi đã nói, phấn đấu để có huy chương không phải là việc làm xấu. Nhưng nếu nhắm đến huy chương, giải thưởng để có quyền lợi về danh hiệu mà quên nhiệm vụ phục vụ khán giả là mất cân bằng. Mỗi người NS nên xem việc phục vụ công chúng là giá trị trên hết. Từ hiệu quả công chúng để đạt được các giải thưởng tiếp theo, thì những giải thưởng đó sẽ có giá trị, ý nghĩa hơn. Nếu các đơn vị, cá nhân chỉ chăm chăm làm tác phẩm thật tốt để đi thi và đạt giải thưởng, có thể đó là tác phẩm tốt thực sự, nhưng vô nghĩa nếu công chúng không biết gì về tác phẩm, NS đã từng đoạt huy chương. Bên cạnh huy chương, nghệ thuật không thể thiếu giá trị phục vụ xã hội.
* Đó là lý thuyết người làm nghề thuộc lòng, nhưng không nhiều người muốn thực hành, và vì thế việc chạy huy chương vẫn chưa có hồi kết?
- Xét danh hiệu dựa trên huy chương là không sai, nhưng chưa đủ, bởi thực tế có rất nhiều NS tuy không đủ huy chương, nhưng lại được công chúng, xã hội công nhận cả tài năng lẫn sự đóng góp cho nghệ thuật. Ngược lại, có những NS được trao tặng danh hiệu NSND, nhưng nhân dân không biết NS ấy là ai. Khi vẫn còn sử dụng huy chương như một tiêu chuẩn quan trọng để xét danh hiệu, thì một bộ phận NS sẽ bị áp lực tâm lý đi thi là phải có huy chương.
Gần đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo mới, hội đồng cũng có những xem xét khác, ghi nhận công lao của những NS tài năng nhưng chưa đủ hoặc chưa có huy chương. Những đề xuất thay đổi sắp tới trong việc xét tặng danh hiệu là không cộng gộp huy chương, và không xem yếu tố huy chương là tiêu chí quyết định để xét tặng danh hiệu. Một trong những tiêu chí nên coi là quan trọng nhất để xét tặng danh hiệu, là tài năng của NS. Khi chiếc huy chương không còn là tiêu chuẩn quan trọng nhất để xét danh hiệu, thì lùm xùm quanh chuyện huy chương sẽ được dẹp bỏ. Và NS sẽ phải thay đổi suy nghĩ, phải nỗ lực bằng mọi khả năng để được công chúng yêu thích. Liên hoan sẽ là cuộc chơi sòng phẳng, còn những chiếc huy chương sẽ được trả về với đúng giá trị, vị trí vốn có.
Đây là những đề xuất, đang tham khảo thêm ý kiến của người làm nghề và công chúng. Nếu có nhiều sự đồng tình, sẽ có những sửa đổi ngay trong lần xét tặng danh hiệu sắp tới.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
NSND Lê Tiến Thọ (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam): Để chiếc huy chương ở các kỳ liên hoan phát huy hết giá trị, những chiếc huy chương, giải thưởng đó phải được giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Các NS cần có những buổi biểu diễn để khán giả thưởng thức những vai diễn được ban giám khảo trao huy chương vàng. Chính khán giả mới là người thẩm định chính xác nhất giá trị thực của những chiếc huy chương, giải thưởng đó. Để được tính huy chương trong xét tặng danh hiệu, cần xét thêm yếu tố hiệu quả biểu diễn phục vụ nhân dân. Huy chương, giải thưởng không tiếp cận với khán giả thì họ cũng sẽ không biết những NSƯT, NSND được vinh danh là ai. Cần có quy định thêm những vở diễn, vai diễn đạt huy chương phải có bao nhiêu suất diễn cho khán giả, được quy định khoảng thời gian phù hợp. Chỉ khi đó giá trị của NSƯT, NSND mới đủ sức thuyết phục và được tôn vinh. NSƯT Bảo Quốc: NS cải lương và khán giả vẫn nhắc về giải thưởng Thanh Tâm bằng tất cả sự yêu mến và ngưỡng mộ, dù giải thưởng danh giá đó đã dừng lại cách đây hơn nửa thế kỷ. Để chọn được những NS, vở diễn trao giải, ban giám khảo sẽ xem tất cả vở tuồng trong năm và lắng nghe ý kiến phản hồi từ khán giả. Những buổi đi xem không bao giờ được báo trước, vì vậy để có thể lọt vào danh sách được bình chọn, mỗi NS phải không ngừng nỗ lực và sáng tạo cho vai diễn của mình. Một trong những điều kiện quan trọng để được xét chọn giải Thanh Tâm là khả năng sáng tạo vượt bậc của NS. Bên cạnh đó, NS còn phải biết giữ mình trong cả cuộc sống đời thường. Họ phải có một lối sống lành mạnh, biết tôn sư trọng đạo và nghiêm túc, chỉn chu ngay cả trong quá trình tập luyện. Cho đến nay, những NS từng được trao giải Thanh Tâm vẫn tự hào với giải thưởng mình được trao, và vẫn là những tên tuổi được công chúng yêu mến. Hoa Nguyễn (ghi) |
Thảo Vân (thực hiện)