Khi học sinh tiểu học diễn kịch lịch sử bằng tiếng Anh

27/04/2023 - 10:09

PNO - Ngày 25/4, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức lễ tổng kết, công diễn và khen thưởng hội thi nhạc kịch tiếng Anh về lịch sử Việt Nam cấp tiểu học. Các đại biểu không khỏi bất ngờ trước những màn trình diễn giàu cảm xúc, tái hiện sinh động các sự kiện, nhân vật lịch sử Việt Nam thông qua lời thoại tiếng Anh trôi chảy của học sinh tiểu học TPHCM.

Xúc động khi học sinh hóa thân anh hùng lịch sử

Các em học sinh Trường tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) mở màn buổi công diễn với vở nhạc kịch về anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản - Defeat the enemy, repay the king. Các em hóa thân thành những nhân vật thời phong kiến, đưa người xem quay trở về hội nghị lịch sử Bình Than, nơi vua Trần Nhân Tông cùng các vương hầu bàn kế đánh giặc Nguyên. Trần Quốc Toản khi ấy chưa tròn 16 tuổi không được tham gia bàn việc nước nhưng vẫn tìm cách xông vào để xin vua đi đánh giặc. Khi nghe cậu bé bày tỏ chí lớn, nhà vua đã ban tặng 1 quả cam nhưng vẫn không cho bàn việc nước. Chàng trai trẻ Trần Quốc Toản lúc ấy đã vô tình bóp nát quả cam vua ban lúc nào không hay. 

Trên sân khấu hoành tráng với âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp, hàng chục học sinh trong những bộ hoàng phục vào vai các vị vua, quan thời phong kiến với tác phong đĩnh đạc, khả năng múa, hát sinh động, lời thoại hoàn toàn bằng tiếng Anh, mang lại cảm xúc mới mẻ cho câu chuyện lịch sử quen thuộc. Bằng lối diễn tự nhiên, các em tái hiện hành trình của vị anh hùng Trần Quốc Toản từ lúc xin vua đi đánh giặc không thành, cho đến giai đoạn tự đứng lên thành lập đội quân chống giặc, trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù với biểu tượng mỗi lần ra trận là lá cờ đỏ thêu 6 chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”.

Vở nhạc kịch Con Rồng cháu Tiên của học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (quận 12) - ẢNH: P.T.
Vở nhạc kịch Con Rồng cháu Tiên của học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (quận 12) - Ảnh: P.T.

Vở nhạc kịch Con Rồng cháu Tiên của học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (quận 12) cũng khiến người xem mãn nhãn với những hình ảnh hoành tráng gắn với cội nguồn đất nước. Các em hóa thân vào vai cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ cùng trăm người con với hành trình dựng nước, giữ nước qua 18 đời Vua Hùng. Hình ảnh trống đồng Đông Sơn cùng với những hoạt cảnh sinh động đã tái hiện truyền thuyết về giống nòi, cội nguồn, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Hoành tráng không kém là vở kịch Hào hùng tiếng trống Mê Linh của học sinh Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hình ảnh chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị cưỡi voi ra trận được học sinh trình diễn sinh động với biểu cảm mạnh mẽ, quyết liệt của những người phụ nữ “Hồng quần nhẹ bước chinh yên/ Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành”.

Các vở nhạc kịch của học sinh cũng đưa khán giả về thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ ác liệt và hào hùng của dân tộc như vở Kỳ tích Điện Biên của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 12), 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc của học sinh Trường tiểu học Hòa Phú (huyện Củ Chi). Trong đó, tác phẩm Nữ anh hùng Võ Thị Sáu của học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7) tái hiện chân thực hình ảnh chị Võ Thị Sáu ra pháp trường vẫn ngẩng cao đầu: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới có tội”. Cả hội trường lặng đi vì xúc động khi các học sinh đồng ca bài Biết ơn chị Võ Thị Sáu bằng tiếng Anh cùng hàng chục ngọn nến lung linh tưởng nhớ người con gái Đất Đỏ. Một tiết mục khác xúc động không kém là nhạc kịch Sống như anh của học sinh Trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú) về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Học lịch sử bằng tiếng Anh, học tiếng Anh qua lịch sử

Đóng vai chính Trần Quốc Toản trong vở nhạc kịch đạt giải Đặc biệt của hội thi, em Liêu Sử Hoài - học sinh lớp 5/1 Trường tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) - chia sẻ em rất hào hứng khi được tham gia một sân chơi vô cùng ý nghĩa. Hoài kể, trước khi tham gia, em hầu như chưa biết gì về nhân vật Trần Quốc Toản. Sau khi được chọn đảm nhận vai chính, em say mê tìm hiểu về nhân vật anh hùng này. Càng tìm hiểu, Liêu Sử Hoài càng thấy hâm mộ anh hùng Trần Quốc Toản, đặc biệt ấn tượng với hành động “bóp nát quả cam” thể hiện sự phẫn uất trước kẻ thù bạo ngược. Cũng từ nhiều tháng trời tìm hiểu, luyện tập và gắn bó với nhân vật anh hùng này, niềm yêu thích lịch sử càng nhen nhóm trong em và các bạn cùng tham gia vở kịch. Bên cạnh đó, các em cũng có thêm rất nhiều vốn từ tiếng Anh và học cách phát âm trôi chảy, từ đó có niềm tự tin để giao tiếp, chia sẻ với các bạn bè quốc tế về lịch sử hào hùng của đất nước.

Các học sinh Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) trong vở nhạc kịch Hào hùng tiếng trống Mê Linh - ẢNH: P.T.
Các học sinh Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) trong vở nhạc kịch Hào hùng tiếng trống Mê Linh - Ảnh: P.T.

Cô Giáp Thị Nhung - giáo viên tiếng Anh Trường tiểu học Kim Đồng (quận 12) - cũng bày tỏ niềm yêu thích đối với sân chơi rất ý nghĩa lần đầu tiên được tổ chức cho học sinh tiểu học. Theo cô, để chuẩn bị cho cuộc thi này, bản thân cô và đồng nghiệp phải tìm hiểu rất kỹ về những nhân vật và sự kiện lịch sử để có thể chuyển thể kịch bản sang tiếng Anh một cách chính xác, chân thực nhất. Như vậy, trong quá trình biên dịch, chính giáo viên cũng có cơ hội trau dồi thêm kiến thức lịch sử cho bản thân. Khi dịch, cô cố gắng giữ được cái hồn của tác phẩm, nhưng đồng thời cũng phải nỗ lực tìm những từ ngữ tiếng Anh giản đơn, phù hợp độ tuổi tiểu học. Sau khi dịch sang tiếng Anh, thầy cô còn dành thời gian giảng giải thêm cho học sinh về lịch sử, về câu chữ tiếng Anh để các em nắm trọn vẹn vở kịch để có thể diễn tự nhiên nhất.

Ông Bùi Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) - nhận xét: đây là sân chơi rất đặc sắc vì kết hợp giữa truyền thống lịch sử dân tộc với yếu tố hiện đại là thể loại nhạc kịch cùng ngôn ngữ tiếng Anh. Sân chơi tạo sự hứng khởi cho học sinh tìm hiểu và học lịch sử, từ đó thấm và yêu lịch sử một cách tự nhiên. Nhờ sự kết hợp này, các em được học lịch sử bằng tiếng Anh và học tiếng Anh bằng lịch sử. Qua những tác phẩm lịch sử đã được biên dịch, các em được mở rộng vốn từ, tăng khả năng diễn đạt tiếng Anh. Ở chiều ngược lại, học sinh được tiếp cận lịch sử bằng phương thức mềm mại, truyền cảm hơn. Khi các em thấu cảm được truyền thống lịch sử, các chiến công, các vị anh hùng lịch sử sẽ giúp vun đắp lòng nhân ái, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc từ lứa tuổi còn rất nhỏ. 

Kho lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh phong phú 

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, vòng chung kết có 44 tiết mục với sự tham gia của 2.188 học sinh. Kết quả, có 28 đơn vị đạt giải tập thể, 20 học sinh đạt giải cá nhân, 68 học sinh được biểu dương. 

Đây là sân chơi nhằm hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, góp phần thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia, đề án nâng cao tiếng Anh cho học sinh TPHCM, lồng ghép việc giáo dục về lịch sử đất nước, lịch sử TPHCM. Đồng thời tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh đẩy mạnh hoạt động giảng dạy tiếng Anh, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng đến giúp học sinh của thành phố có khả năng giới thiệu về lịch sử Việt Nam khi giao lưu giao tiếp với bạn bè và du khách quốc tế. Giám khảo là chuyên gia từ nhiều chuyên ngành đều đánh giá cao năng lực của học sinh tiểu học TPHCM về nhiều mặt.

Theo bà, ngoài 44 tác phẩm tham dự vòng chung kết cấp thành phố, các trường tiểu học đều tham gia ở cấp quận, huyện. Trước đó, các sự kiện, nhân vật lịch sử được chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh không phổ biến, nhưng thông qua hội thi này, rất nhiều câu chuyện, nhân vật lịch sử đã được các trường chuyển thể sang tiếng Anh với đa dạng loại hình từ dân ca, cải lương, nhạc trẻ, thậm chí cả Quốc ca, Quốc tế ca... tạo nên kho tư liệu phong phú về lịch sử Việt Nam, lịch sử TPHCM. Các tác phẩm lịch sử trải dài từ thời dựng nước, giữ nước đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; các nhân vật lịch sử đã được sân khấu hóa, các tiết mục hoành tráng, được đầu tư tỉ mỉ, ngoài khả năng tiếng Anh trôi chảy còn có nét diễn, các biểu cảm sinh động của học sinh đã gieo vào lòng người xem nhiều cảm xúc.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI